Tranh cãi tập quán ăn thịt mèo: Món khoái khẩu hay rủi ro sức khỏe?
“Chưa ăn thịt mèo chưa về Thái Bình”
Một ngày cuối tuần tháng 12/2022, ông Nguyễn Văn Hậu (75 tuổi, ở đường Lý Bôn, thành phố Thái Bình) đạp xe đến nhà hàng thịt mèo quen thuộc nằm trên phố Trần Thái Tông. Vừa thấy bóng ông, anh Vũ Văn Đức - đầu bếp của nhà hàng Phương Thanh đã tươi cười hỏi: "Vẫn như mọi khi hả ông?".
"Như mọi khi", ông Hậu sẽ mua 200.000 đồng món thịt mèo xào sả ớt, món đắt khách nhất của nhà hàng. Hôm nay nhà ông Hậu có khách ở Hà Nội và Hải Phòng về. Ông bảo đầu bếp chuẩn bị 3 đĩa, mỗi đĩa 200.000 đồng, trong đó: một đĩa xào về ăn ngay, còn 2 đĩa thịt sống ướp sẵn gia vị. Dĩ nhiên món thịt mèo không thể thiếu rau má ngọ, sả, tương chấm để biếu khách mang đi.
Đầu bếp Vũ Văn Đức (Ảnh: Thành Luân). |
Không chỉ ông Hậu, nhiều người dân ở thành phố Thái Bình đã trở thành khách quen của nhà hàng Phương Thanh. Đây là nhà hàng thịt mèo lâu đời nhất nhì ở thành phố Thái Bình với hơn 20 năm kinh nghiệm về các món thịt mèo: từ mèo hấp, mèo nhúng mẻ đến mèo xào sả ớt, mèo om niêu đất, lòng mèo xào sả ớt, lẩu mèo chặt, óc mắt hầm lá ngải, mèo nấu rựa mận... Các món này dao động từ 50.000-500.000 đồng, tùy suất lớn, nhỏ.
Theo đầu bếp Đức, thịt mèo chỉ phổ biến ở các tỉnh, thành phía Bắc. Với một số người ở Thái Bình, thịt mèo giàu đạm, lạ miệng. Đặc biệt, nhiều người còn quan niệm ăn thịt mèo đầu tháng sẽ mang lại may mắn, tài lộc. Người miền Nam ít ăn thịt mèo vì cho rằng đó là thú cưng, gần gũi, gắn bó với con người hoặc ăn thịt mèo sẽ bị xui xẻo, ảnh hưởng đến công việc, tiền tài... |
Theo anh Vũ Văn Đức, nguồn gốc chính xác của việc ăn thịt mèo tại Việt Nam vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, thói quen này ngày càng trở nên phổ biến trong thập kỷ vừa qua. Đối với người dân quê lúa, “chưa ăn thịt mèo chưa về Thái Bình”. Hầu hết đám cưới, đám giỗ hay cỗ bàn ở đây đều có thịt mèo vì như vậy mới… sang.
"Khách chỉ cần gọi điện đặt làm bao nhiêu đĩa, mỗi đĩa bao nhiêu tiền và hẹn giờ, quán làm xong khách chỉ việc đến lấy. Thịt mèo đắt hàng nhất từ mồng 1 đến 15 hàng tháng, mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 40 con. Từ ngày 15 trở ra, chúng tôi bán lai rai mỗi ngày 15-20 con", anh Đức cho biết.
Mối đe dọa lớn
Theo bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng ban Chiến dịch về Động vật đồng hành tại Đông Nam Á, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS), mỗi năm, hơn một triệu cá thể mèo tại Việt Nam bị buôn bán bất hợp pháp và giết thịt.
Năm 2020, tổ chức FOUR PAWS vận động thành công một nhà hàng thịt mèo đóng cửa (Ảnh: FOUR PAWS). |
Việc bắt trộm, vận chuyển đường dài, nhồi nhét trong những chiếc lồng chật hẹp và giết mổ dã man đã làm tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Động vật bị nhốt chung trong điều kiện chật chội gồm các cá thể bị bệnh sẽ tạo nên một môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh mới sinh sôi. Nguy cơ có thể biến đổi để lây nhiễm sang người. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều trường hợp người tiêu thụ hoặc giết mổ mèo để lấy thịt bị mắc bệnh dại. Chưa kể những cá thể mèo bị bắt trộm bởi việc đánh bả... Tất cả những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ những người tham gia vào quá trình buôn bán và tiêu thụ.
Ngày 15/12/2020, FOUR PAWS đã lần đầu tiên thành công trong việc vận động một nhà hàng thịt mèo và lò giết mổ ở Việt Nam đóng cửa, đồng thời giải cứu 25 cá thể chó, mèo đang chờ giết thịt tại một nhà hàng ở thành phố Thái Bình. Tháng 12/2021, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và tổ chức FOUR PAWS đã ký thỏa thuận, theo đó Hội An trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam nói không với việc tiêu thụ thịt chó, mèo và hướng tới hình ảnh thành phố du lịch thân thiện. |
Nạn buôn bán thịt mèo cũng cản trở các nỗ lực loại trừ bệnh dại của Việt Nam và thế giới khi những người tham gia vào hoạt động này vi phạm trắng trợn luật pháp về vận chuyển động vật và kiểm soát bệnh dại - và cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ rất khó để đạt được miễn dịch cộng đồng, một bước cần thiết để xóa sổ bệnh dại.
Các cuộc điều tra của FOUR PAWS và Tổ chức Thay đổi vì động vật đã xác định Hà Nội và Thái Bình là những điểm nóng về thịt mèo của Việt Nam, với mạng lưới rộng lớn bao gồm hàng trăm nhà hàng, khu vực nuôi nhốt và lò mổ. Tại các cửa hàng, nhóm điều tra còn phát hiện ra nhiều con mèo có đeo vòng cổ, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng là vật nuôi và gặp nhiều chủ vật nuôi đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng những con mèo đã bị đánh cắp của họ.
Trong một khảo sát của FOUR PAWS vào năm 2021 với những người Việt có độ tuổi, giới tính, mức thu nhập và trình độ học vấn khác nhau. Kết quả cho thấy, 95% người dân không coi việc ăn thịt mèo là một phần của văn hóa Việt Nam, 88% sẽ ủng hộ việc cấm buôn bán thịt chó và mèo. Do đó, mục tiêu của FOUR PAWS là vận động để Chính phủ Việt Nam ban hành luật cấm buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam.
“Việt Nam đã có Luật thú y, Thông tư 25/2016/TT-BNTPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y... Nếu tất cả các văn bản này được thực thi nghiêm túc, chúng tôi tin rằng tác hại đối với cộng đồng và động vật sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, các mối nguy hiểm sẽ không chấm dứt nếu không có một lệnh cấm hoàn toàn" - bác sĩ Karanvir Kukreja nhấn mạnh.
Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á, FOUR PAWS cũng đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Hơn 1,6 triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo. Tháng 12/2021, FOUR PAWS đã gửi thư tới Chính phủ Việt Nam kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Bức thư này hiện đã thu thập được 33.000 chữ ký ủng hộ tại Việt Nam. |