Trải nghiệm "Địa ngục" một thời giữa lòng Thủ Đô
Cổng và vé vào của khu di tích nhà tù Hỏa Lò |
Vị trí nhà tù Hỏa Lò
Điểm đặc biệt khi nhắc đến Hà Nội có lẽ là giữa một thủ đô hiện đại, náo nhiệt, luôn đan xen những không gian cổ xưa, những công trình di tích lịch sử mang nhiều nét thăng trầm, hoài niệm, khơi gợi sự xúc động mạnh mẽ trong mỗi người. Nhà tù Hỏa Lò là một nơi như thế.
Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò, nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội, cụ thể tại ở số 1 phố Hoả Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây minh chứng rõ nét cho cả một thời kỳ lịch sử khổ cực mà gian lao, tinh thần bất khuất, kiên cường của những người con Việt Nam yêu nước.
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng vào năm 1896 với tên gọi là Đề lao Trung ương (Maison Centrale), chỉ 4 năm sau khi nhà tù Côn Đảo được xây. Hiện nay thì công trình được tôn tạo thành khu du tích và thu hẹp diện tích còn lại là 2.434 m2.
Sở dĩ được gọi là "địa ngục" vì nơi đây tái hiện cuộc sống gian khổ, ngục tối của những chiến sĩ Việt Nam. Hoàn cảnh sống éo le, giam cầm mà vẫn dũng cảm hoạt động cách mạng của những con người yêu nước.
Hỏa Lò, nhân chứng lịch sử còn mãi với thời gian
Trước hết, sau khi mua vé vào cổng các bạn sẽ được đóng dấu hai từ "đồng song" cho chuyến trải nghiệm lịch sử này. "Đồng song" ý chỉ những người cùng đằng sau song sắt, là tên mà những người chiến sĩ ngày xưa gọi nhau, thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm, gian khổ nhưng cũng kiên cường bất khuất.
Lời bình trước mỗi không gian tham quan |
Đây là một trong những nhà tù có quy mô “bậc nhất Đông Dương” lúc bấy giờ. Cả khu vực ngục tù được chia thành 4 khu: A, B, C, D, trong đó:
Khu A và B dành cho các phạm nhân đang được điều tra, phạm nhân phạm tội không quan trọng hoặc phạm nhân vi phạm kỉ cương của nhà tù.
Khu C dành cho các tù nhân ngoại quốc.
Khu D dành cho những tử tù đang chờ thụ án.
Cấu trúc kiên cố của nhà tù được bao bọc bởi những bức tường bằng đá cao lên tới 4m. Phía trên là các mảnh chai sắc bén với các dây điện cao thế nhằm ngăn tù nhân vượt ngục.
Hình ảnh khu bếp, khu vệ sinh, bản giấy tờ bắt giữ chiến sĩ. |
Các phòng giam chi chít các xà lim, cột trụ, gông thép cùng với không gian chật chội, thiếu ánh sáng làm các nhà cách mạng cũng phải run sợ. Những cánh cửa sắt, then cài được tuyển chọn trực tiếp, kỹ lưỡng nhằm ngăn chặn sự giao lưu ra bên ngoài của những chiến sĩ cách mạng.
Cấu trúc, sơ đồ phòng giam được lưu trữ,, sửa lại giúp du khách dễ hiểu hơn |
Cấu trúc tường thành kiên cố, thiết kế theo khuynh hướng đào sâu, không một khe hở. Cùng với đó là thủ đoạn tra tấn, đánh đập tàn bạo bên trong. Tất cả đã tạo nên một “địa ngục trần gian” mà ai nghe thôi cũng phải khiếp sợ.
Anh Arthur, du khách người Anh cho biết: "Nó rất khác so với những gì chúng tôi được học ở phương Tây. Tôi học về Việt Nam ở trường học và được dạy về góc nhìn của phương Tây, mặc dù vẫn có chiều hướng tiêu cực nhưng khi bạn đến đây bạn được thấy một câu chuyện hoàn toàn khác, nó tồi tệ hơn rất nhiều so với những bị bạn được nghe khi ở phương Tây."
Cửa sắt kiên cố nhằm ngăn chặn sự giao tiếp với bên ngoài của những chiến sĩ cách mạng |
Đặc biệt tại đây còn có hình thức tra tấn, ép cung với "cỗ máy chém". Nhà tù vẫn lưu giữ hình ảnh "máy chém" ấy như một minh chứng lịch sử, giúp du khách hình dung rõ hơn về những hi sinh của chiến sĩ cách mạng.
Hình ảnh máy chém vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một minh chứng lịch sử. (Ảnh: sưu tầm) |
Mặc cho bị đàn áp như vậy, trong không gian tối tăm chốn lao ngục, các buổi tuyên truyền giáo dục cách mạng đã âm thầm diễn tra. Lý tưởng cách mạng luôn được nhen nhóm, được giác ngộ đến các binh lính. Để rồi nó đã bùng cháy thành những ngọn lửa cách mạng sau này. Để trở thành những cuộc vượt ngục đầy ngoạn mục, hay những cuộc nổi dậy đầy anh dũng.
Trưng bày bát đũa, quần áo của "tù nhân" |
"Hanoi Hilton", nơi giam giữ những phi công Mỹ
Lời giới thiệu lịch sử được đặt ở không gian tham quan |
Từ sau ngày hoà bình lập lại (10/10/1954), Hỏa Lò là nhà tù của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà tù được đổi tên là “Trại giam phạm nhân Hà Nội” và giao cho Ủy ban Quân quản Hà Nội, trực thuộc quyền quản lý của Công an thành phố.
Không gian lưu trữ đồ của phi công Mỹ, những chiến công của Việt Nam khi hạ máy bay Mỹ |
Giường chữa bệnh cho lính Mỹ |
Anh Arthur cũng nói rằng: "Tôi cảm thấy những gì người lính Việt Nam đã trải qua thật kinh khủng. Nó đối lập với những gì người Mỹ phải trải qua, khi bạn nhìn vào những trại tập trung ở thế chiến thứ 2, người Mỹ được đối xử với sự tôn trọng và danh dự hơn hơn nhiều."
Khu trưng bày hình ảnh thời kỳ trại giam thành nơi giam giữ lính Mỹ. |
Zahrah, du khách từ Anh cho biết mọi thông tin ở đây đều hữu ích vì cô không đọc ở Anh, nó tái hiện được rõ hơn lịch sử Việt Nam: "Tôi thấy người lính Việt rất can đảm, những gì họ đã làm và phải trải qua, tôi không thể tin được rằng rất nhiều trong số họ đã có thể trốn thoát khỏi đây, thậm chí trong những thời gian khó khăn, bị nhốt lại trong đây."
Du khách nước ngoài đến tham quan "địa ngục" giữa lòng Thủ Đô" |
Trả lời phóng viên VN Times, Andrew Greve, du khách Úc cho biết "Lịch sử Việt Nam rất thú vị, đặc biệt tham quan và nghe thuyết minh qua máy tôi cảm thấy nó dễ hiểu hơn. Những gì họ trải qua thật là khó khăn, khác hoàn toàn với sự tử tế mà các bạn làm với lính Mỹ. Tôi rất vui vì đã đến đây.".
Nơi lưu giữ, tưởng nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng
Tại đây còn có khu Lưu niệm này có đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò. Đó là sự ghi công, tưởng nhớ đối với những người anh hùng của đất nước.
Không những thế còn có không gian trưng bày hình ảnh, câu chuyện, bằng khen, huy chương của những anh hùng, những người lính trong nhà tù Hỏa Lò.
Lưu giữ trưng bày câu chuyện liên quan đến những anh hùng yêu nước |
Bạn Như Phương, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: "Mình rất vui và tự hào về lịch sử nước ta. Đến đây sẽ được tận mắt thấy những khó khăn, gian khổ của ông cha ta ngày xưa. Vào đây mình cũng thấy sợ vì không gian tối tăm của nó, người chiến sĩ cách mạng thật dũng cảm. Nếu chưa có cơ hội đến Côn Đảo thì đây là lựa chọn tốt để bạn có thể hiểu hơn về lịch sử của nước mình."
Khu di tích lịch sử tái hiện lại hiện thực gian khổ của người lính Việt Nam trong thời gian kháng chiến. Nhà tù Hỏa Lò vừa là minh chứng về sự hy sinh, chịu đựng gian khổ, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, vừa là bản án tố cáo chế độ nhà tù man rợ của chế độ thực dân Pháp trong thời kỳ đô hộ ở Việt Nam.
Hiện nay, di tích nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô và cả nước. Nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.