Top 10 lễ hội miền Bắc cho dịp du xuân đầu năm
"Hội xuân" với những nghi lễ, nét đẹp đầu năm mới “Hội xuân” là chủ đề của chuỗi các hoạt động diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong suốt tháng 1/2023 nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. |
Việt Nam là điểm đến ưa thích của du khách Hàn Quốc dịp Tết Nguyên đán Trong các sản phẩm du lịch từ ngày 20 đến 24/1 (từ 29 âm lịch đến 3 Tết), điểm đến được đặt trước nhiều nhất là các quốc gia Đông Nam Á với 54%, trong đó Việt Nam đứng đầu với khi chiếm tới 19,4%. |
Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội chùa Hương năm 2023 diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội được tổ chức gắn với tôn vinh, quảng bá giá trị Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn.
Khai hội Chùa Hương năm 2020 (Ảnh: Internet). |
Lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4/2023 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng ba âm lịch năm Quý Mão). Ngày khai hội là ngày 27/1, tức ngày mùng 6 tháng giêng, nhưng Ban tổ chức mở cửa đón khách từ mùng 2 Tết Quý Mão.
Được xem là một nét đặc trưng của văn hóa miền Bắc dịp Tết, Lễ hội chùa Hương có thời gian tổ chức dài nhất nước, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Lễ hội chùa Hương không chỉ là một lễ hội du xuân thông thường mà còn có ý nghĩa rất lớn, ghi đậm dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng thờ của Bắc bộ.
Ý nghĩa của Lễ hội chùa Hương nằm trọn vẹn trong phần lễ, thể hiện cho tín ngưỡng thờ cúng Phật giáo với hành trình hành hương về đất Phật. Trong khi đó, phần hội lại cho thấy sự kết nối, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, thể hiện khát vọng của con người với những giá trị chân - thiện - mỹ.
Du khách đến với lễ hội chùa Hương không chỉ là để hướng đến những bậc siêu nhiên, thần thánh mà còn là để cảm nhận sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa con người ở mọi chốn cùng nhau hẹn đến một điểm tạo thành một nét đẹp đoàn kết của dân tộc.
Hội chùa Keo
Hội chùa Keo được tổ chức tại Chùa Keo, thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Lễ hội được tổ chức vào hai kỳ trong năm: Hội Xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và Hội Thu được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 9 Âm lịch.
Màn trống Khai hội Lễ hội chùa Keo xuân Kỷ Hợi 2019 (Ảnh: Báo Văn hóa). |
Hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
Lễ hội đền Trần
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định năm 2023 được tổ chức từ ngày 1 đến 6/2/2023 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.
Lễ hội Đền Trần là nét văn hóa, hoạt động tri ân 14 vị Vua Trần có công dựng nước (Ảnh: Duan24h.Net). |
Các nội dung chính của lễ hội (kéo dài từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) vẫn được giữ nguyên như truyền thống, với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân Vương triều Trần-vương triều đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Ngoài nghi lễ Khai ấn (do cộng đồng địa phương thực hiện vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn từ 5h sáng hôm sau), trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của Vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá.
Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...
Trong khuôn khổ lễ hội còn có nghi lễ dâng hương do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Nam Định tổ chức vào 21h đêm 14 tháng Giêng (trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai ấn)…
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 26 - 28/1/2023). Các nghi lễ cáo yết, rước nước, sái tịnh, lễ cầu an; hội thi vẽ và trang trí trâu, các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật do nhân dân xã Tiên Sơn và các xã, phường thị xã Duy Tiên (Hà Nam) thực hiện, tham gia vẫn được diễn ra như thường lệ trong 2 ngày mùng 5 - 6 tháng Giêng.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7 tháng Giêng (Ảnh: TN). |
Sáng ngày mùng 7 tháng Giêng chính hội có lễ rước kiệu của làng Đọi Tam đón linh vị vua Lê Đại Hành từ đình Đọi Tam đi ra và lễ rước kiệu linh vị vua Lê từ trên chùa Đọi xuống chân núi. Tại đây 2 đoàn hợp nhất rước kiệu về sân Tịch điền làm lễ. Sau màn trống, múa rồng mừng hội, đọc văn trình, dâng hương, nghi trình cày tịch điền sẽ được diễn ra.
Hội Xuân Yên Tử
Sau 2 năm “lỡ hẹn” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Hội Xuân Yên Tử 2023 sẽ được bắt đầu khai hội vào ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão (tức ngày 31/1/2023) tại Trung tâm tổ chức lễ hội - Cung Trúc Lâm (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm.
Lễ khai hội Xuân Yên Tử hằng năm thu hút rất đông Phật tử và du khách (Ảnh: Internet). |
Phần lễ khai hội năm nay gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Sau phần nghi lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử;… Hội Xuân Yên Tử năm nay sẽ tổ chức các hoạt động tâm linh ban đêm như: Lễ cầu an, lễ chúc phúc…, kết hợp với một số tổ chức hình thành các chương trình về nguồn nhiều ý nghĩa.
Về Khu di tích và danh thắng Yên Tử hành hương lễ Phật, nhân dân và du khách không chỉ được hòa mình với thiên nhiên, ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của non thiêng Yên Tử mà còn có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm du lịch như: Chăm sóc sức khoẻ từ các bài thuốc của đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử; trải nghiệm ẩm thực đặc trưng của thành phố và các địa điểm check-in đẹp, ấn tượng như: Đỉnh Phượng Hoàng - phường Bắc Sơn, đỉnh Bình Hương - phường Vàng Danh, khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, vườn hoa...
Lễ hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa hay còn gọi là Hội đền An Dương Vương (ở làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) để tưởng nhớ đến vua Thục Phán có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa.
Lễ hội Cổ Loa 2023 diễn ra từ ngày 26 đến 27/1 (tức mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Lễ hội gồm các nghi thức rước, tế lễ theo truyền thống của Bát xã Loa thành (nay là 4 xã: Cổ Loa, Liên Hà, Uy Nỗ, Xuân Canh) và các hoạt động vui hội, như: Cờ người, đu tiên, bắn nỏ, đấu vật, hát tuồng, quan họ, múa rối… và nhiều trò chơi dân gian khác.
Nghi thức tế lễ tại Lễ hội Cổ Loa (Ảnh: Internet). |
Đặc biệt, Lễ hội Cổ Loa năm nay còn có sự kiện công bố Lễ hội được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; công nhận điểm du lịch Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa.
Hội Lim, Bắc Ninh
Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh.
Năm 2023, Hội Lim sẽ diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng Giêng, chính hội là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.
Phần hát hội của các liền anh, liền chị (Ảnh Internet). |
8h ngày 13/1/2023 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia . Trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ, sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Lễ hội chợ Viềng
Lễ hội chợ Viềng được tổ chức tại thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch. Không giống như những phiên chợ khác, mọi hoạt động mua bán tại chợ Viềng đều không mặc cả và mang ý nghĩa văn hóa.
Du khách đến với Lễ hội chợ Viềng sẽ vô cùng choáng ngợp với không gian rộng lớn, cảnh mua bán với các loại mặt hàng từ đồ gỗ, đồ đồng, đồ bằng đá, đổ cổ hay giả cổ… Ngoài ra, tại chợ Viềng còn bán các loại nông cụ sản xuất nông nghiệp hay cây trồng.
Không chỉ mang nét đặc sắc của chợ phiên, chợ Viềng còn được biết đến là hội xuân thu hút du khách với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Cờ người, chọi gà, đánh đu, đấu vật, rối nước, múa rối cạn, tò he, xin chữ…
Hội gò Đống Đa
Hàng năm, vào ngày mùng 5 Tết âm lịch, nhân dân ta lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại khu gò Đống Đa thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là chiến thắng oanh liệt của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu - 1789.
Sáng sớm mồng 5 Tết hàng năm, chiêng trống nổi lên rộn rã quanh Gò Đống Đa và đông đảo người dân đổ về Thủ đô tham gia Lễ hội (Ảnh: Internet). |
Ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương - đã được nâng lên thành quốc lễ để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các vua Hùng có công dựng nước và giữ nước.
Hội mở từ ngày 9 đến 13 tháng 3, chính hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, có các nghi thức rước bánh chưng-bánh giầy tại đền Hùng (Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ). Từ trước chính hội, lễ hội đã diễn ra với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Phần tế lễ của Hội Đền Hùng (Ảnh sưu tầm). |
Phần lễ trong ngày hội chính gồm 2 phần là: lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi...