Tội phạm buôn người ngày càng nhiều thủ đoạn mới
Các nạn nhân của tình trạng mua bán người được học tập, hỗ trợ tại Nhà Nhân Ái (Lào Cai) Ảnh: Thu Thuỷ |
Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức. Hội thảo là diễn đàn để Chính phủ và các tổ chức quốc tế nhìn lại các nỗ lực trong việc triển khai Chương trình phòng chống mua bán người xuyên suốt giai đoạn 2016- 2019, trong đó đặc biệt chú trọng vào Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”.
Sử dụng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ để lừa gạt
Tại hội thảo, trung tá Ngô Xuân Ý, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, ngoài các thủ đoạn cũ là lợi dụng khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc lợi dụng mạng xã hội giả vờ làm quen yêu đương, kết bạn môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép, mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú thì hiện nay các đối tượng đã dùng nhiều biện pháp tinh vi hơn. Trong đó, nhiều đối tượng dùng ảnh của cán bộ công an, bộ đội biên phòng rồi tạo tên giả trên mạng xã hội, gọi điện làm quen với phụ nữ (chủ yếu độ tuổi 16 đến 23), hứa hẹn tổ chức đám cưới, rủ đi chơi; sau đó khống chế, đe dọa nạn nhân rồi bán ra nước ngoài. Các vụ việc này được phát hiện xảy ra tại Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La.
Tình trạng mua, bán chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến năm đối tượng hoạt động từ tháng 5.2017 đến tháng 1.2019. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng khai nhận thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.
Phát hiện một số đường dây môi giới đưa phụ nữ Việt Nam sang Quảng Đông (Trung Quốc) đẻ thuê với giá từ 120 đến 140 nghìn nhân dân tệ (khoảng 400 đến 500 triệu đồng). Các đường dây này lo trọn gói thủ tục từ việc đưa người sang Trung Quốc chăm sóc, thăm khám, sinh con tại các cơ sở y tế cũng như hợp thức hóa hồ sơ cho đứa trẻ được sinh ra. Tháng 3.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với Nguyễn Thị Huế (sinh năm 1984, trú tại Bắc Giang) và Đinh Thị Hải Yến (sinh năm 1988, trú tại Hà Nội) về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Qua điều tra ban đầu hai đối tượng khai nhận đã đưa gần 10 phụ nữ sang Trung Quốc và cấy phôi thành công. Ngoài ra, các đối tượng mua bán người cũng tìm phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số rồi dụ dỗ bán con sang nước ngoài; hoặc đưa ra nước ngoài sinh con, sau đó bán cho người dân địa phương.
Xây dựng chính sách đảm bảo bình đẳng cho nạn nhân bị mua bán
Để trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người tái hòa nhập, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: Gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại Trung tâm Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống...
Ở một số địa phương, các tổ chức quốc tế đã có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD cho các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, ngày 12/8/2016, Bộ LĐTBXH đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH.
Qua đó, đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng; đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân, thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTBXH, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương, nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống.
Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, hiệu quả trợ giúp vẫn chưa thực sự đem lại kết quả như mong đợi.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập- Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH, trong thời gian tới, trong công tác phòng chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật, đề xuất chính sách hỗ trợ nạn nhân đảm bảo sự bình đẳng giới trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề và vay vốn hòa nhập cộng đồng; thí điểm, nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng …
Còn theo ông Brett Dickson- Trưởng Bộ phận chương trình IOM Việt Nam, Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 sẽ khép lại vào năm 2020, do đó giai đoạn 2019-2020 sẽ là khoảng thời gian quan trọng để Chính phủ Việt Nam tăng tốc nhằm đạt được các cam kết đưa ra trong Chương trình. Theo đó để ngăn chặn nạn mua bán người, đưa ra các chiến dịch nâng cao nhận thức ở các cộng đồng dễ bị buôn bán và tổ chức tập huấn về phòng chống mua bán người.