Đức bắt giữ 900 kẻ buôn người trong năm 2016
Cụ thể, có 481 đối tượng bị bắt tại biên giới với Áo vào tháng 12/2016. Ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc, số kẻ buôn người bị bắt giữ tương ứng là 155 và 106 đối tượng. Có 45 vụ bắt giữ được tiến hành ở biên giới Bỉ, gần 90 kẻ bị bắt tới từ Pháp và 23 kẻ bị an ninh sân bay tóm được.
Xét về quốc tịch, số kẻ buôn người gốc Syria chiếm số lượng đông đảo nhất, tiếp đó là Ba Lan, Đức, Iraq và Nga. Nhà chức trách không công bố số liệu chi tiết về nhóm đối tượng này.
Mặc dù số vụ bắt giữ vẫn ở mức cao đáng kinh ngạc, số kẻ buôn người đã thực sự giảm mạnh so với kỷ lục của năm 2015, với 3.370 nghi phạm bị Cảnh sát Liên bang Đức bắt giữ.
Theo giới chức Đức, lượng người di cư tới nước này sụt giảm là kết quả của việc đóng cửa các tuyến đường qua khu vực Balkan. Đây từng là lối vào châu Âu phổ biến nhất, trước khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn tình trạng vượt biên bất hợp pháp.
Cảnh sát Đức (ngoài cùng bên phải) vui đùa với một em bé tị nạn ở ga Munich. (Ảnh: AFP)
Nội bộ các nước EU đang tranh cãi gay gắt về việc chính sách di dân có làm gia tăng các vụ khủng bố và mối đe dọa an ninh hay không. Gần đây nhất, vụ tấn công bằng xe tải ở khu chợ Giáng sinh tại Thủ đô Berlin (Đức) đã khiến 12 người thiệt mạng.
Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thi hành chính sách "mở cửa" đối với người di cư, khiến hơn 1 triệu di dân nhập cư vào nước này trong năm 2015. Động thái trên đã bị các đối thủ chính trị, người dân và thậm chí đồng minh chỉ trích mạnh mẽ.
Đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo (CSU) đang yêu cầu áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn về việc tiếp nhận người di cư so với Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU) của bà Merkel.
Tuy nhiên, chính sách mới được cho là vẫn sẽ giúp đỡ "những người (di cư) cần được bảo vệ", tôn trọng các thỏa thuận tị nạn để giải tỏa sức ép cho biên giới biên ngoài của EU và tiếp tục làm giảm tình trạng buôn người.
Trọng Sang