Tình hữu nghị Việt - Lào qua từng trang sách
Nguồn thông tin hữu ích về quan hệ Việt Nam - Lào
Cuối tháng 12/2022, tại thủ đô Vientiane (Lào), Học viện Ngoại giao Lào (thuộc Bộ Ngoại giao Lào) tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "60 năm quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam" nhân kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào 2022.
Được lên ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu từ đầu năm 2022, cuốn "60 năm quan hệ ngoại giao Lào - Việt Nam" là một công trình của Học viện Ngoại giao Lào. Sách được biên soạn và tuyển chọn nội dung theo lịch sử hình thành quan hệ Lào - Việt Nam; gồm các bài viết của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao và các học giả Lào về hợp tác giữa ngành ngoại giao hai nước; hợp tác song phương và đa phương ở khu vực và trên trường quốc tế; hợp tác trong giai đoạn trước năm 1975, sau năm 1975 và cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày cuốn sách “60 năm quan hệ ngoại giao Lào-Việt Nam”. (Ảnh: Trịnh Dũng) |
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lào Thongphane Savanhphet, cuốn sách là tài liệu quý giá đối với cán bộ, nhân viên các bộ, ngành liên quan từ Trung ương tới địa phương của Lào. Đặc biệt, cuốn sách giúp cho những nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên có thể nắm chắc hơn về quan hệ hợp tác giữa Lào và Việt Nam trong giai đoạn 60 năm qua.
Cuốn sách “Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành cũng là nguồn thông tin bổ trợ cho hoạt động nghiên cứu và công tác của các nhà nghiên cứu, lịch sử, ngoại giao. Sách gồm tuyển tập những tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Lưu trữ Quốc gia nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Đặc biệt, cuốn sách đã lựa chọn một số tài liệu vừa được giải mật và lần đầu tiên được công bố, giới thiệu đến công chúng như: Hiệp định ngày 13/6/1973 giữa Bộ Lương thực và Thực phẩm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ngành Tài chính Lương thực Trung ương Mặt trận Lào yêu nước về hợp tác kinh tế trong năm 1973; Hiệp định ngày 09/4/1974 về trao đổi hàng nội thương năm 1974 giữa Bộ Nội thương nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ngành Thương nghiệp Trung ương Mặt trận Lào yêu nước; 3 Hiệp định ngày 15/10/1974 giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên hiệp Dân tộc Lâm thời Vương quốc Lào về Bưu chính và Điện chính...
Thông qua các tư liệu trên, cuốn sách phản ánh những dấu mốc quan trọng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào từ những nền tảng đầu tiên, trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến ngày nay.
Năm 2017, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với các chuyên gia biên soạn bộ sách gồm 11 cuốn: “Việt Nam - Lào: Sự gắn bó xuyên thời gian (Những nét tương đồng về chính trị, lịch sử, văn hóa từ cổ đại đến hiện đại”); “Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1954 – 2017”; “55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào: Nhìn lại và hướng tới”; “Tư tưởng Phật giáo trong văn hóa Lào - Việt Nam, một cơ sở kiến tạo tình đoàn kết”; “So sánh Xú-pha-xít Lào với ca dao Việt Nam”; “Những câu chuyện về tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào”; “Chung dãy Trường Sơn”; “Lễ hội văn hóa truyền thống, những nét tương đồng Việt Nam – Lào”; “Những bước tiến trình tiến trình văn học để khẳng định độc lập dân tộc của Lào và Việt Nam”; “Sự tương đồng về tư tưởng trong văn hóa dân gian Việt Nam - Lào”; “Tìm hiểu văn hóa - lịch sử đất nước Lào”.
Bộ sách giới thiệu đến công chúng những thông tin cơ bản về đất nước, con người và đặc trưng của đất nước Triệu Voi thông qua các lĩnh vực lịch sử - quân sự, chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội... song hành trong thế tương quan với đặc trưng về đất nước và con người Việt Nam. Bộ sách cũng đi sâu phân tích quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và triển vọng kết nối trên tất cả lĩnh vực. Bộ sách góp phần hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung, đặc biệt với nước bạn Lào.
Năm 2012, nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng Lào khi ấy là ông Somsavat Lengsavad, Nhà xuất Bản Quân đội Nhân dân đã giới thiệu “Bộ sách kỷ niệm Năm đoàn kết quan hệ Việt Lào 2012” gồm 5 cuốn: Ngày và đêm; Hoàng thân Souphanouvong với cuộc giải thoát kỳ diệu; Những ký ức không quên; Chung dãy Trường Sơn và Đoàn kết Việt Lào: Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long.
Đây là bộ sách tập hợp những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Lào Kaysone Phomvihane và các lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước và Quân đội hai nước nói về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Lào; những hồi ức, kỷ niệm sâu sắc của nhiều nhà cách mạng, tướng lĩnh đã từng chiến đấu, công tác trên chiến trường Lào; những thành tích nổi bật trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào… Đáng lưu ý, hai cuốn sách “Ngày và đêm” do Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad và tác giả Đào Tiến viết chung và cuốn "Đoàn kết Việt Lào, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long" dày 1.000 trang, khổ lớn được biên soạn và công phu, sưu tầm nhiều tư liệu, ảnh quý về quan hệ lịch sử hợp tác hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Đa dạng thể loại, ngôn ngữ
Bên cạnh những cuốn sách mang tính tư liệu, phục vụ công tác nghiên cứu, tình hữu nghị Việt Nam - Lào cũng được thể hiện sinh động qua các tác phẩm văn học. "Đường về cánh đồng Chum" (Bùi Đình Thi); "Thượng Lào ký sự" (Hà Đình Cẩn), Vùng trời thủng (Kiều Vượng)... là những cuốn sách hay viết về những năm tháng quân đội hai nước Việt - Lào cùng kề vai, sát cánh, đấu tranh chống kẻ thù chung. Trong đó “Thượng Lào ký sự” và “Vùng trời thủng” được phát hành bằng tiếng Lào, do hai dịch giả Lê Thu Huyền, Bùi Thị Ngọc Dung chuyển ngữ.
Ba tác phẩm về tình hữu nghị Việt - Lào do Nhà xuất bản Văn học ấn hành: “Đường về Cánh Đồng Chum, "Thượng Lào ký sự” và “Vùng trời thủng”. (Ảnh: Minh Thái) |
Tiểu thuyết “Vùng trời thủng” lấy cảm hứng từ hiện thực mở tuyến đường lịch sử, tuyến đường hữu nghị Việt - Lào. Tuyến đường dài 150km nối liền vùng đất phía Tây xứ Thanh và vùng phía đông Hủa Phăn của nước bạn Lào. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khu vực này còn ít được biết đến, những khu rừng còn ở dạng nguyên sinh bao phủ, núi non hiểm trở, nổi tiếng với “ma thiêng nước độc” và căn bệnh sốt rét hoành hành.
Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt tên cho không gian nơi này là “Vùng trời thủng”. Nơi đây là một vùng không gian đặc biệt: Mưa lúc nào cũng lút thút, mùa đông lạnh thấu xương... Quần áo giặt phải hong lửa mới khô, ẩm ướt sinh ra bệnh tật, đáng sợ nhất là bệnh ghẻ và bệnh sốt rét. Nơi ấy có đỉnh Phượng Hoàng với cổng trời chót vót...
"Thượng Lào ký sự” viết về hai giai đoạn chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam gắn bó với bộ đội và nhân dân Lào giải phóng Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng và vùng đất chiến trường xưa nay xây dựng hòa bình. Trong ký sự có cảnh cả bản người Lào đưa đoàn xe ngựa chở nước cho bộ đội tình nguyện Việt làm nhiệm vụ ở vùng khát giữa mùa khô. Có những người chỉ huy và chiến sĩ tình nguyện dũng cảm và mưu lược, cùng với chiến sĩ Pathét Lào anh dũng chiến đấu. Có nữ bác sĩ Viêng Xay từng cứu thương anh bộ đội Việt và họ hẹn hò nhau khi chia tay. Sau chiến tranh bà Viêng Xay, Giám đốc bệnh viện đa khoa Xiêng Khoảng ba lần sang Việt Nam để tìm anh bộ đội từng nặng lời thề… Không gặp, bà vẫn hi vọng và chờ đợi anh đến năm 40 tuổi mới đi lấy chồng…
Ngoài sách về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, những cuốn sách về lãnh tụ của hai nước như: Kaysone Phomvihane - Cuộc đời và sự nghiệp; Souphanouvong - Tiểu sử và quá trình hoạt động; Biên niên sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào... Hoặc sách về lịch sử, văn hóa, xã hội như: Ý thức về văn hoá Lào; Kiến thức chính trị phổ thông; Tấm lòng Lào - Việt... cũng phong phú, đa dạng về chủng loại. Các cuốn sách đều mang giá trị lý luận và thực tiễn cao.
Thông qua những cuốn sách này, độc giả, nhất là thế hệ trẻ càng thêm thấm nhuần ý nghĩa sâu sắc của quan hệ Việt - Lào, để từ đó tiếp tục vun đắp tình hữu nghị hai nước ngày càng bền chặt. Đồng thời, các ấn phẩm này cũng tăng cường giới thiệu cho độc giả hai nước về đất nước, con người, về kinh nghiệm công cuộc cải cách, mở cửa của Lào và công cuộc đổi mới của Việt Nam cũng như mối quan hệ hợp tác hữu nghị mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã dày công vun đắp.