Tin tức thời sự ngày 23/7: TP.HCM lên tiếng vụ Phó Giám đốc Sở vừa bổ nhiệm đã bị bắt giam
TP.HCM lên tiếng vụ Phó Giám đốc Sở vừa bổ nhiệm đã bị bắt giam
Phó Giám đốc Sở vừa bổ nhiệm đã bị bắt giam. Ảnh: Tiền phong |
Tại buổi họp báo của UBND TP.HCM chiều nay (23/7), ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết: Ông Phan Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, bị cơ quan chức năng khởi tố liên quan đến công việc khi còn công tác ở Sở Xây dựng TP.HCM.
Điều đáng nói, ông Sơn bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam chỉ ít tháng sau khi ông này được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (cuối tháng 4 vừa qua). Trước đó, ông Sơn là Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM.
"Việc này chúng tôi đang kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm", ông Lắm cho biết. Trong buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM vừa qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ có cho rằng quy trình bổ nhiệm cán bộ còn có sơ hở.
Theo ông Lắm, quy trình điều động, bổ nhiệm nhân sự không có quy định phải lấy ý kiến cơ quan chức năng của Bộ Công an.
"Do đó, việc Bộ Công an điều tra vụ việc như thế nào thì chúng tôi không có nắm được. Còn trong thời gian làm quy trình lấy kiến các cơ quan ban ngành thì không phát hiện sai phạm", ông Trương Văn Lắm nói.
Trước đó ngày 11/5, Cơ quan CSĐT-Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm các bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Cơ quan CSĐT-Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng gồm ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó khởi tố ông Phan Trường Sơn (SN 1967, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM), Trần Quốc Đạt (SN 1963, Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản) và Lê Tấn Hòa (SN 1977, chuyên viên Phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, cùng thuộc Sở Xây dựng TP.HCM).
Ông Phan Trường Sơn vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM hồi tháng 4/2020. Trước đó ông giữ chức Trưởng phòng Phát triển nhà ở và Thị trường bất động sản (thuộc Sở Xây dựng T.PHCM).
Trước đó, trưa cùng ngày ông Trần Vĩnh Tuyến (SN 1965, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và ông Trần Trọng Tuấn (SN 1969, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) cũng bị khởi tố để điều tra.
Nam sinh lớp 10 nhảy từ lầu 3 xuống đất
Trường THPT Hà Huy Giáp, nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Ngày 23/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ thông tin về vụ H.T.T. (học sinh lớp 10) ngã lầu tử vong tại trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ.
Theo cơ quan này, khoảng 8h ngày 16/7, T. đến trường và nói chuyện với bạn học tại hành lang lầu 3. Kết thúc cuộc nói chuyện, T. bất ngờ nhảy xuống sân trường từ độ cao 14 m.
Nạn nhân sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho hay theo kết quả làm việc với gia đình, T. có tiền sử bệnh động kinh, đang trong thời gian điều trị. Giáo viên chủ nhiệm nói trong quá trình học tập, nam sinh này không có biểu hiện gì đặc biệt về sức khỏe và tinh thần.
Công an huyện Cờ Đỏ đã mời người thân của nam sinh đến trường trích xuất camera an ninh. Kết quả cho thấy, T. đã nhảy từ lầu 3 xuống sân trường mà không có bất kỳ tác động nào.
Sở GD&ĐT TP.HCM nói gì về thông tin lao công nhận tiền viết sách?
Bộ sách Chân trời sáng tạo do NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức biên soạn vướng phải nhiều lùm xùm. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam |
Sáng 23/7, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, nói những thông tin cho rằng một số cá nhân trong tổ lao công, phục vụ của sở nhận thù lao biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới là không chính xác.
"Việc nhận thù lao của những người này là giao dịch cá nhân và liên quan viết sách tham khảo thời gian trước đây, không liên quan việc viết SGK chương trình phổ thông mới", ông Trung khẳng định.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, bà Trần Thị Kim Nhung, quyền Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Gia Định (công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam), cho biết bà và phía công ty rất mệt mỏi khi những thông tin về cá nhân của Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao viết sách liên tục bị đào xới một cách sai sự thật.
"Không có chuyện lao công, phục vụ, nhân viên kỹ thuật nào của Sở GD&ĐT TP.HCM nhận tiền để làm SGK cả. Đây là thông tin không đúng", bà Nhung nói.
Cụ thể, bà Nhung cho hay khoảng năm 2015, Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Gia Định hợp tác với bà Phạm Thị Kim Oanh, nhân viên hợp đồng của Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục (Sở GD&ĐT TP.HCM), đã nghỉ hưu, viết các đầu sách tham khảo.
"Bà Oanh là người có chuyên môn sâu và khả năng tổ chức tốt nên chúng tôi giao việc viết sách tham khảo. Trong quá trình viết, bà Oanh nhờ một số nhân viên của Sở GD&ĐT TP.HCM giúp công tác hậu cận nên chi trả thù lao. Đây là việc cá nhân của họ", bà Nhung nói.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất bản Gia Định cũng có báo cáo phản hồi về thông tin lao công Sở GD&ĐT TP.HCM nhận tiền thù lao viết SGK.
Đơn vị này cho rằng các khoản thù lao cho một số nhân viên không làm công tác chuyên môn của Sở GD&ĐT TP.HCM xuất phát từ hợp đồng của công ty cộng tác với bà Phạm Thị Kim Oanh, trong việc cố vấn tổ chức, biên soạn, thiết kế, đọc góp ý nội dung, giới thiệu, tập huấn và làm đầu mối phát hành sách tham khảo. Việc bà Kim Oanh trích một phần thù lao chia cho các nhân sự khác là giao dịch cá nhân, không liên quan công ty.
Trước đó, thông tin về việc lao công, phục vụ, nhân viên tổ kỹ thuật của Sở GD&ĐT TP.HCM nhận thù lao hàng chục triệu đồng để biên soạn SGK được báo chí đăng tải, thu hút sự quan tâm của dư luận.