Tin tức thời sự trong ngày mới nhất: Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra vụ việc cấp phát, sử dụng thuốc hết hạn
Tin tức trong ngày mới nhất: Nam sinh bị 2 thanh niên đánh tử vong ngay trước kỳ thi vào lớp 10 |
Tin tức trong ngày mới nhất: Truy tìm 4 người Trung Quốc trốn khỏi khu cách ly Covid ở Tây Ninh |
Chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra vụ việc cấp phát, sử dụng thuốc hết hạn
Hai lọ thuốc hết hạn sử dụng. Ảnh: Công an Nhân dân |
Ngày 17/7, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến vụ việc cấp phát và sử dụng thuốc điều trị đã hết hạn tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học thành phố, Sở Y tế vừa có văn bản gửi đến cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 thụ lý, điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Theo đó, đối với vụ việc tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh cấp phát và sử dụng thuốc điều trị đã hết hạn sử dụng được dư luận quan tâm thời gian qua, Sở Y tế đã khẩn trương chỉ đạo xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã báo cáo vụ việc cho Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và UBND thành phố.
Trước đó, lúc 19h30 ngày 24/6/2020, Bệnh viện Truyền máu Huyết học nhận được phản ánh của thân nhân người bệnh Lê Trần Khánh Chi (SN 2016, chẩn đoán: suy tủy) về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc từ bệnh viện, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện khẩn trương rà soát, xử lý và có báo cáo nhanh lãnh đạo Sở. Đồng thời, bệnh viện cho dừng ngay lập tức y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc. Qua kiểm tra, phát hiện 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho người bệnh Lê Trần Khánh Chi có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 01/2020 (trong đó có 01 lọ đã sử dụng xong và 01 lọ đã sử dụng 1/3). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là 11/2021.
Bệnh viện cũng tiến hành theo dõi sát tình trạng người bệnh để có xử lý kịp thời. Hiện tình trạng bệnh nhi vẫn ổn định, sinh hiệu bình thường, đang được bác sĩ điều trị theo dõi sát.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân có liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân sự cố.
Vào ngày 26/6, Sở Y tế đã triển khai ngay các đoàn công tác để kiểm tra, xác minh vụ việc tại các đơn vị: đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối (Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn) và đơn vị sử dụng (Bệnh viện Truyền máu Huyết học), có sự tham gia của đơn vị chức năng của Công an TP Hồ Chí Minh.
Qua làm việc, các đoàn công tác ghi nhận bệnh viện đã mua thuốc từ Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco, địa chỉ tại 18-20 Nguyễn Trường Tộ, phường 12, quận 4). Tổng số lượng mua thuốc Thymogam 250mg/5ml số lô A05418002, hạn dùng 31/01/2020 là 642 lọ và toàn bộ số thuốc này đã được sử dụng hết vào tháng 4/2019, không tồn kho.
Được biết, đây là thuốc được sử dụng để điều trị suy tủy xương (thiếu máu bất sản) và phòng ngừa điều trị bệnh thải ghép trong ghép cơ quan; được nhập khẩu với số lượng tùy thuộc vào nhu cầu điều trị của từng bệnh viện và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco) đã được Cục Quản lý Dược chấp thuận cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, ghi nhận có dấu hiệu tiêu cực tại khoa Dược.
Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1 thụ lý, điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Bé trai 4 tuổi bị trâu húc thủng màng phổi
Trong lúc sờ đầu nghé, bé trai 4 tuổi bị trâu mẹ húc rách ngực, thủng màng phổi. Ảnh: Lao động |
Ngày 17/7, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bé trai 4 tuổi ở huyện Bá Thước bị trâu húc vào ngực.
Bé trai này được đưa đến Bệnh viện nhi Thanh Hóa cấp cứu đêm 13/7 với vết thương thấu ngực trái khoảng 5 cm, thủng xuyên màng phổi trái gây tràn khí, tổn thương xương sườn.
Gia đình cháu bé cho biết, trong lúc sờ đầu nghé con, bé trai B.H.L đã bị trâu mẹ húc hất văng lên không trung khiến rách ngực, thủng màng phối.
Ngay khi nhập viện, bé B.H.L đã được tiến hành mổ cấp cứu. Bác sĩ Lê Anh Minh, Phó Trưởng Khoa Tim mạch - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: "Sau khi đưa vào viện, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, khâu vết thương, dẫn lưu màng phổi. Hiện tại bé đã qua cơn nguy kịch, không suy hô hấp, các chỉ số ổn định. Dự kiến ngày mai sẽ rút dẫn lưu cho bé".
Người bán vé số dạo tại Huế mắc liên cầu lợn chưa rõ nguồn lây
Ảnh minh họa |
Ngày 17/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh TT-Huế cho biết, một phụ nữ lớn tuổi làm nghề bán vé số dạo sinh sống trên địa bàn tỉnh này bị nhiễm liên cầu lợn chưa rõ nguồn lây.
Bệnh nhân là bà T.T.H. (59 tuổi, ngụ xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, TT-Huế). Trước đó, vào ngày 8/7, bà H. khởi phát bệnh với các triệu chứng như sốt cao liên tục, rét run, nhức mỏi cơ thể. Bệnh nhân mua thuốc tự điều trị, nhưng không đỡ.
Đến ngày 10/7, bà H. được chuyển đến Bệnh viện T.Ư Huế để kiểm tra, thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm não - màng não, kết quả xét nghiệm cấy dịch não tủy ngày 14/7 cho thấy, người này dương tính với liên cầu lợn.
Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân làm nghề bán vé số dạo tại địa bàn TP Huế từ chiều đến tối mới về nhà. Trong thời gian làm nghề, việc ăn uống tại nhiều nơi nên không nhớ rõ. Tuy nhiên, trước khi khởi bệnh vài ngày, bà H. có ăn nem chua (chế biến từ thịt lợn) mua ở TP Huế.
Gia đình bệnh nhân và các nhà xung quanh không nuôi lợn. Bệnh nhân thỉnh thoảng có ăn thịt lợn nên nguồn lây không rõ.
Đã xác định được tàu hàng đâm chìm tàu ngư dân
Ảnh minh họa |
Ngày 17/7, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được tàu hàng tông chìm tàu cá của ngư dân Quảng Nam.
Theo BĐBP tỉnh, hiện giám đốc công ty của tàu hàng đã gọi điện xác nhận có xảy ra va chạm với tàu câu cá của ngư dân Quảng Nam.
“Họ cũng đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn. Chúng tôi đã hướng dẫn phía công ty trước hết vào thăm hỏi động viên ngư dân, bởi tông tàu xong mà bỏ đi là không được. Lực lượng chức năng sẽ làm việc với phía công ty, trên cơ sở đó giữa tàu cá và tàu hàng sẽ thỏa thuận với nhau. Nguyên nhân vì sao tàu hàng tông tàu cá thì đợi làm việc trực tiếp với đơn vị mới xác định được”, một cán bộ BĐBP nói thêm.
Được biết, tàu hàng này có hành trình đi từ TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ra nhập hàng tại cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh).
Như đã đưa tin, rạng sáng 16/7, tàu cá công suất 528 CV của ông Hồ Văn Khanh (36 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) hoạt động ở vùng biển Đà Nẵng, cách đảo Sơn Trà 4 hải lý về hướng Đông, thì bị một tàu hàng đâm chìm làm 6 thuyền viên rơi xuống nước.
6 ngư dân may mắn được tàu cá QB 92378 hoạt động gần đó phát hiện, cứu vớt và được tàu cá của ông Trần Công Minh (trú xã Bình Minh) hỗ trợ đưa vào bờ.