Tin tức thời sự trong ngày mới nhất: Bắt giữ, cách ly 11 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Bắt giữ, cách ly 11 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Nhóm 11 thanh niên cố tình nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Ảnh: Tiền phong |
Khoảng 17h00', ngày 17/7, Tổ tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn đang trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã phát hiện nhóm 11 người có biểu hiện nghi vấn, đang đi từ hướng bờ sông biên giới về phía nội địa.
Nhóm người gồm 5 nam, 6 nữ, độ tuổi từ 20-41. Qua điều tra ban đầu, tất cả đều là công dân Việt Nam, trú tại các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An.
Tại cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận, từ khoảng tháng 12/2019, các đối tượng này xuất cảnh trái phép sang Quảng Tây (Trung Quốc) để tìm việc làm, nhưng bị Công an Trung Quốc bắt giữ. Đến nay, khi vừa qua biên giới về Việt Nam thì bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện và chuyển ngay về khu cách ly tập trung của TP Móng Cái.
Vụ việc đã được Đồn Biên phòng Bắc Sơn hoàn thiện hồ sơ và bàn giao cho lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 13/7, cũng tại khu vực thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã bắt giữ nhóm 29 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bé sơ sinh bị bỏ rơi ở cạnh chùa
Lúc được người dân phát hiện gần chùa Sơn Nguyên, bé gái sơ sinh được quấn tạm trong chiếc khăn và bị kiến bám đầy người. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Sáng 18/7, người dân đi đường phát hiện một bé gái sơ sinh bị người thân bỏ rơi gần chùa Sơn Nguyên ở thị trấn A Lưới ((huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế).
Lúc này, bé gái được quấn tạm trong chiếc khăn và bị kiến bám đầy người, sức khỏe yếu.
Ngay sau đó, bé được người dân đưa về nhà gần đó để sơ cứu ban đầu và trình báo cơ quan chức năng. Sau khi được chăm sóc, sức khỏe của cháu bé dần tốt hơn.
Theo chính quyền địa phương, nếu người thân cháu bé không quay lại nhận con, địa phương sẽ giao bé gái cho người đủ kiện chăm sóc, nhận nuôi và làm khai sinh cho cháu theo quy định pháp luật.
Chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuột lý giải tin không có bằng cấp 2
Ông Thái cung cấp cho Tiền Phong bằng tốt nghiệp THCS (bản sao) do Phòng GDĐT TP Buôn Ma Thuột cấp ngày 14/7/2020. Ảnh: Tiền phong |
Ngày 18/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Công Thái- Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: Thông tin ông không có bằng THCS, khai man là thông tin không đúng sự thật; người ký đơn tố cáo ông mạo danh.
Ông Thái cho biết, ông tốt nghiệp THCS năm 1985 tại thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột). Sau đó, ông học tại trường Trung học xây dựng số 5 (tại Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trong thời gian 3,5 năm.
“Theo chương trình đào tạo, năm đầu tiên tôi được học các môn văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, tôi được cấp bằng Trung học chuyên nghiệp vào ngày 25/3/1989. Sau đó, tôi đi làm tại thị xã Buôn Ma Thuột. Thời gian về sau, tôi học tại trường Đại học Thương mại... Tất cả bằng cấp của tôi đều đầy đủ và hợp lệ. Ngày 16/7 vừa qua, một tờ báo điện tử đăng tin theo đơn tố cáo cho rằng tôi không có bằng là hoàn toàn bịa đặt, vu khống. Thậm chí người tố cáo tên Trần Văn Thương cũng là mạo danh, không có thật”, ông Thái khẳng định.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, mới đây, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho ý kiến về việc sử dụng đối tượng có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trong bố trí, sử dụng cán bộ.
Theo Bộ GDĐT, người học được công nhận: Hoàn thành chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo TCCN dùng cho hệ tuyển tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).
Cũng theo Bộ GDĐT, đối với người học đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên có thể khai: “Hoàn thành chương trình văn hóa THPT trong chương trình đào tạo TCCN dùng cho hệ tuyên tốt nghiệp THCS” và được sử dụng bằng TCCN thay bằng tốt nghiệp THPT để học lên cao và nhu cầu sử dụng, tuyển dụng. Các trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì khai: “THCS”.
“Chiếu theo quy định, tôi đều đáp ứng đủ điều kiện. Thậm chí trước khi bổ nhiệm vào các chức danh đều được các cơ quan ban ngành thẩm định kĩ. Không hiểu sao, trước thềm đại hội lại đưa các thông này ra, chắc chắn nhằm vào mục đích hạ uy tín của tôi trước Đảng, trước Nhân dân”, ông Thái nói.
Nước suối Sọ ở Bình Dương nổi bọt trắng bất thường
Nước suối Sọ nổi bọt trắng. Ảnh: VOV |
Ngày 18/7, nước con suối Sọ ở phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương nổi bọt trắng xóa khiến người dân hoang mang lo lắng. Hiện cơ quan chức năng thành phố Dĩ An đang vào cuộc điều tra.
Nước nổi bọt trắng xuất hiện từ đêm 17/7 nhưng đến sáng nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo người dân xung quanh, đây là lần đầu tiên nước ở con suối này xuất hiện bọt trắng, kèm mùi hôi khó chịu.
Trước đó, ngày 16/4/2020, con suối này từng xảy ra hiện tượng nước chuyển sang màu xanh dương, bốc mùi khó chịu. Lực lượng chức năng vào cuộc xác minh nguyên nhân, do công ty trên địa bàn Dĩ An sản xuất thạch cao vệ sinh các thùng sơn, rồi xả thẳng ra suối. Chính quyền phương đã lập biên bản xử phạt.
Ngày 24/5/2020, nước con suối Sọ tiếp tục bị nhuộm đỏ. Đoàn khảo sát nhận định, màu đỏ có thể do màu sơn hoặc mực in thải ra cống thoát nước dân sinh ở các khu dân cư rồi đổ ra suối. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được tổ chức, cá nhân nào xả thải.
Việc nước suối liên tục bị đổi màu khiến người dân sống xung quanh khu vực suối Sọ lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Người dân mong muốn, cơ quan chức năng cần tích cực kiểm tra để ngăn chặn các cá nhân, doanh nghiệp xả thải ra môi trường.