Tin tức thế giới hôm nay (19/7): Ổ Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, con số đáng buồn tại Nhật
Ổ Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, con số đáng buồn tại Nhật
Hình ảnh minh họa |
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia và đến nay đã lây nhiễm cho trên 14,4 triệu người, trong đó 604.054 người đã tử vong.
Số liệu trên được trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật lúc 6h sáng nay (19/7). Ngoài ra, số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 8,58 triệu người.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 60.000 ca nhiễm mới và 770 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 3.830.053 và 142.833.
Bộ Y tế Brazil thông báo phát hiện hơn 26.427 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 18/7, đưa tổng số người bệnh lên 2.075.124. Số thiệt mạng tăng thêm 803 ca, lên 78.735.
Ổ dịch lớn thứ ba thế giới là Ấn Độ có hơn 37.407 ca nhiễm mới và 543 trường hợp tử vong, nâng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 1.077.864 và 26.828.
Tình hình dịch tại một số quốc gia Đông Nam Á cũng rất phức tạp. Indonesia ghi nhận 1.752 ca mới, đưa tổng số nhiễm lên gần 84.900 người. Nước này cũng có thêm 59 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo đã phát hiện 2.357 trường hợp dương tính mới và 113 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và thiệt mạng lên lần lượt là 65.304 và 1.773.
Hôm nay Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) xác nhận thêm 16 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại Urumqi thuộc khu tự trị Tân Cương. Địa phương đã áp đặt một số biện pháp ngăn chặn dịch như cấm người dân rời khỏi thành phố, hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi.
Các quan chức NHC nhận định sẽ có thêm nhiều ca bệnh mới tại Urumqi được phát hiện trong những ngày tới, và người dân nên chuẩn bị sẵn sàng.
“Một khi ca bệnh được xác nhận, điều quan trọng là truy ra nguồn lây nhiễm đến từ đâu và bệnh nhân đã từng tiếp xúc với ai”, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời quan chức y tế Zeng Guang nói.
Nghị sĩ Đài Loan đấm đá, ném bóng nước vào nhau trong cuộc họp Quốc hội
Video đăng tải trên Euronews ghi lại cảnh các nghị sĩ Đài Loan đã lao vào đánh nhau dữ dội và ném bóng nước tại nghị trường hôm 17/7.
Cụ thể hỗn chiến đã diễn ra khi khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đề cử Trần Cúc, trợ lý cấp cao 70 tuổi của bà, làm lãnh đạo Giám sát Viện- cơ quan giám sát độc lập của chính quyền.
Không giữ được sự kiềm chế, các nghị sĩ đã lao vào đấm đá nhau và thậm chí có người còn chuẩn bị sẵn bóng nước để ném vào đối thủ, buộc thành viên DPP phải mặc áo mưa và che chắn bằng bìa cứng.Đảng đối lập Quốc Dân đảng (KMT) đã lên tiếng phản đối quyết định này, đồng thời cáo buộc 24/27 người được đề cử làm thành viên của Giám sát Viện có mối liên hệ chặt chẽ với đảng Dân tiến (DPP) của bà Thái.
Bất chấp cuộc hỗn chiến vào buổi sáng, việc bỏ phiếu đã diễn ra và đề cử bà Trần Cúc đã được thông qua.
Các cuộc họp quốc hội ở Đài Loan đã từng nổi tiếng với những cuộc ẩu đả hàng loạt và là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình.
Số ca nhiễm mới tại Nhật cao nhất
Số liệu từ hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản trong ngày 18/7 đã phát hiện thêm 660 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.
Thủ đô Tokyo ghi nhận 290 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nơi này xác nhận số ca nhiễm mới lên gần 300. Trong số đó, gần 65% là giới trẻ trong độ tuổi 20-30.
Trung Quốc cảnh báo Anh về biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth |
Trả lời phỏng vấn tờ The Times, Đại sứ Trung Quốc tại Anh – ông Lưu Hiểu Minh yêu cầu chính phủ Anh hủy kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Lưu nói rằng việc triển khai tàu sân bay tới khu vực này sẽ là “động thái rất nguy hiểm”.
Ông Lưu cho rằng động thái này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang xấu đi giữa Anh và Trung Quốc sau Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU).
Ông Lưu cho rằng Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu sau khi rút khỏi EU, nhưng đó không phải là cách đúng đắn.
Theo The Times hôm 14-7, các lãnh đạo quân sự Anh đã lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Đông Á để tham gia chiến lược chống các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia tập trận ở Đông Á cùng các đồng minh Mỹ và Nhật vào đầu năm tới.
Theo kế hoạch quân sự của Anh, tàu sân bay HMS Prince of Wales cũng sẽ được điều tới Đông Á.
Hai vụ nổ liên tiếp trước thềm bầu cử quốc hội Syria, 2 người thương vong
Hiện trường vụ nổ |
SANA cho biết "một người đã thiệt mạng và một người khác bị thương khi 2 thiết bị phát nổ ở gần nhà thờ Hồi giáo Anis Bin Malik" tại khu vực Nahr Aisha của thủ đô Damascus.
Syria đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 19/7 sau khi những công tác chuẩn bị cuối cùng đã hoàn tất. Tham gia sự kiện chính trị quan trọng này của đất nước, cử tri Syria kỳ vọng vào một sự thay đổi có thể giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt.
Theo hãng thông tấn SANA, hơn 7.400 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước đã sẵn sàng đón cử tri đến bầu chọn các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp gồm 250 ghế trong số 1.658 ứng cử viên. Trên các đường phố ở thủ đô Damascus tràn ngập các tấm áp phích tuyên truyền, vận động của các ứng cử viên, nhiều người trong đó là nghị sĩ tái tranh cử. Đảng al-Baath cầm quyền của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad được dự báo sẽ chiếm đa số tại quốc hội nhiệm kỳ tới.
Hiện Chính phủ Syria đang kiểm soát 70% lãnh thổ của mình, trong khi lực lượng cấp tiến kiểm soát tỉnh Idlib ở Tây Bắc và lực lượng người Kurd - Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn - kiểm soát khu vực Đông Bắc Syria. Đại diện chính quyền tự xưng của người Kurd tại Đông Bắc tuyên bố không có bất kỳ điểm bỏ phiếu nào trong khu vực họ kiểm soát.
Theo luật định, sau cuộc tổng tuyển cử, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ chỉ định thủ tướng mới và yêu cầu ông này thành lập chính phủ mới.
Cuộc bầu cử quốc hội tại Syria năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đặc biệt khó khăn do các lệnh trừng phạt, dịch bệnh COVID-19 và giá trị đồng nội tệ rơi tự do, trong khi giá cả các mặt hàng quan trọng tăng mạnh.