Tin tức thế giới hôm nay (17/7): Mỹ kêu gọi hợp tác ‘toàn xã hội’ chống Trung Quốc
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ kêu gọi hợp tác ‘toàn xã hội’ chống Trung Quốc
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr. |
Ông Barr chỉ trích Trung Quốc đã phát động một chiến dịch phối hợp, trong chính phủ và xã hội, lợi dụng sự cởi mở trong các tổ chức của Mỹ để "không chỉ tham gia cùng mà còn thay thế các cường quốc kinh tế tiên tiến".
"Để bảo đảm một thế giới tự do và thịnh vượng cho con cháu chúng ta, thế giới tự do sẽ cần cách tiếp cận toàn xã hội, trong đó các khu vực công và tư duy trì sự tách biệt thiết yếu của họ, nhưng vẫn hợp tác cùng nhau để chống lại sự thống trị và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu", ông Barr nói, dẫn theo bài phát biểu chuẩn bị từ Bộ Tư pháp Mỹ.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch hung hăng nhằm vượt qua Mỹ và leo lên đỉnh cao kinh tế. Ông Barr chỉ trích các chương trình của Trung Quốc như “Made in China 2025”, Vành đai và Con đường, Con đường Tơ lụa số là những kế hoạch tham vọng nhằm thống trị các ngành công nghiệp và phục vụ lợi ích chiến lược của riêng mình.
Ông Barr cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ tận dụng toàn cầu hóa để truyền bá tư tưởng chính trị.
Ông cũng chỉ trích việc Trung Quốc muốn thống trị các tuyến thương mại và cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Á - Âu, châu Phi, Thái Bình Dương.
“Ví dụ, ở Biển Đông, nơi khoảng 1/3 hoạt động hàng hải thế giới đi qua, Trung Quốc khẳng định các yêu sách mở rộng và mập mờ về lịch sử đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy này, khinh thường phán quyết của tòa án quốc tế, xây dựng các đảo nhân tạo và đặt các tiền đồn quân sự lên đó, quấy rối các nước láng giềng và tàu đánh cá.”
Bộ trưởng phàn nàn rằng các công ty Hollywood, bao gồm Walt Disney, cũng như các công ty công nghệ lớn như Apple, Google và Microsoft Corp đang quá sẵn sàng "hợp tác" với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông Barr cảnh báo các công ty Mỹ ngừng thỏa hiệp chỉ để xoa dịu các nhà lãnh đạo và nhà quản lý Trung Quốc.
Phát biểu của Bộ trưởng Barr là chỉ trích mới nhất với Trung Quốc từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, căng thẳng xuất hiện trong một loạt các vấn đề từ đại dịch COVID-19 toàn cầu và thương mại, đến vấn đề Hong Kong, Biển Đông và người Duy Ngô Nhĩ.
Cố vấn Nhà Trắng: TikTok muốn không bị cấm thì tách khỏi Trung Quốc, thành công ty Mỹ
Cố vấn nhà trắng cho rằng: "TikTok muốn không bị cấm thì tách khỏi Trung Quốc, thành công ty Mỹ" |
Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lần đầu nhắc tới ý tưởng cấm TikTok - nền tảng chia sẻ video thu hút nhiều người trẻ - cùng một số ứng dụng khác của Trung Quốc như WeChat.
Hôm 15-7, một quan chức trong Nhà Trắng xác nhận chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu các rủi ro về an ninh quốc gia đến từ WeChat và TikTok. Vị này cũng tiết lộ câu trả lời và hành động sẽ có trong vài tuần tới.
"Chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ TikTok nên tách ra khỏi tập đoàn chủ quản ở Trung Quốc và hoạt động như một công ty Mỹ độc lập", ông Kudlow trả lời báo giới ngày 16-7. Cố vấn của ông Trump cho rằng điều này sẽ tốt hơn việc TikTok đối mặt với các lệnh cấm như một số tờ báo đã đưa tin.
New York Times dẫn các nguồn tin riêng cho biết chính quyền Trump đang cân nhắc sử dụng Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế để chống lại các công ty như TikTok. Đạo luật này cho phép tổng thống Mỹ có các biện pháp trừng phạt các công ty của nước khác "trước các mối đe dọa bất thường".
Ông Kudlow từ chối khi được hỏi liệu công ty nào của Mỹ sẽ đứng ra mua TikTok. Một phát ngôn viên của công ty này tuyên bố "miễn bình luận về các suy đoán trên thị trường" khi được hỏi về gợi ý của quan chức Mỹ.
TikTok đã vài lần phản bác lại các cáo buộc của Mỹ rằng nền tảng di động này là một công cụ gián điệp của Trung Quốc, nhấn mạnh công ty không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Bắc Kinh. Công ty này cũng chỉ ra việc giám đốc điều hành TikTok là một người Mỹ.
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh và chỉ mới được thành lập vào năm 2012. Năm 2020, giá trị của công ty này được ước tính rơi vào khoảng 100 tỉ USD, trong đó TikTok đóng góp vào danh tiếng của tập đoàn với gần 1 tỉ người dùng trên toàn cầu, theo AFP.
Tiêm kích Trung Quốc bị tố xâm phạm ADIZ Đài Loan
Tiêm kích J-10 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: AP |
Đài Loan cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc đột ngột xuất hiện trong vùng nhận diện phòng không của hòn đảo khi họ tập trận bắn đạn thật.
Lực lượng vũ trang Đài Loan triển khai nhiều hệ thống pháo hạng nặng diễn tập bảo vệ bờ biển ở thao trường Fenggang, huyện Bình Đông, tây nam hòn đảo hôm 16/7, một nội dung trong cuộc tập trận Hán Quang đang diễn ra.
Một chiến đấu cơ Trung Quốc không rõ chủng loại tiếp cận Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan từ hướng tây nam, cách thao trường khoảng 333 km, chỉ 5 phút sau khi đợt tập trận bắt đầu. Chiến đấu cơ di chuyển vòng quanh khu vực ở độ cao từ 4.000-8.500 mét.
Lực lượng vũ trang Đài Loan phát thông báo khẩn cấp đến tiêm kích rằng nó đã đi vào ADIZ của hòn đảo, gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không của Đài Loan và yêu cầu chiến đấu cơ lập tức rời đi. Máy bay Trung Quốc sau đó rời khỏi ADIZ của hòn đảo.
Binh sĩ Đài Loan theo dõi động thái của chiến đấu cơ nói rằng nó bay dọc khu vực phía tây hòn đảo và nhiều lần tiến vào ADIZ Đài Loan. Quân đội Mỹ cũng phát tín hiệu bằng cách triển khai máy bay không người lái MQ-4C Triton tuần tra vùng biển phía đông nam Đài Loan hôm 15/7.
Trung Quốc chưa bình luận về cáo buộc trên.
Đây là lần thứ 20 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan trong năm nay. Lực lượng vũ trang Đài Loan nhấn mạnh họ đang theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Trung Quốc tăng cường tiêm kích và tàu chiến đi gần hoặc qua eo biển Đài Loan từ khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người từ chối công nhận hòn đảo là một phần của "Một Trung Quốc", đắc cử nhiệm kỳ đầu năm 2016.
Mỹ đang tính thiệt hơn nếu cấm toàn bộ đảng viên Trung Quốc và người thân nhập cảnh?
Theo nguồn tin của Reuters, hiện việc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và chi tiết thực hiện ra sao vẫn chưa được trình lên ông Trump. Tuy nhiên, hình thức nhiều khả năng sẽ là một sắc lệnh hành pháp - thứ nằm hoàn toàn trong quyền lực của ông Trump.
Tổng thống Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp trong những tháng đầu tiên bước vào Nhà Trắng, bao gồm các sắc lệnh gây tranh cãi như tạm ngừng nhập cảnh từ các quốc gia bất ổn cao. Lập luận chính là người đến từ các nước này có thể gây "bất lợi" cho nước Mỹ.
Thư ký báo chí Nhà Trắng không xác nhận cũng chẳng phủ nhận các thông tin và cho biết "mọi biện pháp liên quan tới Trung Quốc đều đang được tính tới".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì nói đầy ẩn ý: "Chúng tôi đang làm việc theo cách của mình, dưới sự hướng dẫn của tổng thống", Reuters cho biết thêm.
Báo New York Times, nơi đầu tiên đưa tin về vụ việc, cho hay các quan chức Mỹ đang đánh giá mức độ thiệt hơn nếu tiến hành động thái trên. Tờ này nhận định nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là hành động chống lại Trung Quốc cứng rắn nhất của chính quyền Trump từ trước đến nay.
Nếu ông Trump ký sắc lệnh, hàng chục triệu người Trung Quốc từ cấp cao nhất đến thấp nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không được đặt chân lên đất Mỹ. Tuy nhiên, New York Times cảnh báo Bắc Kinh sẽ trả đũa và việc đi tới Trung Quốc của người Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn nữa.
Không chỉ các nhà ngoại giao Mỹ, các chuyên gia và quản lý trong các tập đoàn Mỹ tại Trung Quốc cũng có thể nằm trong danh sách bị trả đũa. "Lợi ích của Mỹ tại Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng", New York Times lập luận.
Tổng thống Trump có quyền xem xét và miễn trừ lệnh cấm cho các trường hợp nộp đơn xin ngoại lệ. Tuy nhiên, có một vấn đề đau đầu là Mỹ không thể biết ai là đảng viên Trung Quốc và ai không phải vì không có trong tay danh sách, theo New York Times.
Trung Quốc dường như đã nắm được vấn đề. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 16-7 cho biết sẽ rất thất vọng nếu Mỹ ban hành lệnh cấm. Theo ước tính không chính thức, có khoảng 97 triệu người là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ kiềm chế, không làm những việc đi ngược lại các thông lệ cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế và tự làm tổn hại tới uy tín, vị thế là siêu cường mạnh nhất thế giới của họ", bà Hoa Xuân Oánh kêu gọi.