Tiếp tục tập dượt trước mốc 1.300 điểm, VN-Index đã có lúc lên gần 1.294 điểm
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á có những vận động trái chiều trong phiên (05/6) với KOSPI (+1,03%), TWSE (+0,6%), NIFTY 50 (+2,33%) tăng điểm trong khi NIKKEI 225 (-0,89%), SHCMP (-0,83%) lại cùng giảm điểm.
Những chuyển động từ khu vực không quá rõ ràng về xu hướng do đó đang khiến những nỗ lực chinh phục mốc 1.300 điểm của VN-Index bị cầm chân. Trong phiên giao dịch, chỉ số đã có lúc lên gần 1.294 điểm nhưng tới cuối phiên, thành quả tăng lại chưa thể bảo toàn.
Chất xúc tác
Bên cạnh những biến số tỷ giá và lãi suất, những ngày gần đây, biến động của giá vàng cũng đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Theo đó, đã có nhiều kỳ vọng việc giá vàng liên tục giảm mạnh sẽ giúp kênh chứng khoán lôi kéo được thêm dòng tiền. Hiện giá vàng đã xuống dưới 78 triệu đồng/lượng kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước có động thái bán vàng bình ổn thông qua 4 ngân hàng.
Với lãi suất liên ngân hàng, các kỳ hạn vẫn đang duy trì ở mặt bằng chung trên 4%. Kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,09% xuống 4% trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần giảm nhẹ xuống 4,28% và 4,53%.
Trong khi đó, tỷ giá tự do đã phản ứng mạnh với diễn biến của chỉ số DXY. Sau khi DXY về quanh 104 điểm, tới sáng nay, tỷ giá tự do mới có một phiên giảm sâu xuống 25.700 VND/USD ở chiều bán ra.
Phần nào đó, sự hạ nhiệt của tỷ giá cũng khiến cho hành vi của khối ngoại có sự thay đổi. Sau 2 phiên liên tiếp thu hẹp quy mô bán ròng, khối này đã quay lại mua ròng nhẹ gần 38 tỷ đồng trên HOSE. Các mã MSN (+138 tỷ đồng), VNM (+120 tỷ đồng) đã được mua vào trên 100 tỷ đồng trong khi chiều bán ra MWG (-137 tỷ đồng), KDH (-83 tỷ đồng), VHM (-74 tỷ đồng) bị rút ra nhiều nhất.
Vai trò của nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua đóng góp vào giao dịch 2 chiều của HOSE cũng thu hẹp xuống 7,6%. Nguyên nhân đến từ việc dòng tiền nội thực tế đã có sự sôi động hơn so với phiên hôm qua, khớp lệnh tăng hơn 3% lên 810 triệu đơn vị và đồng thời trở lại trên mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Diễn biến thực tế trong phiên giao dịch 05/6 cho thấy thị trường đã có những trụ hỗ trợ khá tốt như SAB (+6,8%) tăng trần, VNM (+3,8%), BVH (+3,1%), BCM (+2,1%) tăng trên 2%. Đây là những lực đẩy rất cần thiết để dẫn dắt thị trường có thể chinh phục mốc 1.300 điểm.
Ở trong 2 phiên gần nhất, Ngân hàng, Thép cũng cũng đã xuất hiện để thúc đẩy chỉ số đi lên và tới phiên hôm nay nhiều mã đã nhường lại sự chú ý cho các cổ phiếu kể trên.
Cũng nhờ các mã cổ phiếu vốn hóa này, đã có thời điểm VN-Index lên mức cao nhất 1.294 điểm. So với phiên hôm qua, mức cao nhất của chỉ số đã tăng 4 điểm.
Dù tới cuối phiên, thành quả tăng điểm lại hao hụt nhưng không thể phủ nhận VN-Index đang ngày một áp sát tới vùng 1.300 điểm. Chốt phiên, VN-Index tăng 0,83 điểm lên 1.284,35 điểm (+0,06%). Tổng giá trị giao dịch đạt 24.088 tỷ đồng, tương đương 925,05 triệu đơn vị.
Các mã trụ tăng tốt như VNM, BVH, BCM đều bị ghìm lại trong quãng giao dịch cuối phiên trong khi MBB (-1,3%), POW (-1,8%), STB (-1,2%), CTG (-1,2%), HDB (-1%) cũng chưa cho thấy sự sẵn sàng tăng trở lại.
Ở nhóm Midcap và Penny, đáng chú ý nhất là những cổ phiếu Khu công nghiệp và Chứng khoán. Với nhóm Khu Công nghiệp, nhiều mã đã bật lên khá ấn tượng từ phiên sáng nhưng thành tích chung của cả nhóm đã bị ảnh hưởng trước những vận động của thị trường. Tới cuối phiên, chỉ còn SIP (+6,9%) đóng cửa tăng kịch trần còn TIP (+2,3%), IJC (+2,3%), GVR (+0,1%), SZC (0%) lại có chiều hướng nhượng bộ trước áp lực bán ra.
Còn nhóm Chứng khoán phải sang đến phiên chiều mới có tiền vào nhưng đà tăng cũng bị ghìm lại. TVS (+6,9%) là mã duy nhất tăng trần trong khi FTS (+2,4%), CTS (+2,1%) chỉ tăng được trên 2%. Các mã MBS (+0,9%), BVS (+1,5%) trên HNX cũng không chốt phiên ở mức giá cao dù trong phiên MBS đã có thời điểm xác lập mức giá kỷ lục mới.
Nhìn chung, VN-Index vẫn đang có những sự tập dượt trước mốc 1.300 điểm dù chưa thực sự xuất hiện một phiên bứt phá thuyết phục.
Trên 2 sàn còn lại, sắc xanh cũng ở lại khi HNX-Index tăng 0,07% và 0,48%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 3.800 tỷ đồng.