Rung lắc về sát giá đáy phiên thứ Sáu tuần trước, VN-Index kịp "rút chân" ngay trong phiên
Định vị thị trường
Sự tương đồng trong vận động giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và khu vực đã quay trở lại rõ hơn. Phiên hôm nay, các chỉ số KOSPI (-1,56%), NIKKEI 225 (-1,3%), TWSE (-1,38%) đều giảm trên 1%.
Do đó, VN-Index cũng gặp áp lực giảm trong phiên là điều không quá bất ngờ. Chỉ số thậm chí rung lắc mạnh và có thời điểm về gần mức thấp nhất của phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên, tới cuối phiên, đà giảm đã bị các cổ phiếu lớn triệt tiêu đáng kể và chỉ đánh rơi hơn 6 điểm.
Chất xúc tác
Một tác nhân cũng khiến thị trường chưa quá thuận lợi là chỉ số DXY phản ánh sức mạnh của USD đã vượt mốc 105 điểm trong đêm qua. Hệ quả là tỷ giá tự do đang ghi nhận sự hướng lên gần ngưỡng 25.900 VND/USD.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng vẫn có chiều hướng hạ nhiệt nhanh hơn. Kỳ hạn qua đêm và 1 tuần đều đã xuống dưới 4% trong khi 2 tuần đã giảm xuống 4,5%.
Nhà đầu tư nước ngoài đã giảm tỷ trọng giao dịch 2 chiều xuống còn 8,43% tuy nhiên họ vẫn bán ròng với giá trị cao trên HOSE đạt -1.349 tỷ đồng. Trong đó, MBB (-218 tỷ đồng), FPT (-202 tỷ đồng), VND (-177 tỷ đồng), VCB (-112 tỷ đồng), VRE (-100,5 tỷ đồng) bị bán ra trên 100 tỷ đồng.
Dù có khá nhiều biến số tác động vào phiên rung lắc nhưng nhìn chung thanh khoản của HOSE đã không quá đột biến. Khớp lệnh của sàn chỉ tăng nhẹ so với phiên hôm qua, qua đó có 3 phiên liên tiếp trên mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Về mặt điểm số, VN-Index đã có một phiên giao dịch khá "khốc liệt" với việc mở phiên trong sắc đỏ và bị kéo giảm về 1.251,8 điểm. Đây cũng gần như là mức thấp nhất trong phiên giảm ngày thứ Sáu tuần trước.
Tuy nhiên, so với phiên thứ Sáu, thị trường lại có sự giải cứu nhanh chóng từ các cổ phiếu lớn. MWG (+3,8%), GVR (+3,2%), , MSN (+2,9%), POW (+2%) cùng nhau đảo chiều tăng giá. Tương tự là một số mã Ngân hàng như ACB (+0,5%), TCB (+0,6%), , VIB (+0,5%).
VN30 chỉ còn giảm 4,73 điểm trong khi đó VN-Index thu hẹp mức giảm xuống 6,32 điểm. VN-Index đóng cửa tại 1.266,32 điểm (-0,5%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 25.853 tỷ đồng, tương đương 1.050,58 tỷ đơn vị.
Dòng tiền cũng trở lại ngay với chiến lược len lỏi tìm cơ hội ở nhóm Midcap và Penny. Các mã như AGR (+5,57%), ORS (+2,77%), PVT (+2,49%), NT2 (+3,32%), HDC (+3,04%) có những dấu hiệu của dòng tiền đi ngược.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu có tính chất thị trường hơn như SSI (-0,99%), DIG (-1,25%), VND (-1,92%), DCM (-0,79%), KBC (-1,1%), DGC (-1,26%) vẫn phải chịu những dư âm của phiên rung lắc mạnh.
Nhìn chung, VN-Index vẫn đang duy trì chuỗi vận động tích lũy trong vùng 1.270-1.280 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã liên tục chứng kiến những dao động hẹp cho đến những phiên giao dịch lên tới 30 điểm.
Những kỳ vọng chinh phục mốc 1.300 điểm vẫn còn đó những thị trường sẽ cần thêm nỗ lực chung của các cổ phiếu lớn cũng như cả nhóm Midcap và Penny.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng phải chịu đựng những thử thách khá mạnh trong phiên. Tuy nhiên, tới cuối phiên, cả 2 đều gần như thu hụt lại hết thiệt hại. Chỉ số HNX-Index giảm 0,06% còn UPCoM-Index giảm 0,13%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 5.700 tỷ đồng trong đó UPCoM xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 1.600 tỷ đồng của MSR.
Được biết, Mitsubishi Materials Corporation (Nhật Bản) đã đăng ký bán toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu MSR của Công ty CP Masan High-Tech Materials, tương đương tỷ lệ sở hữu 10% với mục đích nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư. Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận. Thời gian thực hiện dự kiến từ 30/5 đến 10/6.