Thúc đẩy hợp tác về năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và Ma-rốc hậu COVID-19
Nhiều triển vọng hợp tác
Nói đến Ma-rốc, nhiều người sẽ có liên tưởng đến một đất nước ở Bắc Phi xa xôi, cách Việt Nam hơn 11.000 km. Thế nhưng vùng đất xa xôi và con người nơi đó từ rất lâu đã có một sự gắn kết tự nhiên, sâu sắc với đất nước, con người Việt Nam.
Trên thực tế, quan hệ hai nước đã bắt nguồn từ những năm 1940, khi Ma-rốc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống lại thực dân Pháp và Tây Ban Nha. Từ năm 1961, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Ma-rốc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng Năng lượng, Mỏ và Phát triển bền vững Maroc Aziz Rabbah ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ về môi trường và phát triển bền vững. |
Về hợp tác kinh tế, thương mại, mặc dù giá trị tuyệt đối chưa cao nhưng Ma-rốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Phi. Những năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Ma-rốc không ngừng phát triển. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng, đạt hàng trăm triệu USD/năm, có năm tăng 33%. Việt Nam xuất khẩu sang Ma-rốc các mặt hàng hải sản đông lạnh, cà phê, hàng điện tử, đĩa DVD, đồ điện, hạt tiêu, hạt điều, dệt may, vải, sợi các loại... và nhập khẩu từ Ma-rốc sắt thép phế liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu chất dẻo, đá xây dựng... Có thời điểm, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu vực ASEAN của Ma-rốc.
Với tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Ma-rốc trong thời gian tới vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp hai nước gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần kết nối mạnh mẽ hơn nữa để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Chọn năng lượng tái tạo là mũi nhọn
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Việt Nam và Ma-rốc là hai quốc gia có tiềm năng và thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển xanh bền vững. Do vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những chính sách ưu tiên của cả Việt Nam và Ma-rốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng xanh.
Quang cảnh một phần Nhà máy điện mặt trời Noor đang xây dựng tại Ma-rốc. |
Cả Việt Nam và Ma-rốc đã có chính sách, đề ra những mục tiêu rõ ràng để hướng tới tăng tỷ phần năng lượng tái tạo đến năm 2030 và tầm nhìn 2045/2050 và luôn điều chỉnh cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Ma-rốc không chỉ phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước mà còn mở rộng hợp tác đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia châu Phi. Nhờ chú trọng và đổi mới công nghệ, Ma-rốc trở thành một trong những quốc gia phát triển năng lượng tái tạo tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Đây chính là điều mà Việt Nam cần học tập kinh nghiệm và mong muốn hợp tác với Ma-rốc.
Còn ở Việt Nam, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, song tỷ phần năng lượng tái tạo còn ở mức khiêm tốn, tuy nhiên phát triển năng lượng tái tạo gắn với lợi ích việc làm và xã hội đang được mở rộng triển khai nhằm tạo động lực phát triển mới và giúp thu hẹp khoảng cách cho các địa phương có tiềm năng và tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu xa, hẻo lánh. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam chia sẻ với Ma-rốc nói riêng và với các nước châu Phi nói chung (chủ yếu đa phần là nước kém và đang phát triển) là làm thế nào để phát triển năng lượng tái tạo gắn với công bằng, phát triển bao trùm và bền vững.
Chính vì vậy, doanh nghiệp hai bên cần nhận thức được những thế mạnh, hạn chế của mình để đưa ra những phương thức hợp tác thích hợp nhằm khai thác tối đa triển vọng hợp tác trong lĩnh vực tái tạo năng lượng.
Nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam - Ma-rốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, vừa qua, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc, tổ chức thành viên thứ 117 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chính thức được thành lập.
Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc (Hội) được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ma-rốc. |
Một trong những trọng tâm trong phương hướng, nội dung hoạt động của Hội là đẩy mạnh công tác giao lưu hữu nghị giữa hai nước thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế... Thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và tìm hiểu kinh tế, xã hội địa phương. Hội sẽ làm cầu nối cho các địa phương, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học… của Việt Nam và Ma-rốc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư, kinh doanh…
Hội cũng xác định sẽ chủ động nghiên cứu, linh hoạt và sáng tạo trong các hình thức hoạt động, gắn hoạt động giao lưu hữu nghị với hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại và với cộng đồng người Việt tại Ma-rốc... Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa việc tăng cường hiểu biết và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, từ đó giảm bớt những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.