Thủ tướng đối thoại với công nhân: Các ý kiến rất đúng, trúng, cần phải giải quyết
Trước ngày đối thoại, đã có 10.000 câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính, trong đó vấn đề nhà ở, lương, trường học cho con em công nhân là nóng nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với công nhân. Ảnh: VGP |
Thời gian đóng BHXH sẽ giảm dần
Tại buổi đối thoại, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (40 tuổi, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, hiện Luật BHXH còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40-45 tuổi. Từ thực tế, chị Hà đề nghị Chính phủ có giải pháp.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta.
Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về việc sửa đổi luật BHXH, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này, thời gian đóng BHXH sẽ giảm dần. Trước đây, quy định 20 năm, dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với phương châm đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.
Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn.
Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%. Chúng ta sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này.
Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình. Bộ LĐ-TB&XH cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút BHXH 1 lần hiện đã giảm đi so với quý I/2022.
Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Mới đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân
Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội) đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà.
Công nhân Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) cho biết, bản thân phải đi thuê những căn nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt thấp, giá đắt đỏ và xa nơi làm việc. Anh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt về việc quy hoạch triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi văn nghệ cho công nhân, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Về nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, có an cư thì mới lạc nghiệp, đảm bảo quyền được có nhà ở. Vấn đề này Đảng và Nhà nước luôn luôn trăn trở, chăm lo và chỉ đạo, xây dựng nhiều chủ trương. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nhiều chính sách như ưu đãi như cơ chế chính sách ưu đãi về hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi… Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa giải quyết được một cách thấu đáo, căn cơ, bài bản.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc về luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay như Nghị định 49, Nghị định 100. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao bằng giải pháp nhanh nhất có thể, để giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.
Về nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này.
Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình.
"Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng. Tôi nói thế có được không?", Thủ tướng nói.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở cho công nhân đã thực hiện 122 dự án với quy mô khoảng 2,7 triệu mét vuông. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước. Đây là một hạn chế trong thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra của chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.
Công nhân, người lao động tham dự đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP |
Đầu tư 14.000 tỷ đồng cho y tế cơ sở, y tế dự phòng
Công nhân Vũ Thị Kim Anh (Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nam I, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ câu chuyện công nhân phải thường xuyên tăng ca, làm việc vào ngày thứ 7, rất khó khám sức khỏe, mong muốn phát triển bệnh viện phục vụ các khu công nghiệp.
"Trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp để thuận tiện cho chúng cháu đến khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại các nhà máy. Đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào chủ nhật và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân chúng cháu đều đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần", chị Kim Anh bày tỏ nguyện vọng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá ý kiến của công nhân phản ánh chân thực thực tiễn. Thủ tướng cho biết, trong đại dịch COVID-19, toàn bộ hệ thống chính trị đã cố gắng và được sự ủng hộ của nhân dân, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát tốt dù diễn biến phức tạp và chuyển trạng thái trở về bình thường. Đây là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta.
Tuy nhiên, qua đại dịch bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống y tế. Với chủ trương đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta rà soát và thấy ngoài những cái được, vẫn còn những điều chưa được. Ví dụ như hệ thống dự phòng và hệ thống y tế cơ sở thiếu và yếu cả về pháp lý, hạ tầng, đầu tư cho nhân lực, tổ chức thực hiện tại hai khu vực này.
Quốc hội đang yêu cầu sửa Luật Khám chữa bệnh. Chính phủ đang rà soát lại hệ thống quy định pháp luật có liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, mà chủ trương cũng như "công thức" chống dịch của chúng ta là làm sao để người bệnh tiếp xúc nhanh nhất, sớm nhất với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.
Trước điểm yếu trên của hệ thống y tế, Thủ tướng cho biết đang tập trung bổ sung về pháp lý và thể chế.
Về giải pháp trước mắt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn.
Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu tổ chức y tế, trạm xá hay cơ sở khám chữa bệnh phù hợp cho các khu công nghiệp.
"Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tín dụng đen có nơi lãi suất lên tới 700-1000%/tháng
Chị Trần Thị Toan (cán bộ Công đoàn cơ sở công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, tỉnh Bình Phước) chia sẻ chị đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen. Nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Do đó, chị Toan đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, để công nhân không phải đi vay nặng lãi hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP của Công đoàn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, tín dụng đen là vấn đề xã hội rất bức xúc, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến dẹp bỏ tín dụng đen trong đời sống xã hội.
NHNN thấy có trách nhiệm rất lớn để người dân được tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Để làm được điều đó, ngoài giải pháp đã và đang triển khai thực hiện như hoàn thiện tiếp hệ thống luật pháp để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục rườm rà để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng có thể chỉ vài chục triệu phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con cái, con cái ốm đau, đóng tiền thuê nhà…
"Chúng tôi đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện để các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn; tăng cường cho ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.
Cũng cách đây 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tín dụng tài chính vi mô, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận tín dụng tài chính ngân hàng. Ở phần này tất cả các hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có quy mô lớn, tổ chức tín dụng hợp tác đang hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố và các công ty tài chính cũng như 420 chương trình, dự án vi mô tại các tỉnh, thành phố đang hoạt động tích cực. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tín dụng toàn diện này để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nói cung, công nhân và nông dân nói riêng.
Ngay tại đây, NHNN đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Để làm được điều này, về phía NHNN sẽ giám sát cho vay để đạt được nhu cầu chính đáng của công nhân. Ngân hàng Nhà nước rất mong có sự phối hợp của Liên đoàn Lao động Việt cùng phối hợp để cho vay đúng đối tượng, quản lý được khoản tiền vay, cho vay đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, liên quan tín dụng đen, các đối tượng rất tinh vi, lợi dụng và tạo vỏ bọc là các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính.
Các đối tượng cho vay không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh, các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường xuyên có thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp, qua App, qua mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp với lãi suất cao bất thường. Qua công tác đấu tranh của Bộ Công an, có lãi suất lên tới 90-100%/tháng, có lãi suất lên tới 700-1000%/tháng. Trong quá trình đó, tín dụng đe sử dụng nhiều thủ đoạn như đe doạ, khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản tiền lương trả qua ATM…
Trong 3 năm qua Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện, xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Do đó, tình hình liên quan tín dụng đen về cơ bản không gây bức xúc ở trong công nhân và xã hội.
Dành 2.000 tỷ đồng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân
Công nhân Bùi Văn Trường (Công ty TNHH Luxshare-ICT, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ hiện nay, việc học nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của nhiều công nhân rất khó khăn, vì điều kiện thời gian, kinh phí, quãng đường từ nơi làm việc đến chỗ học. Đề nghị Chính phủ có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động và công nhân.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có chủ trương. Vừa qua trong chương trình đầu năm khi bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân. Nếu còn có dư địa sẽ tiếp tục làm. Như vậy, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như công nhân phải nỗ lực, quản lý nhà nước phải có chính sách, cơ chế, tổ chức thực hiện thật tốt; các địa phương phải vào cuộc; Tổng LĐLĐ cũng phải vào cuộc để giải quyết bài toán tổng thể này căn cơ, bài bản, từng bước chắc chắn và có hiệu quả.
Kết luận đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các ý kiến tại đối thoại hôm nay của công nhân lựa chọn ra "rất đúng, rất trúng, rất cần phải giải quyết" và gửi lời cảm ơn đến những đóng góp của anh chị em công nhân.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời, chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động, trong đó có công nhân lao động.
Thủ tướng mong muốn anh chị em công nhân đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục góp ý, trao đổi để những vấn đề xuất phát từ thực tiễn được giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, cho nhân dân, trong đó có anh chị em công nhân.
Thủ tướng đề nghị các ban, bộ ngành phải thẳng thắn rút kinh nghiệm những gì chưa làm được để làm tốt hơn, đáp ứng với nguyện vọng, mong muốn của công nhân về đời sống, công ăn việc làm, được nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta.
Sau chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã trao 25 suất quà cho các công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.