Thủ tướng chủ trì “Hội nghị Diên Hồng” với doanh nghiệp
Thủ tướng: Tinh thần của Chính phủ là bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Ảnh VGP/Quang Hiếu
8.00’ Hội nghị bắt đầu. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.
Cùng dự hội nghị còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước…
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị.
Thủ tướng nhắc lại thời điểm này 40 năm trước đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước, thực hiện di nguyện của Bác Hồ, thống nhất phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trong đó có vai trò quan trọng đặc biệt của doanh nghiệp.
Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.
Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhấn là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị đại biểu phát biểu ngắn gọn, thẳng thắn, thiết thực, trực tiếp về những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và đề xuất kiến nghị, giải pháp cụ thể để cùng tháo gỡ rào cản để phát triển. (Tại điểm cầu TPHCM mời 500 tại hội trường đã lên đến 1000 người, cùng với các đầu cầu khác lên tới hơn 10.000 đại biểu).
Thủ tướng nhấn mạnh kết quả của hội nghị phải tạo ra niềm tin mới để mọi người dân, để doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển.
8.10’: Doanh nghiệp gửi “tâm thư”, hiến kế với Thủ tướng
Thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trước thềm hội nghị này, VCCI đã có báo cáo gần 200 trang về thực trạng và giải pháp kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành. Theo đó, 5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.
VCCI thay mặt cộng đồng DN đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng theo định hướng chính sách đó, có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.
Cụ thể, cộng đồng DN kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…); giảm lãi suất thực cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất; đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa hệ thống thu-chi các khoản đóng góp liên quan đến lao động; xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí, bỏ thuế khoán, thay vào đó là thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế môn bài cho DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh; đồng thời ngăn chặn đặt ra các loại phí sai quy định ở địa phương, quản lý chặt chẽ các khoản phí cầu đường, giao thông…
Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.
Theo đó, cộng đồng DN đề nghị, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới… thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.
Đồng thời, cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, trong đó khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay...
Cộng đồng DN cũng đề nghị xóa bỏ chế độ chủ quản của các bộ, ngành và chính quyền địa phương với DNNN, rà soát tổng thể các đơn vị sự nghiệp trong toàn quốc để tiến hành cải cách tương tự như DNNN; thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển DN nhỏ và vừa; bảo đảm nguyên tắc cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại, đầu tư không đồng thời là cơ quan tổ chức các hoạt động xúc tiến; đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ cơ quan quản lý nhà nước sang cho các tổ chức xã hội và thị trường…
8.39’: Đại diện Hiệp hội DNN&VV Việt Nam đề nghị Chính phủ 8 nội dung: Triển khai xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ DNNVV, kiện toàn tổ chức chỉ đạo hỗ trợ DNNVV; xây dựng Luật về hội; xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia; tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho DNNVV, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế: giảm thuế, lãi suất tái cấp vốn; có chương trình ưu đãi DNNVV tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho DNNVV; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công…
8.48'. Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc, trò chuyện với các đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Với hình thức tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, tại điểm cầu Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Còn mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.
Chủ đề của Hội nghị chính là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời tại Hội nghị. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp coi Hội nghị với Thủ tướng là một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp. Ông Lộc kỳ vọng rằng cuộc gặp của Thủ tướng sẽ mở đầu cho cao trào hiến kế với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
“Cuộc gặp diễn ra trong dịp kỷ niệm những ngày Chiến thắng 30/4 và Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, tôi nghĩ Thủ tướng muốn thúc đẩy cải cách với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa như trong những chiến thắng lịch sử này”, ông Lộc nói.
Theo Chinhphu.vn