Thị trường xuất khẩu chậm hồi phục, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành thủy sản
4 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 891,789 triệu USD, giảm đến 44,1% so với cùng kỳ. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản đối mặt khó khăn về thị trường từ quý 4/2022 cho tới nay. Trong đó, tôm là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành thủy sản lại có mức sụt giảm mạnh nhất, đe dọa lên mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay.
Giá thành cao khiến tôm của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các nước đối thủ
Trong 4 tháng đầu năm nay, đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Nguyên nhân chính là do các thị trường tiêu thụ lớn nhất như Mỹ, châu Âu giảm tiêu thụ do tác động của lạm phát toàn cầu.
Bà lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong ba mặt thủy sản xuất khẩu chính là tôm, cá tra và cá ngừ, riêng tôm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất nhưng do sụt giảm mạnh từ thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ, nên 4 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 891,789 triệu USD, giảm đến 44,1% so với cùng kỳ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, xuất khẩu tôm giảm mạnh là nhu cầu từ thị trường, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục, dẫn đến giá thành nuôi tôm của Việt Nam tăng cao rất khó cạnh tranh với các nước đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.
“Các nước đều có chính sách về giảm thuế nguyên, phụ liệu, thức ăn nuôi tôm. Họ sản xuất với giá thành thấp và trong điều kiện thị trường khó khăn như hiện nay nếu chúng ta không có giải pháp thì giá thành sản xuất tôm của Việt nam vẫn tăng cao sẽ khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác như Ấn Độ và Ecuador”, ông Tổng Thư ký VASEP nói.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) |
Lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Vì vậy, việc giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu ở 2 ngành này đang đặt ra những thách thức lớn về tăng trưởng. Gỡ khó cho doanh nghiệp về vốn nhằm duy trì nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu đang được chính phủ đặt ra.
Hỗ trợ vốn cho ngành thủy sản
Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Theo VASEP, khi xuất khẩu ế ẩm dòng tiền chậm về sẽ có rất nhiều nguồn vay từ ngân hàng đến hạn phải trả bị kẹt lại. Mặc khác, ngành thủy sản xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay chỉ 2,1 - 2,4% cao lắm là 2,5%, nhưng nay lãi suất vay đã trên 4%, góp phần gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Do vậy, VASEP kiến Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ lãi suất vay USD cho các doanh nghiệp thủy sản, giãn nợ từ 3 - 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1 và 2/2023 và giảm lãi suất cho vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ xuất khẩu.
Dù vậy, có nhiều ý kiến cho rằng trong lúc doanh nghiệp chỉ duy trì được từ 30 – 40% công suất nhà máy, cá biệt, có những doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động thì vấn đề cốt lõi là phải tăng được khả năng hấp thụ vốn của chính doanh nghiệp.
“Khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao và phù hợp với sản xuất trong nước thì phải đẩy mạnh tập trung vốn đầu tư vào lĩnh vực đó để thúc đẩy xuất khẩu. Nếu lĩnh vực đó không có khả năng phát triển thì tôi nghĩ dành vốn đầu tư vào cũng không thể hấp thu được”, ông Nguyễn Quốc Hùng Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu quan điểm.
Còn theo ông Bùi Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông cho biết, việc giảm miễn phí chuyển tiền, giảm tỷ giá, ưu đãi tỷ giá cũng như là các gói sản phẩm khác đều nhằm mục đích giúp khách hàng tiếp cận tốt hơn trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, VASEP cũng đề nghị Bộ Tài chính hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các hàng hóa xuất khẩu, vì ngành thủy sản 90% là xuất khẩu, chậm hoàn thuế VAT đã làm nghẽn dòng tài chính của doanh nghiệp, cùng với đó là công nhận ngành thủy sản là ngành hàng chế biến.
Trả lời kiến nghị của VASEP, liên quan đến chính sách chế biến thủy sản, Bộ Tài chính đã ban hành công văn và cũng có kiến nghị đưa vào văn bản quy phạm pháp luật, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang xin ý kiến về 03 luật thuế, như: Luật thuế VAT; Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp và sẽ đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào tháng 5/2023.
“Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để Bộ Tài chính có thể tổng hợp tất cả những vướng mắc cũng như các kiến nghị của các hiệp hội để đưa vào văn bản cao nhất là văn bản luật của Quốc hội”, bà Mạnh Thị Tuyết Mai khẳng định.
Trong thời điểm thị trường khó khăn như hiện nay các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp có thể tận dụng để chuẩn bị nguyên liệu,d cũng như sản xuất quy mô sản xuất để chờ thị trường bắt đầu phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mà mỗi doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm.
Ngành thủy sản lo thiếu nguyên liệu chế biến khi thị trường xuất khẩu ấm lên Xuất khẩu ế ẩm, dòng tiền bị nghẽn khiến các doanh nghiệp không có đủ tiền tiếp tục thu mua nguyên liệu cho nông, ngư dân hoặc mua không đúng giá khiến bà con giảm sản xuất, ngưng thả nuôi làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu trong nước. Vấn đề này thật sự đáng báo động. |
Xuất khẩu thủy sản giảm sâu: Giải pháp nào giúp qua khó khăn để tăng trưởng xuất khẩu? Giá xuất khẩu thủy sản giảm mạnh, thị trường tiêu thụ lao dốc khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 chỉ đạt 810 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt trên 2,6 tỷ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. |