Thị trường Venezuela: cánh cửa mới cho doanh nghiệp Việt
Ông Vũ Trung Mỹ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Bolivar Venezuela:
Tận dụng cơ hội từ đặc khu kinh tế Venezuela
Về mặt kinh tế, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Venezuela không có nhiều sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm dệt may, giày dép, cao su, linh kiện, thiết bị điện tử. Trong khi đó, Venezuela có lợi thế về khai khoáng, dầu mỏ, phát triển sản xuất nông nghiệp…
Đại sứ Vũ Trung Mỹ tham dự trực tuyến tọa đàm quốc tế. |
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp nhiều thách thức, Venezuela, với dân số khoảng 30 triệu dân, sẽ là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Venezuela có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, khí hậu thuận lợi và vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ đi ra khu vực Caribe, khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ. Tháng 8/2023, Venezuela đã thành lập 5 đặc khu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, trong việc xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh, phục vụ không chỉ thị trường Venezuela mà còn cả khu vực.
Thời gian tới, cần chú trọng đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư sao cho tương xứng quan hệ chính trị tin cậy, tốt đẹp giữa Việt Nam và Venezuela. Các bộ, ngành và doanh nghiệp của cả hai bên cần tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, khả thi, mang lại lợi ích cho cả hai nước, nhất là tạo những điểm đột phá. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong việc triển khai các cam kết, thỏa thuận đã ký kết.
Ủy ban liên Chính phủ cần phát huy hiệu quả trong việc đôn đốc, triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội đối với việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết.
Hai bên cũng cần phối hợp khởi động lại dự án hợp tác trên lĩnh vực dầu khí, vốn là "điểm nghẽn" trong quan hệ kinh tế - thương mại thời gian qua.
Ngoài ra, cần tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng khác như viễn thông, nông nghiệp, y tế, đồng thời thúc đẩy trao đổi kinh tế - thương mại trực tiếp giữa các doanh nghiệp, giảm thiểu khâu trung gian và loại bỏ các trở ngại trong khâu thanh toán.
Hợp tác đối ngoại giữa các địa phương, cũng như giao lưu nhân dân và quảng bá văn hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa. Việc dạy và học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt, cùng với sự hiểu biết về văn hóa của mỗi nước, sẽ là nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trong tương lai.
Với những tình cảm đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước và với nỗ lực của cả hai phía, quan hệ Việt Nam - Venezuela chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, đóng góp vào sự phát triển của cả hai quốc gia, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, chuyên gia tư vấn chiến lược Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam):
Thị trường tiềm năng giúp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, chuyên gia tư vấn chiến lược Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) |
Venezuela là một thị trường giàu tiềm năng về năng lượng, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, có thể giúp Việt Nam trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ phụ thuộc vào năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch như coban, lithium và đồng. Hợp tác nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng cũng cần được coi là ưu tiên chính, đặc biệt khi Venezuela có dân số trẻ, với 70% dân số dưới 40 tuổi.
Đối với Venezuela, hợp tác với Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư sang Đông Nam Á và ASEAN, đồng thời thúc đẩy quá trình đàm phán để trở thành thành viên của các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhất là khi Venezuela đã có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, quan hệ song phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Hai bên còn thiếu thông tin về nhau, từ thị trường, kinh tế cho đến chính sách thu hút đầu tư. Khoảng cách địa lý, rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa kinh doanh cũng là những thách thức cần được giải quyết.
Để thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Venezuela, Việt Nam cần duy trì các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, đồng thời tăng cường trao đổi lý luận với Đảng PSUV và chính phủ của Tổng thống Maduro. Việc hiểu rõ văn hóa và tư duy của người Venezuela sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư một cách hiệu quả hơn, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt và thiếu chiến lược.
Thiết lập thêm văn phòng đại diện thương mại, thương vụ, tham tán thương mại tại các thành phố quan trọng của Venezuela cũng là một bước đi cần thiết để mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại tại Mỹ Latinh. Đồng thời, việc triển khai các dự án trồng lúa nước, lúa bèo hoa dâu và cây ăn quả tại khu vực đồng bằng sông Orinoco, Maracaibo và Amazon sẽ giúp Venezuela giải quyết vấn đề thiếu lương thực, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ Latinh.
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn:
Phát triển nông nghiệp hữu cơ - hướng đi bền vững cho hợp tác Việt Nam - Venezuela
Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn |
Venezuela có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch nông thôn. Việt Nam có thể hỗ trợ Venezuela trồng lúa hữu cơ, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh.
Một lĩnh vực tiềm năng khác là nghiên cứu và ứng dụng bèo hoa dâu trong nông nghiệp. Bèo hoa dâu có thể được sử dụng làm phân bón sinh học, giúp tăng năng suất lúa và cải thiện môi trường nước tại các vùng trồng lúa. Ngoài ra, nó còn có thể được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, chất làm sạch nước và trong sản xuất dược phẩm. Việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm và công nghệ giữa Việt Nam và Venezuela trong lĩnh vực này có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, đồng thời góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.