Rác hữu cơ, phế phụ phẩm thành tài nguyên…
Giá trị thiết thực với người nông dân…
“Hoàn thiện quy trình ủ compost từ rác thải sinh hoạt quy mô nhà máy, tạo phân bón hữu cơ cải tạo đất và nhân giống cây công nghiệp bằng tổ hợp vi sinh vật ưa nhiệt” là Dự án được PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) cùng nhóm nghiên cứu triển khai thí điểm tại Nhà máy xử lý rác thải xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận trên diện tích 11,84 ha trồng cây keo. Dự án nhằm tận dụng nguồn rác hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Rác sau khi phân loại, được đồng nhất và tự động trộn với giống vi sinh vật và một số hoạt chất khác tạo thành đống ủ. Quy trình có quy định rõ các điều kiện về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… giúp sản phẩm phân compost được hình thành không còn chứa mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, các chất ô nhiễm nồng độ thấp… Đồng thời tạo ra các enzyme ngoại bào tốt cho cây trồng.
Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất phân compost từ rác thải sinh hoạt với quy mô từ 50 – 70 tấn/ngày trong đó có 35 – 50 tấn rác hữu cơ. Từ đó sản xuất được 255 tấn phân bón compost đạt chỉ tiêu về chất lượng theo tiêu chuẩn phân bón hữu cơ Việt Nam.
Sản phẩm compost sau khi chín và được phân tích đánh giá chất lượng. (Ảnh: Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên) |
Kết quả thí nghiệm cho thấy, phân compost sản xuất theo quy trình này có chất lượng cao, không chứa các nhóm vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh, các chất gây ô nhiễm được giảm tối đa. Sản phẩm đạt chất lượng trở thành mùn hữu cơ phục vụ trồng các loại cây công nghiệp, giúp tăng dưỡng chất, cân bằng hệ sinh vật, tăng tính kết cấu đất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất…
Thử nghiệm trong quy trình trồng cây keo, khi kết hợp phân compost, biochar (than sinh hoạt) và những vi khuẩn có lợi theo tỉ lệ thích hợp giúp cây keo sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tăng hiệu quả giữ ẩm của đất thêm 30 – 35% so với các cây keo tại khu vực trồng đối chứng.
Bùn thải đáy ao cũng có thể được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Trong quá trình nghiên cứu về thủy sản, Tiến sĩ Châu Thi Đa (Khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) phát hiện ra rằng: Bùn thải đáy ao nếu không được xử lý sẽ bị thải ra môi trường gây nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên khi được phối trộn cùng mùn cưa, các chế phẩm sinh học… theo tỷ lệ nhất định và đảm bảo một số yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm… sau thời gian nhất định sẽ trở thành phân bón hữu cơ.
Bước đi thiết thực hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ
So với canh tác lúa bình thường, canh tác hữu cơ tuy thấp về sản lượng nhưng chất lượng tăng cả về độ ngon và sạch. Lợi nhuận cũng cao gấp đôi so với sản xuất lúa, hàng hóa bình thường, ông Nguyễn Chánh Tài, hộ trồng lúa ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cho biết. Gia đình ông Tài hiện có 11ha trồng lúa và 4ha vườn trồng nhiều loại cây ăn quả đều sử dụng phân bón hữu cơ.
Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Năm 2022, Sở đã ban hành kế hoạch “Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông sản sạch gắn liên kết tiêu thụ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Qua đó, mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai và đạt kết quả khả quan cả về hiệu quả kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.
Sử dụng phân bón hữu cơ hướng tới phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh: datsachhuuco.com) |
Tại tỉnh An Giang và nhiều địa phương khác trong cả nước, việc biến phế – phụ phẩm nông, thủy sản thành nguồn nguyên liệu quan trọng tạo ra phân bón hữu cơ cũng đã được quan tâm triển khai. Đây vừa là giải pháp giúp tận dụng tối đa những rác thải, bùn thải… vốn đã trở nên vô tác dụng trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh, vừa làm giảm thiểu tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hóa học khác.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc tái tạo sức khỏe cho đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những nội dung quan trọng góp phần tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm organic có giá trị kinh tế cao. Đồng thời làm giảm phát thải khí nhà kính theo đúng cam kết trong Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của Chính phủ Việt Nam.
Ủ phân compost là một trong số những công nghệ tiên tiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đẩy mạnh thực hiện tại “Dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. |
Vĩnh Phúc phấn đấu trồng trên 600.000 cây xanh Ngày 30/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ phát động trồng cây năm 2023 vì mục tiêu phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Lễ phát động trồng cây sẽ bắt đầu từ ngày 30/11/2022 đến 19/1/2023; toàn tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu trồng từ 600.000 cây xanh trở lên tại các huyện, thành phố. |
Quảng Nam: Tôn vinh phụ nữ ve chai góp phần bảo vệ môi trường Vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với một số tổ chức quốc tế USAID, GreenHub... đã tổ chức tôn vinh những người phụ nữ làm ve chai. |