Thị trường thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư
Định vị thị trường
Biên độ giao dịch của các thị trường chứng khoán châu Á đang siết lại trong các phiên gần đây. Các chỉ số TWSE (-0,25%), NIKKEI 225 (+0,47%), KOSPI (-0,32%), SHMCP (-0,24%), STI (-0,14%) bất kể trạng thái trái chiều đều có biên độ dưới 0,5%.
Điều tương tự cũng diễn ra với thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi chỉ số VN-Index chỉ tăng trở lại 0,54 điểm (+0,04%). Nỗ lực đảo chiều chủ yếu xuất hiện vào cuối phiên giao dịch do đó cũng chưa thực sự tạo ra một tín hiệu mới cho thị trường.
Chất xúc tác
Thị trường đang bị đè nén về mặt cảm xúc dẫn đến quy mô giao dịch có sự sụt giảm xuống dưới mức bình quân 20 phiên. Khớp lệnh của HOSE đã giảm khoảng 15% so với phiên hôm qua.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm sự hiện diện trên sàn với tỷ trọng giao dịch 2 chiều chiếm 8,35%. Điều này cho thấy rõ hơn về việc nhà đầu tư nội đã thu hẹp giao dịch ở phiên hôm nay.
Cùng với đó, khối ngoại cũng chỉ bán ròng với quy mô nhỏ trên HOSE, hơn 270 tỷ đồng. Các mã FPT (+121 tỷ đồng), MWG (+81,27 tỷ đồng), VIC (+64,5 tỷ đồng), CTG (+60 tỷ đồng) vẫn nhận được tiền ngoại trong khi TLG (-176 tỷ đồng), HPG (-83,5 tỷ đồng), VPB (-60,72 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Khối ngoại bán ròng trong biên độ hẹp. |
Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng đã công bố giá bán USD dưới mốc 25.000 VND/USD, tiếp tục cung cấp những bằng chứng rõ hơn của sự suy yếu đồng Dollar. Hiện chỉ số Dollar Index đã về gần 100 điểm.
Vận động thị trường
Cổ phiếu VIC đã có một phiên giao dịch bứt phá ấn tượng khi tăng kịch trần lên 45.100 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Các mã VHM (+2,2%), VRE (+1%) cũng đều có sự hưởng ứng theo.
Tuy nhiên, hiệu ứng trên lại không lan tỏa rộng tới các mã Bluechips khác cũng như toàn thị trường chung. Rổ VN30 vẫn có 14/30 mã giảm trong đó HPG (-1%), BID (-1,2%), SSI (-1,6%), SSB (-2,3%) đã triệt tiêu đi đáng kể lực kéo.
Cả VN-Index cũng như VN30 dù vẫn kịp đảo chiều tăng nhưng thành tích điểm số đều không thực sự thuyết phục. Chỉ số VN-Index tăng 0,54 điểm lên 1.280,56 điểm (+0,04%). Thanh khoản sàn đạt 16.189 tỷ đồng, tương đương 660 triệu đơn vị.
Các nhóm ngành tích cực nhất trong nhịp hồi phục vừa qua như Chứng khoán và Bất động sản đều gặp phải sự phân hóa trong vận động giá. Tại nhóm Chứng khoán, FTS (+0,23%), CTS (+0,38%) giữ được sắc xanh nhưng HCM (-1,7%), VND (-1,6%), SSI (-1,6%), VCI (-0,9%), VIX (-2,1%) đều chưa hấp thụ được hết lực bán chốt lời.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Bất động sản khả quan hơn ở các mã như TCH (+1,9%), DXG (+1,3%), HDC (+3,5%) nhưng CSC (-2,1%), HDG (-1,2%), NDN (-1%), CII (-1%), DLG (-1%) lại đóng cửa trong sắc đỏ.
Các nhóm cổ phiếu như Bán lẻ, Thép, Dệt may cũng chưa thể vượt qua được áp lực chốt lời khi PNJ (-0,66%), DGW (-0,33%), FRT (-3,34%), HSG (-0,71%), NKG (-0,91%), TCM (-1,04%) cùng giảm giá.
Nhìn chung, thị trường vẫn đang phải trải qua giai đoạn cân bằng trước khi tìm được những động lực dẫn dắt mới. Đây cũng là những diễn biến đang diễn ra trên cả HNX và UPCoM.
Chỉ số HNX-Index giảm 0,03% xuống 238,91 điểm với thanh khoản sàn đạt 49,63 triệu đơn vị, tương đương 1.027 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index giảm 0,02% xuống 94,14 điểm, giá trị giao dịch đạt 678 tỷ đồng.