Thế hệ trẻ Việt Nam - Campuchia sẽ giữ gìn và phát huy tình đoàn kết hữu nghị hai nước
- Thưa ông, xin ông chia sẻ về những kỉ niệm của mình tại Campuchia trong những năm tháng làm chuyên gia tại nước bạn?
Tháng 3/1980, tôi cùng với đoàn chuyên gia Việt Nam gồm 27 người sang giúp tỉnh Kratié, một tỉnh miền núi khó khăn ở phía Đông Bắc của Campuchia. Thời gian đó Campuchia trong tình trạng 5 không: không tiền, không trường học, không bệnh viện, không chợ, không chùa chiền và còn rất nhiều Pol Pot.
Đoàn chuyên gia của chúng tôi lúc đó gồm có các chuyên gia về ngân hàng, công an, nông nghiệp, thương nghiệp, quân sự.... và tôi là chuyên gia duy nhất về dân vận và mặt trận. Công việc của tôi lúc bấy giờ là vận động thành lập Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Phật giáo và xây dựng chùa chiền.
Ông Đào Xuân Mùi, cựu chuyên gia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Phú Thọ. |
Chúng tôi vận động thành lập Đội thiếu niên nhi đồng, kêu gọi những thanh niên trong độ tuổi từ 15-35 tuổi tham gia vào Hội Thanh niên, thực hiện điều lệ của Hội Thanh niên Campuchia Trung ương. Sau khi bồi dưỡng tại Campuchia, chúng tôi đưa Hội Thanh niên Campuchia sang tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay) giao lưu học hỏi kinh nghiệm xây dựng tổ chức thanh niên và thiếu niên. Tại đây, họ sẽ đi thăm quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong các hoạt động của hội Thanh niên Việt Nam.
Sau một thời gian làm việc, chúng tôi đã xây dựng các Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Hội Phật giáo đi vào hoạt động có nề nếp và có tổ chức. Đây là chiến lược tập hợp các lực lượng thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, Phật giáo chung tay xây dựng Mặt trận đoàn kết dân dân tộc cứu nước Campuchia làm theo đường hướng và mục tiêu của nước bạn.
Ban ngày, tôi làm công tác dân vận giúp bạn, chiều tối về cùng đoàn chuyên gia tăng gia sản xuất như trồng cây, tưới rau, lao động, nấu cơm hằng ngày. Thế nên, đoàn chuyên gia chúng tôi có câu vui thế này: “Sáng làm chuyên gia. Chiều về làm tạp vụ”. 4 năm làm chuyên gia dân vận và mặt trận tại Campuchia là những kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Bên cạnh giúp đất nước bạn, chúng tôi phải đối mặt với sự sống và cái chết bất kỳ lúc nào.
Tết Nguyên Đán năm 1980, tôi cùng với đoàn chuyên gia và tỉnh bạn lên thăm đơn vị bộ đội Việt Nam. Trên đường đi đoàn xe chúng tôi bị phục kích, rất may xe bị lật ngiêng và đoàn chúng tôi không ai bị thương.
Năm 1981, bầu cử Quốc hội Campuchia, tôi về huyện Shrong, Kratié làm vận động bầu cử. Đi cùng với tôi có 4 công an Việt Nam, ngoài ra, còn có 1 tiểu đội bộ đội Việt Nam đi cùng. Mặc dù được bố trí ngủ ở UBND huyện nhưng tôi quyết định ngủ tại chùa. 12h đêm, phần tử hai mặt đã bắn súng vào chỗ tôi nằm. Rất may tôi thoát chết. Trong những tháng bầu cử tôi không thể gửi thư và tin tức cho người nhà. Đây là những kỉ niệm mà tôi mãi không bao giờ quên.
Ông Đào Xuân Mùi (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn Việt Nam sang thăm Campuchia vào năm 2018. |
- Chuyên gia, bộ đội Việt Nam và người dân Campuchia đã hợp tác, gắn bó như thế nào trong thời gian đó, thưa ông?
Người dân Campuchia rất tôn trọng chuyên gia và bộ đội Việt Nam. Chuyên gia hướng dẫn như thế nào họ sẽ học tập, thực hành theo. Vào dịp lễ, tết, những người dân Campuchia mời chúng tôi đến tham dự bữa cơm gia đình, giao lưu, ăn uống. Thời điểm đó, tỉnh Sông Bé (Việt Nam) kết nghĩa với tỉnh Kratié (Campuchia). Dù còn khó khăn, nhưng tỉnh Sông Bé vẫn hỗ trợ tỉnh Kratié hết mình về kinh tế, vật chất, tinh thần.
- Khi quay trở lại Campuchia, điều gì làm ông bất ngờ nhất?
Tôi đã trở lại Campuchia ba lần. Trong năm 2014 tôi sang hai lần do Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cử sang dạy nghề theo yêu cầu của Trung ương Hội Phụ nữ Campuchia tại tỉnh Kampong Chhnang. Năm 2018, tôi cùng với đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam sang thăm Campuchia. Tôi rất ngỡ ngàng. Campuchia đã "thay da đổi thịt". Kinh tế Campuchia phát triển nhanh, người Campuchia học hỏi được nhiều kinh nghiệm buôn bán của người Việt Nam và các nước.
Ông Đào Xuân Mùi chụp ảnh cùng với bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia. |
- Năm 2021 là dấu mốc kỉ niệm 54 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia, ông kì vọng như thế nào về mối quan hệ hai nước?
Nhìn lại chặng đường 54 năm qua, có thể nói, mặc dù trải qua nhiều khó khăn thử thách với những thăng trầm của lịch sử, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Campuchia đã không ngừng được củng cố, phát triển. Đây là tài sản vô giá của hai dân tộc chúng ta.
Tôi tin tưởng rằng, dù trong bối cảnh nào, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia cũng sẽ giữ gìn tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thế hệ trẻ sẽ phát huy được truyền thống của cha ông đi trước góp phần bảo vệ, giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Ngày 21/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Điều lệ và công nhận Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Phú Thọ. Khi mới thành lập, hội có 500 hội viên, đến nay, tổng số hội viên của hội là 2519 hội viên. Sau 3 năm thành lập, Hội đã thực hiện nhiều hoạt động, cụ thể: ngày 7/1/2019, hội tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày cùng quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ Pol Pot. Năm 2019, Hội tổ chức vận động hội viên ủng hộ Kiều bào ở Campuchia gặp hỏa hoạn; ủng hộ Kiều bào ở Campuchia chống dịch Covid-19 với số tiền 15 triệu đồng. Hằng năm, Hội cũng tổ chức tổng kết, sơ kết, xét tặng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia. |
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!