Việt Nam – Campuchia: Ôn lại quá khứ để hướng tới tương lai
Ngài Chay Navuth - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam. |
- Nhân dịp kỷ niệm 54 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, theo ngài Đại sứ, đâu là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa nhất trong hành trình này?
Trong thời gian qua, quan hệ Campuchia – Việt Nam tiếp tục giữ được đà phát triển tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Có rất nhiều sự kiện quan trọng được tổ chức nhưng có hai sự kiện mang ý nghĩa quan trọng nhất: Đầu tiên là Việt Nam phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, Ieng Sary vào ngày 7/1/1979, mở ra một kỷ nguyên hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Trong thắng lợi đó, tinh thần quốc tế cao cả, trách nhiệm với đồng loại của nhân dân Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Hai là ngay sau khi Campuchia giải phóng đất nước, do Pol Pot tàn phá tất cả cơ sở hạ tầng nên cựu chuyên gia Việt Nam đã giúp Campuchia khôi phục lại đất nước từ con số 0.
- Xin Đại sứ cho biết triển vọng quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới?
Với đà phát triển của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trong 54 năm qua, tôi tin tưởng rằng quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.
Trong thời gian tới, tôi hy vọng quan hệ hợp tác sẽ ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế và giao lưu nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống của nhân dân hai nước. Như lời của Thủ tướng Hun Sen mong muốn hai nước cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển để làm cho cuộc sống của người dân Campuchia và Việt Nam mãi mãi ấm no, hạnh phúc.
(Video: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thời Đại)
- Ưu tiên của hai nước trong thời gian tới là gì thưa Đại sứ?
Thời gian qua, lãnh đạo hai nước cũng như Bộ Ngoại giao Campuchia luôn đặt ưu tiên trong việc tăng cường, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương của hai nước ngày càng lớn hơn, phù hợp với tầm nhìn và triển vọng mà Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm thời gian qua.
Để đạt được triển vọng này, hai bên đã có những phương án chuẩn bị, khi đại dịch kết thúc phòng thương mại các tỉnh giáp biên giới gặp nhau trao đổi sẽ buôn bán gì, sản phẩm ra sao để mang lại lợi ích cho cả đôi bên... Ngay cả khi COVID-19 chưa được đẩy lùi, thì hai bên cũng tăng cường các buổi trao đổi trực tuyến nhằm tìm ra các giải pháp, phương án thông thương thuận lợi để phát triển thương mại hai nước.
Hơn nữa, các tỉnh của Campuchia đã trao đổi với cán bộ các tỉnh của Việt Nam để tăng cường quan hệ thương mại. Mới đây, tại Bình Phước, chúng tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh, cùng thống nhất tăng cường, củng cố quan hệ giao lưu nhân dân và quan hệ thương mại hai nước ngày càng phát triển hơn nữa.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về phong trào “Uơm mầm hữu nghị” do Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia khởi xướng?
Việc các cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã từng giúp đỡ Campuchia, nay lại nhận các lưu học sinh làm con nuôi là điều vô cùng quý báu. Tôi xin cám ơn các bạn đã quan tâm và dành tình cảm nồng ấm đối với người dân Campuchia. Đặc biệt đã dành công sức đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc các lưu học sinh Campuchia trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội và xây dựng đất nước sau khi du học trở về quê hương.
Tôi cũng từng gặp một đồng chí có nhận các cháu sinh viên Campuchia là con nuôi. Khi cháu đó trở về Campuchia thì hai người vẫn duy trì liên lạc. Khi cháu kết hôn thì đồng chí đó sang Campuchia tham dự lễ cưới. Đây là câu chuyện rất ý nghĩa và tôi thật sự rất vui mừng!
Xin cảm ơn những cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh và chấp nhận xa gia đình, quê hương của mình để sang giúp Campuchia chiến đấu lật đổ chế độ Khmer đỏ tàn ác, tái thiết đất nước. Tôi tin tưởng rằng hoạt động “ươm mầm hữu nghị” sẽ được nhân rộng hơn nữa bởi đây là mô hình rất ý nghĩa, góp phần nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực không thể thiếu trong công cuộc phát triển Campuchia trong tương lai, cũng như là “cầu nối” tăng cường quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước.
- Xin cảm ơn Đại sứ!