Thế giới năm 2024 như thế nào trong dự báo của con người và AI?
AI nói gì về tình hình thế giới?
Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức
Chat GPT 3.5 dự báo năm 2024 kinh tế thế giới đối mặt với những thách thức là: điều kiện kinh tế toàn cầu, các yếu tố địa chính trị, những thay đổi chính sách kinh tế, các sự kiện không lường trước được, tranh chấp thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Sự phát triển trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác có thể ảnh hưởng đến xu hướng công nghệ và khả năng cạnh tranh toàn cầu, sự khan hiếm tài nguyên...
Trong đó, quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến kinh tế toàn cầu. Các sự kiện chính trị, những thay đổi trong chính sách thương mại, nhu cầu về tài nguyên, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thay đổi địa điểm sản xuất trong năm 2024 của hai quốc gia này có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp trên toàn thế giới.
GPT là một mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể viết văn bản, dịch ngôn ngữ, viết nội dung sáng tạo và trả lời câu hỏi dựa trên kho dữ liệu lớn dưới dạng văn bản và mã. Hiện nay, phiên bản mới nhất của GPT là GPT 4 đang trong quá trình phát triển, dự kiến có khả năng viết dựa trên 10 nghìn tỷ tham số. |
Xung đột tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân
Chat GPT 3.5 không đưa ra dự báo về diễn biến trên chiến trường mà tập trung nói đến tác động của chiến sự đến cuộc sống người dân. Theo đó, khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi số lượng lớn người dân tìm cách di tản ra khỏi khu vực chiến sự. Bên cạnh khó khăn về kinh tế, vật chất, người dân có nguy cơ ảnh chịu hưởng lâu dài về tinh thần. Bất ổn chính trị có nguy cơ xảy ra tại vùng chiến sự và lan rộng đến các khu vực lân cận, tạo mảnh đất màu mỡ cho các nhóm cực đoan, khủng bố. Căng thẳng địa chính trị cản trở hợp tác đa phương, khiến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu…càng thêm khó khăn, góp phần tạo ra chia rẽ lâu dài trong cộng đồng quốc tế.
Tiếp nhận người tị nạn Ukraine vào nơi lánh nạn tại trạm kiểm soát biên giới ở Medyka, Ba Lan. (Ảnh: REUTERS) |
Thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2024, thế giới thiếp tục đối mặt với các vấn đề thiên tai nghiêm trọng và thời tiết cực đoan. Các quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines, Indonesia; khu vực Himalaya như Ấn Độ, Pakistan, Nepal; khu vực Đông Phi như: Ethiopia, Kenya và một phần châu Mỹ có nguy cơ hứng chịu động đất nghiêm trọng năm 2024. Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines cần cảnh giác trước nguy cơ bão, lũ lụt.
Xu hướng sống lành mạnh phát triển
Theo AI, xu hướng sống lành mạnh, quan tâm đến sức khỏe đã xuất hiện từ giai đoạn đại dịch COVID-19 và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2024. Con người ngày càng ý thức hơn về các vấn đề môi trường, thực hành sống bền vững, tiêu dùng có trách nhiệm, lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường. Người dân ngày càng ưu tiên sức khỏe, nhất là sức khỏe tinh thần. Tập thể dục tại nhà, thực hành chánh niệm, chọn thực phẩm lành mạnh, lối sống cân bằng giữa học tập – làm việc – nghỉ ngơi – du lịch sẽ trở thành xu hướng mới.
Khoa học công nghệ phát triển sẽ thúc đẩy kết nối xã hội. Ngày càng có nhiều phát minh giúp con người gặp gỡ, trò chuyện, kết bạn xuyên biên giới, bất chấp khoảng cách địa lý như công cụ ảo, cộng đồng trực tuyến…
Công nhân sửa chữa đường bị hư hỏng sau trận động đất ở Wajima, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản. (Ảnh: REUTERS) |
Dự báo của các chuyên gia
Kinh tế có xu hướng phục hồi trong bối cảnh nhiều khó khăn
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo đạt mức 2,9% - thấp hơn mức trung bình 3,8% từ năm 2000-2019. Cũng theo IMF, các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 1,4% vào năm 2024 do ảnh hưởng của việc thắt chặt các chính sách kinh tế. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định, đạt trung bình 4,0%, tương đương năm 2023.
Người dân Luân Đôn, Vương quốc Anh xếp hàng mua rau, hoa quả. (Ảnh: Bloomberg) |
Chiến sự sẽ kéo dài
Theo ông Tô Hạo, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Hòa bình, Học viện Ngoại giao Trung Quốc: năm 2024 khó có thể đạt được bước đột phá lớn trong xung đột Nga-Ukraine trên chiến trường, nhưng có thể sẽ xuất hiện xu hướng suy yếu tổng thể.
Nguyên Tổng giám đốc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), ông Michael Clarke đưa ra ba kịch bản cho xung đột Nga - Ukraine trong năm 2024. Một là: chiến sự vẫn sẽ kéo dài nhưng không phải vô thời hạn; Hai là: hai bên củng cố lực lượng, chiến sự chưa chuyển biến đáng kể; Ba là: Ukraine sẽ gây áp lực với Nga xung quanh bán đảo Crimea. Trong cả 3 kịch bản, không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ giảm nhiệt trong năm 2024. “Cả Nga và Ukraine đều đủ năng lực để chiến đấu theo kiểu giằng co, cho đến khi một trong hai bên cố gắng thực hiện một sáng kiến chiến lược với hy vọng thay đổi cục diện cuộc chiến,” ông nhận định.
Thế giới tiếp tục đối mặt với thiên tai và thời tiết cực đoan
Công ty truyền thông Trung Quốc Sohu dự báo những thảm họa như nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn và lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến trồng trọt, có thể gây ra mất mùa, làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhiệt độ cao có thể trở thành một “bình thường mới”. Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ so với mức trước cách mạng công nghiệp, gây ra nhiều vấn đề như: tan băng, mực nước biển dâng, mất đa dạng sinh học, tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm…
Công ty Phân tích, dự báo Everstream Analytics (Mỹ) cho biết: Các thảm họa thiên nhiên như: bão, bão tuyết, động đất, cháy rừng và lũ lụt sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong năm 2024.
Văn phòng Google tại Dublin, Ireland chú trọng tạo không gian xanh, khuyến khích nhân viên giao tiếp tích cực với đồng nghiệp, nghỉ ngơi đầy đủ sau giờ làm việc. (Ảnh: NEXT Conference) |
Con người quan tâm đến chất lượng sống, sức khỏe tinh thần
Theo Báo New York Post, xu hướng sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ sẽ ngày càng phát triển. Thay vì chạy theo trào lưu ngắn hạn, nhiều người sẽ tìm đến các “giá trị bên trong” như sức khỏe, trải nghiệm, tư duy tích cực. Nicholette Leanza, chuyên gia tâm lý tại Ohio (Mỹ) cho biết: “Thế hệ trẻ đang tích cực thúc đẩy lối sống cân bằng giữa sức khỏe – công việc, như: ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả công việc để có thêm thời gian nghỉ ngơi; trao đổi cởi mở hơn về những khó khăn tâm lý trong quá trình làm việc; tham gia khóa học kĩ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần; du lịch tìm về thiên nhiên…” Khác với trào lưu ăn kiêng, giảm cân “để trông đẹp hơn” của những năm trước, những nhân vật truyền cảm hứng (influencers) trên mạng xã hội đang ủng hộ tập thể dục, ăn lành mạnh “để cảm thấy khỏe mạnh hơn”.
Theo Lyra Health - trang thông tin về sức khỏe tinh thần cho người lao động, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của nhân viên do ngày có nhiều người trẻ tham gia vào đội ngũ quản lý. Nhiều doanh nghiệp sẽ xây dựng không gian làm việc thoáng, xanh; hạn chế tạo áp lực quá tải với nhân viên; giảm thời gian làm việc trực tiếp tại văn phòng, tăng làm việc online; khuyến khích giao tiếp thân thiện, tích cực giữa đồng nghiệp; cung cấp phúc lợi về tư vấn tâm lý cho nhân viên. Các nhóm như LGBTQ+, người da màu, người dân tộc thiểu số… sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn giúp họ dễ dàng hòa nhập tại nơi làm việc.
Chương trình tiêm vaccine sốt rét đầu tiên trên thế giới Trẻ em Cameroon là những đối tượng đầu tiên trên thế giới được tiêm chủng ngừa bệnh sốt rét định kỳ sau khi nước này áp dụng mũi tiêm chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. |
Rộn ràng Tết Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới Tiếng pháo giòn tan, tiếng nhạc xuân rộn ràng, hương vị đậm đà của mâm cỗ ngày Tết và đặc biệt là tình cảm chân thành của cộng đồng, các thành viên Đại sứ quán... giúp đồng bào ta ở nước ngoài cảm thấy ấm lòng dịp Tết đến xuân về. |