Tháng 9/2024 dừng công nghệ 2G: Số phận hơn 11 triệu thuê bao dùng điện thoại "cục gạch" ra sao?
Theo lộ trình dừng mạng di động 2G tại Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) ban hành, kể từ ngày 16/9/2024, không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ mạng 2G. Quy định này chỉ ngoại lệ với khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK hoặc các thuê bao sử dụng cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M).
Thông tin này khiến nhiều người lo lắng cho số phận những chiếc điện thoại "cục gạch" mình đang sử dụng. Đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, những người cao tuổi không hiểu biết về công nghệ, cũng như những người thường xuyên sử dụng điện thoại để liên lạc hơn là một thiết bị giải trí hoặc để kết nối internet.
Từ tháng 9/2024, Việt Nam dừng công nghệ 2G. (Ảnh minh họa) |
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến thời điểm tháng 5/2024, số thuê bao 2G Only còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
Như vậy, sau ngày 16/9, nhiều mẫu điện thoại di động "cục gạch" sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam. Đó là những mẫu máy chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G only) với khả năng nghe, gọi cơ bản. Các thuê bao sử dụng điện thoại “cục gạch” nghe gọi, nhắn tin sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại có dịch vụ 3G, 4G.
Theo các chuyên gia công nghệ, nguyên nhân khiến thuê bao 2G vẫn còn nhiều là do người dân gặp khó khăn về chi phí khi mua máy. Đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, việc đổi thiết bị có giá vài trăm nghìn đồng đang là vấn đề nan giải. Ngoài ra, dù đã cấm máy 2G nhập vào Việt Nam từ năm 2021, nhiều sản phẩm vẫn được lưu thông trên thị trường.
Để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Quỹ Viễn thông công ích dành kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa với khoảng 400.000 điện thoại. Ngoài ra, UBND một số tỉnh, thành phố cũng có kế hoạch hỗ trợ cho các hộ khó khăn nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích.
Các thuê bao sử dụng điện thoại “cục gạch” nghe gọi, nhắn tin sẽ phải chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh hoặc điện thoại có dịch vụ 3G, 4G. (Ảnh minh họa) |
Đại diện các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone… đều khẳng định đã triển khai tích cực, sâu rộng các giải pháp truyền thông tắt sóng 2G đến từng khách hàng như: Nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho người dùng, truyền thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người có uy tín. Hiện các nhà mạng đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chủ thuê bao 2G nâng cấp điện thoại với nhiều ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ tiền mua thiết bị, hỗ trợ các gói cước sử dụng dữ liệu...
Để hỗ trợ người dân trong quá trình nâng cấp điện thoại lên 4G, các chuỗi bán lẻ như FPT Shop, Thế giới Di động, CellphoneS, Di động Việt, Viettel Store cũng đang thực hiện chính sách thu cũ 2G đổi mới 4G. Người dùng đem điện thoại 2G đang sử dụng đến và sẽ được đổi lên máy 4G với mức trợ giá từ 300.000 đồng lên đến cả triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam sẽ cấp phép 5G. Với việc có thêm mạng 5G, trên mạng lưới không thể cùng một lúc tồn tại đồng thời cả công nghệ 2G, 3G, 4G và 5G, rất tốn kém trong khai thác, vận hành. Việc dừng công nghệ 2G sẽ giúp giải phóng băng tần để quy hoạch cho 5G và 6G trong tương lai cũng như thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường mạng. |