Thái Nguyên tích cực đẩy mạnh cơ chế trao đổi thông tin giữa các tổ chức PCPNN đang hoạt động trên địa bàn
Chủ trì Toạ đàm có: ông Lê Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thái Nguyên; bà Phạm Anh Đào, Phó Trưởng Ban PACCOM (thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Tham dự Toạ đàm còn có lãnh đạo đại diện các ban Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; các cơ quan, ban ngành thuộc tỉnh Thái Nguyên và đại diện các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Toàn cảnh toạ đàm
Thái Nguyên là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của vùng trung du miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính với 180 xã, trong đó có gần 70% xã vùng cao và miền núi, đời sống vô cùng khó khăn. Trong những năm qua, bên cạnh những thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá của tỉnh, vẫn còn một số lĩnh vực phát triển còn hạn chế, kết quả đạt được ở một số khu vực vùng sâu vùng xa còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới hiện nay.
Trước những thực tế đó, công tác vận động, xúc tiến viện trợ phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng an ninh. Tính đên nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 80 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) được câp giấy phép hoạt động, trong đó 35 giấy phép còn hiệu lực.
Ông Lê Văn Tuấn phát biểu khai mạc Toạ đàm
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Lê Văn Tuấn cho biết: Trong 5 năm chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2013-2017 tại địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã vận động, tạo điều kiện và gia hạn cho rất nhiều tổ chức vào khảo sát, mở rộng và xây dựng kế hoạch triển khai các dự án mới trên địa bàn tỉnh. Các dự án chủ yếu được thưucj hiện tại các xã nghèo, địa bàn khó khăn, hướng tới đối tượng hưởng lợi là trẻ em, phụ nữ, người dân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, các nhóm yếu thế trong địa bàn. Riêng trong năm 2017, giái trị giải ngân của các dự án PCP đạt 2,5 triệu USD, tăng đáng kể so với con số 1,8 triệu USD của năm 2016.
Có được những kết quả khả quan trên, trước hết phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban công tác về các tổ chức PCPNN, PACCOM. Ngoài ra tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã luôn quan tâm, củng cố và tăng cường năng lực các cơ quan đầu mối về công tác PCPNN, đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện công tác này một cách hiệu quả. Thêm vào đó, hoạt động vận động, tiếp xúc, tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin vẫn luôn được chú trọng.
Ngoài hiệu quả về mặt mặt kinh tế, viện trợ PCPNN còn mang lại hiệu quả rất lớn với công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Thông qua việc tham gia triển khai các chương trình, dự án PCPNN, đội ngũ cán bộ của tỉnh, huyện, xã cũng như người dân đã có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cũng đã lên kế hoạch để có thể vận động nhiều hơn nữa các tổ chức PCPNN và hoạt động trên địa bàn tỉnh. Năm 2018 và những năm tiếp theo, với chương trình kế hoạch của tỉnh và sự hỗ trợ, giúp đỡ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục kêu gọi vận động và thu hút các nhà đầu tư về với Thái Nguyên; tập trung nhiều vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cùng với đó là các lĩnh vực như chống biến đối khí hậu… Qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, ông Lê Văn Tuấn cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, PACCOM và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Thái Nguyên như những năm qua.
Bà Phạm Anh Đào phát biểu
Phát biểu tại Toạ đàm, bà Phạm Anh Đào nhấn mạnh, mục đích của toạ đàm là để các đại biểu cùng nhìn lại và đánh giá những mặt đạt được và chưa đạt được nhằm cải thiện công tác viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đây là dịp để các tổ chức PCPNN chia sẻ, tư vấn về cách thức để tăng cường hợp tác giữa các tổ chức PCPNN và tỉnh Thái Nguyên và công tác vận động viện trợ để đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ các cơ sở địa phương, ông Chu Đức Mạnh – đại diện tổ chức Alliance Mission (Đức) cho biết nhờ sự hỗ trợ đó, các hoạt động khảo sát, tiếp cận người dân trở nên thuận tiện hơn. Từ đó, tổ chức có điều kiện biết, chia sẻ nhu cầu thực tế trong đời sống hiện tại của người dân và đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp nhất.
Đồng quan điểm với ông Chu Đức Mạnh, đại diện tổ chức Habitat (Mỹ) cũng đánh giá cao cơ chế tiếp nhận viện trợ và sự quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức PCPNN trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên. Bà cho biết, Habitat luôn xác định Thái Nguyên là một trong những tỉnh trọng tâm ở phía bắc. Hiện tại, hoạt động của Habitat tập trung vào các vấn đề nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… và nhu cầu của Thái Nguyên phù hợp với định hướng, chiến lược hoạt động của Habitat.
Đại biểu tham gia toạ đàm chia sẻ
Tại Toạ đàm, đại diện một số tổ chức PCPNN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã chia sẻ, thảo luận nhằm tăng cường công tác PCPNN tại tỉnh. Các đại diện cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cần đẩy mạnh cơ chế trao đổi thông tin; tổ chức nhiều buổi chia sẻ thông tin giữa các tổ chức đang hoạt động trên địa bàn với nhau nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật… mang lại hiệu quả công tác tốt hơn cho địa phương. Bên cạnh đó, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, các thủ tục rõ ràng hơn.
Đại biểu các sở, ban, ngành, các địa phương đang có dự án được các tổ chức PCPNN hỗ trợ trên địa bàn cũng cam kết sẽ cố gắng làm việc, phối hợp tốt nhất để các chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN về với Thái Nguyên đạt được hiệu quả cao nhất.
Thuỳ Linh