Tàu ngầm nguy hiểm nhất của Mỹ bị tước bỏ vũ khí hạt nhân
Ra đời từ Chiến tranh Lạnh và được trang bị hỏa lực đủ để phá hủy hàng chục thành phố của Liên Xô chỉ trong một lần tấn công, USS Ohio, tàu ngầm lớn nhất mà Hải quân Mỹ từng đưa ra biển, đã bị tước tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, nó vẫn có thể là nền tảng vũ khí linh hoạt và đáng sợ nhất của Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương.
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Ohio tham gia một cuộc tập trận tích hợp ngoài khơi Okinawa, Nhật Bản trong tháng này. Ảnh: Internet |
Mặc dù không còn mang tên lửa hạt nhân, nhưng USS Ohio vẫn chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như các tàu ngầm khác của Hải quân Mỹ. Được biết đến là một tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGN) chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu Ohio có một lò phản ứng hạt nhân cung cấp hơi nước cho hai turbine làm quay cánh quạt của con tàu.
Hải quân Mỹ nói tầm hoạt động của tàu là "không giới hạn", thời gian lặn chỉ bị hạn chế khi người ta cần bổ sung nguồn lương thực cho thủy thủ đoàn.
Kích thước và động lực lớn của con tàu ngầm cho phép nó mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ và gần gấp 4 lần những tàu ngầm tấn công mới nhất hải quân Mỹ mới được trang bị. Mỗi quả Tomahawk có thể mang đầu đạn nổ mạnh nặng 450kg.
Được biết, khi chính quyền của tổng thống Joe Biden đang thể hiện các cam kết của mình với các đồng minh và chủ trương một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, họ đã đưa ra các tuyên bố với liên quan các khí tài hải quân.
Trong hai tuần qua, Washington đã điều một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường qua eo biển Đài Loan, thể hiện cam kết của Mỹ đối với hòn đảo này. Cũng chính chiếc tàu khu trục này sau đó tiếp tục đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Washington cũng đã triển khai tập trận với hai tàu sân bay và điều một trong những tàu khu trục mới nhất của họ đến Nhật Bản.