Tàu cá thu gom rác thải nhựa: Mô hình thúc đẩy nông nghiệp thân thiện môi trường
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 8/2021, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu. Ước tính, hơn 70 – 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.
Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ.
Anh Phan Thanh Long (ở KV1, P.Trần Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-91333 TS, cho biết: trước đây tất cả rác thải sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của các thuyền viên trên tàu cá đánh bắt xa bờ đều thải trực tiếp xuống biển. Bênh cạnh đó, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 20 ngày, 1 tàu cá trung bình có 12 thuyền viên sử dụng khoảng hơn 200 chai nước(loại 1,5 lít), các chai nhựa này sau khi dùng xong đều được ngư dân vứt thẳng xuống biển.
Tàu cá ở Quảng Bình thu gom rác vào bờ. (Ảnh: Chi cục Thủy sản Quảng Bình)
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, bình quân trong 1 tháng có 300 tàu cá khai thác về cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Các tàu này đã xả thải ra đại dương hơn 4 tấn rác thải nhựa, gần 1 tấn lon nhôm và 1,75 tấn bao bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản.
Thực tế này cho thấy, để bảo vệ môi trường biển, chúng ta không chỉ ngăn chặn rác nhựa thất thoát từ đất liền ra ngoài đại dương, mà còn phải ngăn chặn rác nhựa từ các tàu thuyền đánh bắt chở ra.
Để giảm thiểu chất thải nhựa một cách có hệ thống, hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2020, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn.
Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn đã được thực hiện thí điểm khoảng 100 tàu cá thường xuyên ra, vào cảng cá Quy Nhơn và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan từ tháng 2/2023. Các thuyền viên cam kết không xả rác ra biển mà thu gom, bỏ vào túi đựng rác trên tàu cá.
Khi tàu chuẩn bị xuất cảng, thuyền trưởng ghi vào tờ khai các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì sử dụng trên tàu cá. Trên mỗi tàu cá có trang bị túi đựng rác thải để thuyền viên bỏ rác. Khi tàu cập cảng sau một chuyến biển, thuyền trưởng có trách nhiệm giao rác thải sinh hoạt của tàu cho tổ thu gom rác thải tại cảng cá và ký xác nhận lượng rác thải bàn giao.
Mô hình đã giúp giảm thiểu khoảng 60 tấn rác thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá ra đại dương. Đồng thời làm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng có liên quan đến lĩnh vực thu hồi, tái chế phế liệu. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, mô hình sẽ được duy trì tính bền vững và tiếp tục triển khai, mở rộng trên địa bàn tỉnh cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ.
Đội tàu đánh bắt xa bờ xã Cảnh Dương với túi đựng rác thải ở phía sau đuôi tàu. (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Cùng hướng tới mục tiêu giữ môi trường biển trong xanh, tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá. Bà Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, mỗi năm lượng rác thải trên các tàu bình quân khoảng từ 70 – 80 kg/tàu. Lượng rác thải ước tính từ tàu cá khai thác xa bờ Quảng Bình khoảng 80 – 100 tấn/năm.
Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất thủy sản ở tỉnh Quảng Bình chủ yếu đến từ hoạt động khai thác thủy sản, ngư lưới cụ hư hỏng, thất thoát, trôi nổi trên biển và sản xuất nuôi trồng thủy sản ven biển.
Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã động viên ngư dân ký cam kết thu gom rác từ biển vào bờ trong mỗi chuyến đi biển. Mỗi tàu thuyền sẽ được cấp phát 2 túi lưới đựng rác để ngư dân có thể đựng rác trên thuyền và sau đó mang về bờ.
Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật đan túi lưới cho các ngư dân và phụ nữ để đi chợ thay cho túi nhựa, nilon.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, các giải pháp thiết thực và hiệu quả như mô hình tàu cá thu gom rác thải nhựa cần được phổ biến và nhân rộng hơn nữa. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế, tăng cường, chuyển giao công nghệ, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.