Nỗ lực tạo thuận lợi cho các dự án FDI bền vững, thân thiện môi trường
Ngày 3/11/2022, Tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới của Đan Mạch là LEGO đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương trên diện tích 44 hecta. Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 1,3 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 trên toàn thế giới và thứ 2 tại châu Á của Tập đoàn LEGO cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO, tạo ra 4.000 cơ hội việc làm.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik dự lễ khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của Tập đoàn LEGO (Ảnh: VGP)
Theo ông Preben Elnef, Phó chủ tịch Tập đoàn LEGO, Tổng giám đốc LEGO Việt Nam, kể từ khi triển khai dự án, Tập đoàn LEGO đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của tỉnh Bình Dương khi chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nhanh chóng hoàn thành thủ tục cấp giấy phép lao động tạo thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài của đến làm việc.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nhà máy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thường xuyên có các buổi làm việc với lãnh đạo tập đoàn và các sở, ngành có liên quan nhằm lắng nghe nguyện vọng của nhà đầu tư, tháo gỡ các thủ tục còn vướng mắc đến thủ tục đất đai, đấu nối lưới điện, thẩm định thiết kế…
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn LEGO ngày 13/6 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng thông qua trao đổi bàn tròn sẽ có hướng giải quyết nhanh nhất những phát sinh, vướng mắc; đồng thời thể hiện sự cầu thị, hợp tác tích cực tạo môi trường đầu tư tốt đẹp, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất tại Bình Dương.
Cùng chung mục tiêu đầu tư, phát triển tại Việt Nam dựa trên tiêu chí xanh, sạch, bền vững, năm 2017 Tập đoàn China Tianying – Thiên Ý đã quyết định đầu tư dự án điện rác với giá trị đâu tư hơn 7000 tỷ tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Ông Lý Kha, Phó Tổng giám đốc thường trực Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Hà Nội, cho biết thời gian xây dựng nhà máy rất khó khăn do có dịch Covid -19. Nhưng doanh nghiệp rất kiên trì để hoàn thành dự án sớm nhất. Đại diện của Tập đoàn Thiên Ý cũng nhấn mạnh, dù trải qua nhiều khó khăn trong khâu thủ tục để xây dựng nhà máy, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành dự án một cách nhanh nhất.
Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn của Tập đoàn Thiên Ý nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Sóc Sơn, được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ năm 2017, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng (Ảnh: Dân Việt).
Việt Nam đã và đang đón thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài với những dự án bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng trong việc tạo lập một quốc gia phát triển, văn minh. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương của Việt Nam cũng đã thể hiện nhiều cam kết trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuật lợi để các doanh nghiệp đồng hành cùng Việt Nam tăng trưởng xanh.
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng 22/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; Thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Chính phủ đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất và nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan đến thuế, phí, lệ phí hợp lý, trên tinh thần hai bên cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động; đặc biệt là bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt. Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và chi phí hành chính.