Tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển của đất nước
Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Bạc Liêu, Cà Mau thảo luận tại tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN). |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Các đại biểu nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025-2030 tầm nhìn đến 2045 để đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa được nhấn mạnh tại dự thảo Báo cáo chính trị.
Coi đổi mới sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng so với dự thảo lấy ý kiến tại Đại hội Đảng bộ các cấp, mục tiêu phát triển của đất nước được chỉnh lý cô đọng, dứt khoát hơn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin về tương lai của đất nước, của dân tộc.
Qua nghiên cứu văn kiện, đại biểu nhận thấy việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường 25 năm tới.
Theo đại biểu Trần Thị Hiền, với bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững, yếu tố then chốt phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, coi đổi mới sáng tạo là đặc trưng của giai đoạn tới. Điều này đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận mô hình, cách làm đột phá để đem lại hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Dự thảo Báo cáo chính trị có 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” trên nhiều phương diện khác nhau.
Về nội dung của 3 đột phá chiến lược, đổi mới sáng tạo được nêu trong đột phá chiến lược thứ hai về nguồn nhân lực. Đại biểu cho rằng vấn đề đổi mới sáng tạo cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế. Bởi lẽ đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm trên mọi lĩnh vực mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, hệ thống pháp luật, là bệ đỡ, bệ phóng cho ý tưởng sản xuất kinh doanh.
Đại biểu đề nghị bổ sung và sửa đoạn cuối tại trang 62 trong dự thảo Báo cáo Chính trị là: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực."
Đổi mới thi hành pháp luật
Góp ý vào các dự thảo văn kiện, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế. Theo đại biểu, đây là nội dung rất quan trọng, là một trong những đột phá mà Đảng đã xác định.
Trong suốt nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã xem xét kỹ, ban hành nhiều chính sách sát thực tiễn. Tuy nhiên, qua phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng như đánh giá trong dự thảo văn kiện cho thấy, năng lực xây dựng thể chế pháp luật còn hạn chế.
Đại biểu Phan Viết Lượng chỉ rõ khâu tổ chức thực hiện còn yếu. Nhiều quy định pháp luật rõ ràng, cụ thể nhưng các cấp chính quyền không đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong quản lý trật tự xã hội.
“Nhiều vi phạm trong thực tế rất rõ ràng, cần có sự xử lý nghiêm minh của cơ quan thi hành pháp luật nhưng trên thực tế đã bị bỏ qua. Việc áp dụng, tuân thủ, xử lý quy định pháp luật vẫn là khâu yếu. Nếu không chú trọng đổi mới thi hành pháp luật sẽ khó đạt được các mục tiêu đã đề ra," đại biểu nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đại biểu cho rằng chuyển dịch cơ cấu còn hạn chế. Nhiều nguồn lực trong nông nghiệp từ lao động đến đất đai phân bổ và sử dụng chưa hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, tìm thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp chủ lực còn ít, chủ yếu là gia công, ứng dụng khoa học công nghệ thấp…
Theo đại biểu, cần thay đổi nhận thức về ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư cho khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu, chủ động hơn đầu ra cho sản phẩm.
Có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức
Qua nghiên cứu các dự thảo văn kiện, đặc biệt là Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá sau 35 năm đổi mới, dưới sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Việt Nam từng bước vươn lên, xây dựng và phát triển.
Những thành tựu đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là minh chứng thuyết phục, sinh động về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển đi lên của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế.
Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đại biểu đề nghị Trung ương tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, cần xây dựng hệ thống thể chế của Đảng, Nhà nước chặt chẽ; công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương, đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Liên quan đến những điểm mới tại dự thảo văn kiện, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm đến hai vấn đề.
Thứ nhất, dự thảo văn kiện đưa nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh. Điều đó có nghĩa là Đảng coi trọng việc xây dựng kiềng ba chân gồm: xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Việc này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao.
Nội dung mới thứ hai mà đại biểu tâm đắc là phương hướng nhiệm kỳ tới đề cập đến cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, Đảng đã thấy rõ những cơ chế còn yếu và thiếu của mình khi bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vì thế, việc đưa nội dung này vào là quyết định rất sáng suốt./.
Tử vi, chiêm tinh hôm nay 12/11/2020 về công việc của 12 con giáp: Đường tài lộc của Dậu vững chắc Tử vi, chiêm tinh hôm nay 12/11/2020 về công việc của 12 con giáp: Con giáp này không phải suy nghĩ quá nhiều về ... |
ALOV tặng 100 cuốn sách "Em học Tiếng Việt" cho Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hoá Giáo dục Đài - Việt Sách Em học tiếng Việt (emhoctiengviet.vn) được biên soạn dành cho thanh thiếu nhi người Việt sống ở nước ngoài. |
AICHR trên chặng đường phát triển vì quyền con người Ủy ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người (AICHR) được thành lập trên cơ sở Điều 14 Hiến chương ASEAN với một Quy ... |