Tận dụng ưu thế mạng xã hội để quảng bá văn hóa Việt
Quảng bá cổ phục Việt trên các nền tảng trẻ
Những năm trở lại đây, ứng dụng trang phục cổ truyền trong các hoạt động thường ngày trở thành trào lưu của thế hệ trẻ. Bên cạnh áo dài, hình ảnh của nhiều trang phục khác như áo tấc, áo nhật bình, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân,… xuất hiện phổ biến trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube,…
Năm 2013 nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã cho ra mắt cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” – một công trình nghiên cứu dựng lại bức tranh trang phục Việt trong khoảng một nghìn năm, từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945), bao gồm cả trang phục cung đình, trang phục dân gian, trang phục quân đội, mở đường cho trào lưu phục dựng cổ phục trong giới trẻ. Hàng loạt các hội nhóm Facebook về phong tục tập quán, cổ phục Việt Nam như Đại Việt Cổ Phong, Đình Làng Việt,… lan tỏa những hình ảnh đẹp về trang phục cổ truyền Việt Nam.
Không chỉ đi vào đời sống của thế hệ trẻ, cổ phục tạo nên tiếng vang trên các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê của TikTok, các video với từ khóa “Việt phục” thu về 141.3 triệu lượt xem, nhiều video so sánh, phân biệt cổ phục Việt Nam với Hàn Quốc, Trung Quốc đạt hàng triệu lượt xem.
Nếu như những năm trước, hình ảnh người trẻ Hàn Quốc mặc hanbook dạo phố là trào lưu, thì trong 2-3 năm trở lại đây, hình ảnh áo tấc, áo dài Việt Nam tại các điểm du lịch nổi tiếng của đất nước như Hội An, Huế,… thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội quốc tế.
Chia sẻ về trào lưu phục dựng và đưa hình ảnh cổ phục lên các mạng xã hội, Nguyễn Đức Lộc, chàng trai 9X sáng lập thương hiệu thiết kế, may đo cổ phục Ỷ Vân Hiên cho biết: “Khi thế giới càng phẳng, các nước bước vào quá trình hội nhập cũng là lúc người ta tìm về căn cước văn hóa, lịch sử của dân tộc mình để khẳng định bản sắc riêng, định vị mình giữa rất nhiều thanh âm đa sắc. Rất mừng là hiện nay, phong trào về cổ phục đã tạo ra một hiệu ứng nhất định, ảnh hưởng đến xã hội thông qua rất nhiều hoạt động và sản phẩm giải trí, thực sự tạo thành một xu hướng. Công chúng đã quan tâm tìm hiểu đến trang phục truyền thống nhiều hơn”.
Hội họa - Con đường đưa văn hóa Việt ra thế giới
Tại Paris - một trong những trung tâm hội họa thế giới, có nhiều tác phẩm giá trị của họa sỹ Việt Nam được lưu giữ tại những bảo tàng và nhà đấu giá ít mở cửa cho công chúng. Với mong muốn giới thiệu nét đặc trưng của hội họa Việt Nam đến cộng đồng yêu nghệ thuật tại Pháp và trên thế giới, nhà nghiên cứu người Pháp gốc Việt Nicolas Henni-Trịnh Đức lập tài khoản Instagram mang tên “Vietnamese Art in Paris” (Hội họa Việt Nam ở Paris) nơi anh đăng tải hình ảnh tư liệu và giải thích về các tác phẩm hội họa Việt Nam ấn tượng.
Nicolas Henni-Trịnh Đức (Ảnh: Trịnh Đức). |
Được thành lập năm 2020, trang Instagram “Vietnamese Art in Paris” đến nay đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 2.000 tài khoản, đa số là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu nghệ thuật. Ghé thăm tài khoản Instagram của Nicolas Henni-Trịnh Đức, người xem bắt gặp nhiều tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đa dạng, từ những bức chân dung của họa sỹ Mai Thứ, Lê Phổ, ảnh chụp các bình gốm, tượng Phật thời Lê, đến trang phục của các vị vua nhà Nguyễn,… Kèm theo hình ảnh, Nicolas Henni-Trịnh Đức giải thích về bối cảnh lịch sử của tác phẩm, những nhân vật được phác họa, những hoạt động đời sống, trang phục truyền thống, phong tục tập quán của người Việt được thể hiện qua nét vẽ của các họa sỹ.
Với kiến thức, tình yêu dành cho hội họa quê hương, Nicolas Henni-Trịnh Đức làm việc với các bảo tàng và đơn vị đấu giá tại nhiều quốc gia như Pháp, Ireland, Mỹ đưa đến những thông tin và cách hiểu đúng về hội họa cùng các giá trị văn hóa được thể hiện qua hội họa Việt Nam đến với khán giả phương Tây. “Tôi muốn chỉ ra rằng có những nét truyền thống, những ngôn ngữ, tập quán và cách thức rất riêng làm nên giá trị của hội họa Việt Nam”, Nicolas Henni-Trịnh Đức nói.
Trên hành trình lan tỏa giá trị truyền thống Việt Nam đến cộng đồng quốc tế, Nicolas Henni-Trịnh Đức còn nhận được sự ủng hộ từ cộng động Việt Kiều trên khắp thế giới: “Sau khi bắt đầu dự án này, tôi đã nhận được tin nhắn từ người Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Những tin nhắn đó là nguồn động lực lớn bởi nó cho thấy chúng tôi đồng hành cùng nhau trên con đường tìm hiểu lịch sử và nghệ thuật Việt Nam.”
Sự phát triển của mạng xã hội đã xóa bỏ khoảng cách địa lý, đưa người dân của các quốc gia đến gần nhau hơn. Trong thế giới hội nhập đó, nhiều thách thức về bảo tồn, kế thừa, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống được đặt ra. Tuy nhiên với tình yêu, niềm tự hào về bản sắc dân tộc và hiểu biết về các nền tảng mới, người trẻ Việt Nam đang tích cực ứng dụng tính lan tỏa của mạng xã hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế một Việt Nam ngày càng hiện đại, năng động, hội nhập nhưng vẫn giữ được những đặc trưng văn hóa độc đáo, riêng biệt, có giá trị nghệ thuật và nhân văn.
Những bức tường gốm sứ - thông điệp quảng bá văn hóa bốn phương Thông qua các tác phẩm kết hợp hài hòa nghệ thuật hội họa Việt Nam và các nước, dấu ấn văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau được giới thiệu đến công chúng Thủ đô, tiếp thêm cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước. |
Quảng bá văn hóa Việt qua những video hướng dẫn an toàn bay Nhiều du khách đã để lại biểu tượng trái tim và dành lợi khen ngợi những hình ảnh sáng tạo trên đoạn phim hướng dẫn bay mà hãng hàng không quốc gia Việt Nam gửi đến hành khách trên các chuyến bay. Không chỉ truyền tải thông điệp an toàn bay một cách sáng tạo, những đoạn phim này còn giúp lan tỏa toàn cầu những giá trị văn hóa bản địa độc đáo của đất nước, con người Việt Nam. |