Sự trở lại của cổ phiếu "anh hai" BID
"Anh hai" BID đã trở lại
Tuần vừa qua đã chứng kiến những điểm sáng của thị trường với điểm nhấn là sự bật tăng của cặp đôi vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB và BID sau chuỗi 4 tháng giảm liên tiếp. VCB đã tăng trở lại 3,29%/tuần trong khi đó, BID nổi bật hơn với thành tích tăng 9,36%.
Tuy nhiên so với VCB, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 HOSE là BID còn tạo được trạng thái tích cực hơn với việc lấy lại xu hướng tăng dài hạn cũng như ngắn hạn sau khi đã điều chỉnh gần 25% từ kỷ lục giá thời đại được xác lập vào giữa tháng 3/2024.
Cổ phiếu BID đã nhanh lấy lại xu hướng tăng sớm hơn so với VCB. |
Cụ thể, với 2 phiên giao dịch 2-3/7, BID chính thức lấy lại xu hướng tăng dài hạn và ngắn hạn đã bị đánh mất trước đó.
Với trạng thái này, BID đã thể hiện sức bật mạnh mẽ với đường MA200 và có thể sẽ nhân tố hỗ trợ quan trọng cho việc chinh phục mốc 1.300 điểm của chỉ số VN-Index nếu duy trì được nỗ lực đi lên.
Cặp đôi VCB và BID đã cùng vắng mặt trong nỗ lực thử sức với mốc 1.300 điểm gần nhất. |
Thực tế, trong giai đoạn 4 tháng vừa qua, việc đi ngược chiều của "anh cả" VCB và "anh hai" BID đã khiến cho thị trường dễ hụt hơi dù VN-Index đã có lúc lên tới 1.306 điểm trong tháng 6/2024.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Yuanta, thị trường vẫn cần sự dẫn dắt của các nhóm cổ phiếu Ngân hàng trong bối cảnh nhiều cổ phiếu nhóm Công nghệ đã tiến về mức giá trị hợp lý còn nhóm cổ phiếu Bất động sản vẫn cần thêm thời gian.
Trong khi đó, định giá của nhóm cổ phiếu Ngân hàng cũng đã trở lại hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh. Cùng với đó là các câu chuyện tăng vốn, sát nhập ngân hàng yếu kém cũng sẽ là chất xúc tác để tạo thêm cú hích mới.
Với tín hiệu BID hay VCB trở lại, ông Minh cho biết "thị trường đã có chuyển biến tích cực, tạo ra upside tốt hơn so với giai đoạn trước để chinh phục mốc 1.300 điểm".
Tăng vốn là động lực chính cho triển vọng tương lai
Là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, BID đã đẩy nhanh tốc độ đáp ứng các yêu cầu của Basel 3 và đã củng cố khả năng thanh toán của mình bằng cách tích cực tăng vốn.
Tính đến cuối năm 2023, BID có tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất trong số các ngân hàng cùng ngành. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên trước, các cổ đông đã thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng phát hành riêng lẻ cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 9% cổ phiếu lưu hành, trong đó 2,89% (gần 165 triệu cổ phiếu) sẽ được triển khai tích cực trong năm 2024 nếu điều kiện thị trường thuận lợi và 6,11% còn lại dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2025.
Cùng với đó, BID cũng được chấp thuận trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% (gần 1,2 tỷ cổ phiếu) từ lợi nhuận năm 2022 (giảm 2% so với kế hoạch trước) để tăng vốn. Sau các đợt phát hành này, vốn điều lệ của BID dự kiến sẽ tăng 23,9% so với cuối năm 2023 lên khoảng 70 nghìn tỷ đồng, thu hẹp đáng kể khoảng cách với VPB - ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất (xấp xỉ 79 nghìn tỷ đồng) trong số các ngân hàng Việt Nam.
Cho đến nay, BID là ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết duy nhất còn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 13% (CTG: 3%, VCB: 6%). Ngân hàng dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tới 30% sau năm 2025.
Sau khi Ngân hàng Hana trở thành cổ đông chiến lược vào năm 2019, BID đã thành công trong việc quản lý chi phí hoạt động bằng cách áp dụng công nghệ vào các dịch vụ ngân hàng và cải thiện chất lượng tài sản bằng cách đẩy nhanh việc xóa nợ.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá việc huy động vốn thông qua nhà đầu tư nước ngoài sẽ đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngân hàng vì: 1) nguồn vốn huy động được sẽ cải thiện tỷ lệ an toàn vốn của BID thông qua việc củng cố vốn cấp 1 - vốn cốt lõi và 2) BID sẽ tránh được việc huy động thông qua trái phiếu thứ cấp - có thể gây ra rủi ro hệ thống và làm tăng lãi suất cho vay ở mọi kỳ hạn. Với ROE của BID tăng nhanh lên 19% vào năm 2022 và 2023, từ mức 13% năm 2021, việc tăng vốn sẽ sớm được triển khai.
Bên cạnh đó, VNIDRECT cũng lưu ý chiến lược tập trung cho vay bán lẻ và FDI sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Sự phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của BID từ quý III/2024 lên mức 12% cho năm 2024.
Đồng thời, BID sẽ tận dụng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp lớn và mối quan hệ với Ngân hàng Hana để tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp FDI khi vốn FDI giải ngân của Việt Nam tiếp tục tăng.
VNDIRECT dự báo kết quả kinh doanh của BID. |
NIM của BID có thể tăng lên 2,6% trong năm 2024 (+5 điểm cơ bản). Tăng trưởng tín dụng và NIM mở rộng nhẹ dự kiến sẽ thúc đẩy thu nhập lãi tăng 11,8% trong năm 2024 và tăng trưởng kép đạt 14% trong năm 2024-26.