Sứ giả của tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam
Nguyễn Thuận 18/05/2022 20:53 | Bốn phương kết nghĩa



Mở đầu bài viết, Giáo sư S D Pradhan nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là một "huyền thoại", và là người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam.
Theo tác giả bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là “sứ giả” góp phần đáng kể đối với việc phát triển mối quan hệ bền chặt sắt son giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu trong lòng mục tiêu giải phóng dân tộc mình thoát khỏi ách thống trị của thực dân. Hồ Chí Minh trở thành tiếng nói đại diện cho nền độc lập của Việt Nam ngay từ khi Chiến tranh Thế giới thứ I vừa xảy ra.
Được truyền cảm hứng từ thành công của cuộc Cách mạng Bolshevik với hàng loạt cuộc nổi dậy xảy ra ở các thuộc địa của Pháp và Anh, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu rất kỹ về phương thức hoạt động để rút ra những bài học cho mình. Năm 1923, Hồ Chí Minh cùng với Manabendra Nath Roy, một nhà cách mạng Ấn Độ, làm việc cho Hiệp hội các dân tộc bị áp bức ở châu Á có trụ sở ở Matxcơva. Đây chính là minh chứng cho cuộc đấu tranh chung của hai nước để giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân và cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Hồ Chí Minh vừa là nhà lý luận vừa là nhà hoạt động cách mạng. Khái niệm của Hồ Chí Minh về cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc chứa đựng một tầm nhìn lớn bao gồm các khía cạnh kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự. Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết của sự tham gia của quần chúng cùng một liên minh công - nông mạnh mẽ phục vụ cho mục tiêu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Những ý tưởng của Hồ Chí Minh về lý thuyết cách mạng giải phóng đất nước được chứa đựng trong tác phẩm lớn của mình mang tên “Đường Kách mệnh”.
![]() |
Ảnh tư liệu. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1930 và Mặt trận Việt Minh vào năm 1941. Khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tuyên bố Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập.
Theo Giáo sư S D Pradhan, Hồ Chí Minh là người đã nghiên cứu một cách sâu sắc phong trào cách mạng của Ấn Độ. Chính điều này đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. Có một điều trùng hợp là, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mahatma Gandhi đều được xem là “Cha già dân tộc” của Việt Nam và Ấn Độ. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ vai trò của Mahatma Gandhi trong cuộc đấu tranh chống thực dân.
“Các bạn có Mahatma Gandhi thì ở đây tôi là một môn đồ của Mahatma Gandhi”, Giáo sư S D Pradhan dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi so sánh tình hình Ấn Độ với Việt Nam thời bấy giờ.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam năm 1954. Ảnh tư liệu. |
Cuộc gặp lịch sử của Hồ Chí Minh với Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru tại Việt Nam đã đặt nền móng cho quan hệ chính thức giữa hai nước. Năm 1954, Thủ tướng Nehru đã sang thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Có một điều thú vị là, ở Ấn Độ, Thủ tướng Nehru được gọi là “Chú Nehru” ở Ấn Độ, còn ở Việt Nam thì người dân gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác Hồ”.
Trong chuyến viếng thăm của mình đến Việt Nam, Thủ tướng Nehru đã viết rằng, ông có "ấn tượng đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một người thẳng thắn, bộc trực và dễ mến một cách lạ thường" khiến cho tình hữu nghị giữa hai nước thông qua các chuyến thăm và làm việc trở nên tin cậy, thân thiết đủ để vượt qua các nghi thức ngoại giao thông thường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ vào tháng 2/1958 trong một chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 11 ngày, giúp mở ra một chương mới trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Sự đón tiếp nồng hậu và thân tình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian chủ tịch ở Ấn Độ đã thể hiện rõ tình cảm của Ấn Độ đối với Việt Nam cũng như với cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nehru đã chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh như là "một nhà cách mạng vĩ đại". Trong khi đó, sự giản dị và chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng đặc biệt cho người dân Ấn Độ.
![]() |
Người dân thủ đô New Dehli chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị đến Ấn Độ tháng 2/1958. Ảnh tư liệu |
Năm 1959, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ Rajendra Prasad đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thống Rajendra Prasad đã cùng với Hồ Chủ tịch đến chùa Trấn Quốc và cùng nhau trồng một cây bồ đề tại đây như một cách thể hiện sự thân thiết và gần gũi của hai nước trong nhiều khía cạnh. Và “trái ngọt” là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ lãnh sự lên cấp đại sứ vào năm 1972.
Giáo sư S D Pradhan khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một trong những lãnh tụ xuất sắc nhất của thời đại chúng ta. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng những nhịp cầu hữu nghị và kết nối bền chặt giữa người dân Ấn Độ và Việt Nam như là một món quà vô giá dành tặng cho nhân dân hai nước.



Đáng chú ý
Thời tiết ngày 5/7/2022: Bắc Bộ có mưa và dông, ngày nắng nóng


Vương quốc Oman trao tặng 2 xe cứu thương cùng một số vật tư y tế cho Việt Nam

Tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo, giáo dục, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ireland
Bài viết mới
Vương quốc Oman trao tặng 2 xe cứu thương cùng một số vật tư y tế cho Việt Nam

Củng cố đơn vị đoàn kết, vững mạnh, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế cận

Chuyên đề

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đồng hành hàng trăm năm với lịch sử văn hóa và đời sống dân tộc Việt. Một trong những giá trị quan trọng nhất của hoạt động tín ngưỡng này chính là âm nhạc. Sự hòa trộn của yếu tố bác học với dân gian; sự giao thoa văn hóa các vùng miền, các dân tộc; sự tiếp biến của văn hóa các giai đoạn lịch sử… đạt đến độ hoàn hảo. Đặc biệt nhất là tính thống nhất cực kỳ cao độ giữa cảm xúc, tâm tưởng của những thành phần tham dự là chủ sự, nghệ nhân, khán thính giả; của đời sống hiện thực với đời sống tâm linh thiêng liêng đã được âm nhạc, diễn xướng ở đây tạo nên một giá trị hiếm có. |

50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ: Hương sen tỏa ngát bao gồm tất cả những bài viết về quan hệ của hai nước một cách toàn diện, sâu sắc và độc đáo nhất.