Nhà ông Phó bảng ở làng Sen - Nơi sáng ngời nhân cách gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nơi lưu giữ trọn vẹn và tỏa sáng nhân cách gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Trước mắt du khách là ngôi nhà nhỏ, lợp tranh, thưng phên, thấp thoáng dưới lũy tre xanh. “Nhà ông Phó bảng” - nơi in bao dấu vết thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà đã đi vào trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế với nhiều cảm xúc thiêng liêng. Có ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới lại sống một cuộc đời dung dị, lớn lên trong một ngôi nhà mộc mạc, khiêm nhường đến vậy. Nơi đây đã lưu giữ trọn vẹn và tỏa sáng nhân cách gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản ánh tâm hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam.
Toàn cảnh Di tích Làng Sen - quê nội Bác Hồ (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Nếp nhà thấp, nhỏ bé, tiêu biểu cho những nếp nhà ở thôn quê Việt Nam. Về đây, du khách có thể cảm nhận một cách đầy đủ hơn làng quê Việt Nam, làng quê xứ Nghệ. Nhà văn Nicôlai (Rumani) nhận xét: “Ngôi nhà lá đơn sơ trong cái làng nhỏ bé là quê hương, tâm hồn của cả dân tộc Việt Nam”. Tất cả những kỉ vật làm sống lại cuộc sống của đồng bào nông thôn cha ông ta thuở trước.
Một nhà sử học người Anh đã thú vị ghi lại: “Đến Kim Liên tôi càng thấy lạ hơn. Tôi chưa từng thấy một nhà Bảo tàng nào lại được nghe tiếng gà gáy, tiếng chim ca”. Ấn tượng khó quên, sức hấp dẫn lắng sâu, kỳ diệu khi du khách về đây không phải là những công trình kiến trúc đồ sộ, khu vui chơi giải trí nhộn nhịp mà là những mái lá, tranh tre, những kỷ vật, hiện vật bình dị, khiêm nhường, nhuốm màu thời gian đã gắn bó với tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngôi nhà tranh ấy đã tỏa sáng nhân cách ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà bếp của gia đình Bác Hồ ở Di tích Làng Sen (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Đỗ Phó bảng nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác không đi theo con đường làm quan, vẫn sống thanh đạm. Trong nhà, đồ đạc rất đỗi đơn sơ, giản dị. Bộ phản gỗ gian thứ nhất để tiếp khách. Ngày ấy, cậu Nguyễn Sinh Cung thường được cha cho đứng cạnh lấy nước, tiếp thuốc. Chính tại đây, cậu được lắng nghe câu chuyện của các nhà nho, sỹ phu đàm đạo thời cuộc và hiểu hơn tình hình xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Những buổi đàm đạo văn chương, luận bàn chính sự của các cụ khoa bảng đương thời đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước, ý chí giải phóng dân tộc và con đường cứu nước của Người.
Gian thứ hai là bàn thờ những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chỉ bằng tre, không sơn son thiếp vàng. Ngày về thăm quê, Bác xúc động nói: “Xưa nhà Bác nghèo, bàn thờ cũng chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai miếng gỗ đóng gá vào hai bên cột đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc”.
Mái nhà tranh đơn sơ, mộc mạc tại Di tích Làng Sen (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Nơi nghỉ của cô Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Người là chiếc giường gỗ nhỏ, liếp nứa. Hai gian còn lại là nơi nghỉ của ông Nguyễn Sinh Sắc cùng hai cậu con trai. Vật dụng không có gì nhiều. Chiếc rương đựng thóc gạo, chiếc tủ bà con mừng thân sinh đỗ đạt. Tủ tre dưới bếp chỉ vài nồi niêu đơn giản. Một chiếc mâm gỗ dành tiếp khách, mâm tre dùng ăn cơm hàng ngày. Đó là tất cả “gia tài” nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã theo Bác lớn lên cùng tuổi niên thiếu.
Ngôi nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen - Kim Liên cũng như nhà sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch rất mộc mạc, khiêm tốn. Gia đình chỉ sử dụng những gì thật cần thiết. Bởi ông Phó bảng cùng các con đều hiểu rằng đất nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ. Những người thân của Bác luôn đặt cuộc sống của mình trong cuộc sống của nhân dân.
Đúng như một nhà báo Thụy Điển đánh giá: “Các thành viên trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đều sống không phải chỉ cho mình mà là cho xã hội”. Có thể nói, ngôi nhà như tấm gương soi để chúng ta thấy được nếp sống thanh bạch, gần gũi nhân dân, phản ánh tâm hồn, cốt cách của những thành viên trong gia đình nhà nho nghèo giàu lòng yêu nước thương dân. Ngôi nhà ông Phó bảng, một trong những người đỗ đạt cao lúc bấy giờ chỉ đơn giản vậy thôi. Ông Nguyễn Sinh Sắc không nhận sự tổ chức đón tiếp linh đình khi vinh quy Phó bảng đã thể hiện tấm lòng cao cả, không muốn làm nhân dân vất vả vì mình. Ruộng thưởng ông chia cho dân nghèo.
Bộ phản ông Nguyễn Sinh Sắc- thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Ông thường dạy con: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Ông cùng các con sống đạm bạc, chan hòa với người dân lao động, chia ngọt sẻ bùi, chung vui bên ấm nước chè xanh, bên nồi khoai luộc. Cô Nguyễn Thị Thanh, cậu Nguyễn Sinh Khiêm, anh chị của Người đã phải trải qua một cuộc đời tù đày cũng vì nền độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân.
Những thành viên trong gia đình Bác đều là những người có lòng nhân đạo cao cả. Lòng nhân đạo đó được kế thừa và phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân” và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả cuộc đời các thành viên gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đứng trước ngôi nhà nhỏ, giản dị, ai cũng thấy lòng mình rung động sâu sắc.
Làng Sen đã trở thành “Quê chung”
Vừa tâm sự vừa lau vội giọt nước mắt, chị Nguyễn Thị Thủy (Tiền Giang) chia sẻ: “Đến nhà Bác, tôi thấy thân thuộc như về nhà mình. Nhà Bác đơn sơ mà bình dị quá. Đến đây tôi lại càng kính trọng Bác nhiều hơn. Tôi sẽ kể cho con cháu nghe để các cháu hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về sự giản dị và những cống hiến to lớn của Bác cho đất nước”. Tình cảm của chị Thủy cũng là tình cảm chung của mọi người dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu.
Chiếc giường nơi nghỉ của cô Nguyễn Thị Thanh, chị gái Bác Hồ (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Chính trong ngôi nhà lịch sử này, sau hơn nửa thế kỷ xa cách, Bác đã về thăm năm 1957 và năm 1961 trào dâng cảm xúc thiêng liêng: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Người thân mật trò chuyện cùng bà con quê nhà: “Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tôi không buồn không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”.
Những vật dụng đơn sơ của gia đình Bác Hồ (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Người vẫn nhớ như in cảnh vật xung quanh, sự bài trí trong nhà. Bác nói: “Xưa ngõ nhà Bác đi theo lối này, một bên có hàng chè mạn hảo, bên kia có hàng râm bụt”. Trong vườn, cán bộ xin phép trồng hoa nhưng Bác muốn trồng hoa màu: “Hoa khoai lang vẫn đẹp” để nâng cao đời sống nhân dân làm ai cũng thấy nghẹn lòng. Đã bao năm qua, “Nhà ông Phó bảng”- ngôi nhà Bác gắn bó thời niên thiếu trở thành nơi hội tụ của nhân dân Việt Nam và bầu bạn thế giới. Làng Sen đã trở thành “Quê chung” của tất cả mọi người.
Mỗi năm, nơi đây đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn cấp cao của các nước. Mọi người đến đây là để bày tỏ lòng biết ơn, ngưỡng mộ một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức cao cả, một cuộc sống trong sáng, giản dị, thấm hồn dân tộc, một nhân cách yêu nước thương nòi.
Du khách về thăm quê Bác (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Ông Y-a-ma-đa, vị khách Nhật Bản nói: “Bên nước Nhật, tôi chỉ biết Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam, một con người được thế giới ngưỡng mộ. Sang đây, tôi mới hiểu ra rằng, chỉ có mảnh đất này mới sinh ra con người vĩ đại này. Và chính con người vĩ đại này đã làm rạng rỡ mảnh đất này. Tôi sẽ lần lượt cho những người cộng sự của tôi sang thăm quần thể di tích này như tôi đã sang thăm hôm nay”. Đúng vậy! Từ quê hương, gia đình và mái nhà tranh bình dị đã góp phần làm nên nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cho đến hôm nay, “Nhà ông Phó bảng” đã trải qua hơn 120 năm vẫn luôn được bảo quản, gìn giữ chu đáo. Mái lá hằng năm lợp lại. Gỗ mộc, phên tranh xử lý ẩm mốc. Mảnh vườn hoa màu, bờ cây râm bụt, hàng chè mạn hảo ngay lối cổng đi vào được chăm chút, cắt tỉa cẩn thận. Du khách về thăm như tìm thấy hơi ấm tuổi thơ của Người. Những bức thư, bài thơ, lời tâm sự, chia sẻ của đồng bào, du khách sẽ là niềm hạnh phúc và cổ vũ lớn lao cho các thế hệ cán bộ đã, đang làm việc tại Khu di tích Kim Liên - Nơi gìn giữ một Di sản văn hóa vô giá của dân tộc.
Khách hành hương đi giữa hương sen quê Bác tháng Năm (Ảnh: Báo Nghệ An). |
Trong những ngày tháng Năm lịch sử, cả dân tộc vui mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách, con cháu về với Khu di tích Kim Liên, thăm “Nhà ông Phó bảng”, chứng kiến những kỷ vật được gìn giữ và trải qua nhiều năm tháng thời gian, chất chứa bao tình cảm mến thương của đồng bào, du khách để cảm nhận rõ hơn một tư tưởng vĩ đại, một nhân cách yêu nước thương dân, một phẩm chất đạo đức cao cả được tỏa sáng từ lối sống giản dị, tiết kiệm của gia đình Bác. Vào ngôi nhà Bác sống tuổi niên thiếu, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc một điều: “Hồ Chí Minh như chính quê hương và ngôi nhà Bác ở. Gần gũi mà cao quý, bình dị mà vĩ đại thiêng liêng”.
Ngôi nhà tranh thanh bạch, gia đình và quê hương đã góp phần hun đúc tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, phong cách văn hóa đậm chất hồn cốt quê hương xứ sở của một vĩ nhân của thế kỷ XX, khởi nguồn cho một tinh thần yêu nước và tư tưởng lớn lao của người “Anh hùng giải phóng dân tộc".