SEA Games 30 nhận vô vàn chỉ trích, chủ nhà Philippines thanh minh "chỉ là sự cố nhỏ"
Kết quả bóng đá SEA Games 30 hôm nay 28/11 |
Ban tổ chức SEA Games 30 dính "phốt", Tổng thống Philippines tuyên bố điều tra |
Sự thật "tuyển nữ Việt Nam ăn không đủ no" tại SEA Games 30 |
SEA Games 30 có lẽ là kỳ đại hội thể thao mà công tác tổ chức bị phàn nàn nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tình trạng kẹt xe, đưa đón không đúng giờ, các cầu thủ bóng đá phải tập ngoài đường, thức ăn ít ỏi... khiến nước chủ nhà Philippines hứng chịu nhiều chỉ trích.
Hashtag #SEAGamesfail (SEA Games thất bại) đã được hàng loạt nhà báo sử dụng kèm theo các bài viết phản ánh công tác tổ chức kém cỏi của nước chủ nhà.
Có thể kể đến hình ảnh các công nhân miệt mài sửa chữa trên các giàn giáo bám lên tường sân vận động, trước giờ diễn ra trận đấu giữa Malaysia và Campuchia chỉ 2 tiếng.
Toilet nữ không có vách ngăn (Ảnh: AFP) |
Hài hước hơn cả là chia sẻ của tài khoản TwoCityTrails, với hình ảnh chụp phòng vệ sinh nữ với 2 bệ toilet xếp gần nhau mà không có vách ngăn. Khẩu hiệu "We win as one" (Chúng ta như một cùng giành chiến thắng) đã được biến tấu thành "Wiwi as one" (Hai toilet như một).
Thanh minh về tấm ảnh được chụp tại khu vệ sinh của SVĐ Ninoy Aquino, đại diện Uỷ ban Thể thao Phippines nói rằng đây là hình ảnh khi "cơ sở đang được cải tạo". Kèm với đó, là bức ảnh chụp vách ngăn đã được lắp đặt hoàn chỉnh.
Trong khi đó, tờ Siamsport (Thái Lan) hôm 26/11 làm dư luận "dậy sóng" khi đăng tải video phòng họp báo trận đấu Thái Lan - Indonesia trông như... nhà kho. Căn phòng không có lỗ thông hơi, tường chưa quét vôi, phần cứng chưa hoàn thiện khiến các phóng viên phải bật đèn của máy quay để có đủ ánh sáng tác nghiệp.
Công nhân xây dựng gấp rút hoàn thiện ngay trước giờ thi đấu (Ảnh: Mediacorp) |
Về việc chậm trễ trong khâu tiếp đón, một số đoàn thể thao phải vạ vật trước khi check-in khách sạn, BTC SEA Games 30 của nước chủ nhà Philippines mới đây đã lên tiếng xin lỗi. Đại diện khách sạn nơi xảy ra sự cố thì thanh minh: "Chúng tôi đã hỏi các cầu thủ có muốn ngồi ghế không, nhưng họ thích nằm ra sàn để có thể nghỉ ngơi".
Không chỉ thế, vì đi lại không thuận tiện, lại hay gặp cảnh tắc đường, một số đội bóng như Thái Lan đã phải tập bóng phía ngoài khách sạn, trong khi U22 Việt Nam thì chọn cách ngủ luôn lại khách sạn gần sân bóng.
Những đội bóng như Singapore hay Việt Nam phải tự bỏ tiền túi để thuê khách sạn nấu thêm các món ăn, chỉ vì lượng thức ăn mà BTC cung cấp là quá ít ỏi, không đảm bảo dinh dưỡng cho các cầu thủ.
Các cầu thủ Đông Timor, Myanmar, Thái Lan và Campuchia khổ sở vì điều khiện đón tiếp của chủ nhà Philippines (Ảnh: VTC) |
Bất chấp những chỉ trích, một số quan chức Philippines nói rằng đây chỉ là những sự cố nhỏ và không thể tránh khỏi trong công tác tổ chức một sự kiện lớn như SEA Games.
"Với số lượng quốc gia và vận động viên đông đảo tới đây, những sự cố nhỏ như vậy là không thể tránh khỏi... Chúng tôi không chủ ý gây ra việc đó, và cũng chưa có báo cáo nào về việc họ đã gặp nguy hiểm" -ông Salvador Panelo, phát ngôn viên Tổng thống Philippines cho hay.
Tuy nhiên, ngay cả một số cựu quan chức Philippines cũng tỏ ra xấu hổ về công tác tổ chức. Ông Monico Puentevella - cựu Chủ tịch Uỷ ban tổ chức SEA Games Manila 2005, chia sẻ: "Tôi đã có mặt ở nhiều SEA Games, Á vận hội, Thế vận hội, nhưng chưa ở đâu tôi thấy kém cỏi như ở đây".
SEA Games 30 bị chê tiêu xài hoang phí Theo ước tính, sẽ có 7000 vận động viên và 5000 quan chức tham dự SEA Games 30 ở Philippine với chi phí tổ chức ước tính 315 triệu USD. Tuy nhiên, trong số này, nước chủ nhà đã vay khoảng 217 triệu USD. Chi phí tổ chức tốn kém khiến nhiều chính trị gia của nước này nói rằng Philippines nên dành tiền cho hàng triệu người nghèo và trẻ em thì hơn. Thậm chí, một nhà lập pháp còn gọi nó là "Imeldific" – thuật ngữ ví von với thời kỳ tiêu xài hoang phí của cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và vợ Imelda, vốn nổi tiếng với bộ sưu tập hơn 1.000 đôi giày. |