Quảng Ngãi kiến nghị đưa đảo Lý Sơn vào vùng đặc biệt khó khăn
Đây là kiến nghị của Quảng Ngãi tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công ở miền Trung và Tây Nguyên năm 2022 mới đây. Theo đó, Lý Sơn cần đưa trở lại diện đặc biệt khó khăn để hưởng chính sách ưu đãi như trước, trong bối cảnh du lịch lao dốc.
Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý, hiện chỉ có thể đến bằng đường biển. Ảnh: Duy Sinh |
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ xem xét bổ sung huyện đảo Lý Sơn vào danh sách đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021-2025, để được hưởng chính sách ưu đãi như huyện đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị, theo quyết định 131/2017 của Thủ tướng. Đồng thời, UBND Quảng Ngãi muốn Lý Sơn được giữ nguyên các chế độ, chính sách của huyện Lý Sơn như khi còn chính quyền cấp xã.
Lý Sơn từng được hưởng các ưu đãi cho vùng bãi ngang, hải đảo theo quyết định 131/2017. Nhưng từ khi ba xã cũ An Hải, An Vĩnh, An Bình (thuộc Lý Sơn) bị giải thể theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 3/2020, đảo đã bị cắt các ưu đãi này.
Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý, khoảng 30-45 phút đi bằng tàu cao tốc, nhiều năm qua, quê hương của Hải đội Hoàng Sa đã trở thành điểm son trên bản đồ du lịch Việt Nam với những danh lam thắng cảnh như chùa Đục, hang Câu, cổng tò vò, những bãi tắm xanh trong... cùng văn hóa bản địa độc đáo.
Hòn đảo chưa đầy 10 km2 với 22.000 dân, trong đó hơn 1.860 lao động trực tiếp và 5.000 lao động gián tiếp làm du lịch. Số lượng lao động trong ngành này chiếm chưa đến 35% dân số nhưng đóng góp hơn 50% cơ cấu kinh tế địa phương.
Năm 2019, trước khi dịch bùng phát, đảo đón 265.000 lượt du khách. Năm nay, huyện đã đóng cửa với du khách trong tỉnh từ ngày 11/8. Từ đó trở đi, những bãi tắm từng đông nghịt ở Lý Sơn đã không một bóng người, những danh thắng chỉ còn người ở đảo ghé thăm.
Chủ 170 khách sạn, nhà nghỉ, homestay... trong huyện là những người chịu thiệt hại nặng trong đợt thứ 4 của dịch Covid-19 do vốn đầu tư lớn. Những người làm dịch vụ khác như cho thuê xe máy, lái xe ôm, canô, bán đồ lưu niệm... đều lâm vào cảnh thất nghiệp.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ khi các xã giải thể, các chính sách ưu tiên về bảo hiểm y tế, thụ hưởng các dịch vụ y tế, hỗ trợ nằm viện cho bệnh nhân nghèo; hỗ trợ tiền ăn trưa cho cấp bậc mầm non; hỗ trợ miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên... không còn.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang công tác ở đảo không được hưởng cơ chế chính sách đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, một số cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù của đảo Lý Sơn cũng không còn hiệu lực.
"Nước ngọt vẫn phải mua, lương thực, hàng hóa vẫn phải chuyển từ đất liền ra khiến chi phí tăng, khám chữa bệnh cấp cứu vẫn phải đi tàu vào đất liền khi chuyển tuyến. Hạ tầng nông thôn ở đảo rất cần được đầu tư nhưng không được hưởng chính sách bãi ngang và hải đảo", Chủ tịch huyện Lý Sơn nói.
Bà Hương cho rằng mọi người đã quen với hình ảnh Lý Sơn phát triển du lịch nên khó khăn của đảo không được chú ý. Nhưng gần đây, Covid-19 làm đời sống của người dân đảo Lý Sơn thêm khó khăn vì du lịch lao dốc.
Hòn đảo có hai miệng núi lửa ở Quảng Ngãi Viên ngọc quý của vùng đất Quảng Ngãi - sở hữu tới hai miệng núi lửa tuổi đời hàng chục triệu năm. |
Ngỡ ngàng vẻ đẹp của mùa rêu ở đảo Lý Sơn Từ cuối tháng 12 đến tháng tư, những bãi đá ở đảo Lý Sơn được bao phủ bởi rêu xanh ẩn hiện theo những con sóng vỗ bờ. |
Nông dân đảo Lý Sơn gặp khó khăn do hậu quả mưa bão Thời điểm này, nông dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang sản xuất vụ tỏi Đông Xuân 2020-2021. Khác những mùa vụ trước, vụ tỏi này, nông dân ở huyện đảo Lý Sơn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tăng cao và hậu quả do mưa, bão để lại. |