Quan tâm giúp đỡ lưu học sinh - "đại sứ" giữ gìn và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào
Ngày 18/7, đoàn đại biểu Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam do ông Khamoui Keomani - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, cố vấn Công ty Taio Lào, Chủ tịch Hội người Việt thủ đô Viêng Chăn, làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.
Cùng đi với đoàn có một số thành viên Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.
Ngoài ra, còn có đại diện Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Ông Khamoui Keomani, trưởng đoàn Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Khamoui Keomani - trưởng đoàn đại biểu Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, cho biết, hơn nửa thế kỷ qua, Đại học Thái Nguyên, trong đó có trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, đã trở thành cái nôi đào tạo cho đất nước Lào nhiều cán bộ cốt cán.
Ông Khamoui Keomani lưu ý vấn đề Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam rất quan tâm là học bổng dành cho các lưu học sinh Lào và nhấn mạnh đây là nguồn động viên, khích lệ các lưu học sinh Lào, để các em phấn đấu học tập, góp phần giữ gìn và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.
Qua đây, đại diện Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam mong trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban, ngành tạo điều kiện, giúp đỡ Lào giáo dục, rèn luyện nhiều lưu học sinh để các em trưởng thành, trở về xây dựng đất nước Lào, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Đại tá Trần Đình Dần - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào phát biểu (Ảnh: Nguyễn Tùng) |
Thay mặt Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Đại tá Trần Đình Dần - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội đánh giá, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào có 40 Hội thành viên ở các tỉnh, thành song ít có Hội nào hoạt động toàn diện, hiệu quả và thiết thực như Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên. Có được thành quả đó là nhờ các lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến công tác Hội và dành cho Hội sự ưu ái.
"Sự phối hợp của Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên với tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện để sau này các em trở về Lào, nhiều em được giữ vị trí công tác quan trọng trong các cơ quan của nước bạn", Đại tá Trần Đình Dần nhấn mạnh.
Chia sẻ về chủ trương của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Đại tá Trần Đình Dần cho biết, năm 2022 là Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Trung ương Hội triển khai nhiều nội dung công tác. Trong đó, Trung ương Hội đã họp và đánh giá về kết quả cuộc thi Hùng biện tiếng Việt. Năm nay Trung ương Hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT triển khai cuộc thi sâu rộng hơn, toàn diện hơn. Đại tá Trần Đình Dần mong Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với Trung ương Hội trong các kỳ thi sắp tới, đồng thời tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng chương trình Homestay.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Đánh giá cao chương trình Homestay được Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên triển khai nhằm tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng tiếng Việt, trao đổi ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam cho sinh viên Lào đang sinh sống và học tập tại Thái Nguyên, Đại tá Trần Đình Dần nhấn mạnh, đây là chương trình ươm mầm hữu nghị, tạo ra đội ngũ trí thức gắn bó với Việt Nam lâu dài trong tương lai. Đặc biệt, trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, việc quan tâm tới sinh viên Lào, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập là việc hết sức quan trọng.
Thay mặt Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, ông mong muốn trong những năm tới Thái Nguyên tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong việc đào tạo các lưu học sinh Lào, không chỉ về kiến thức mà còn quan tâm hơn để các em thấu hiểu văn hóa Việt Nam, gắn bó với văn hóa Việt Nam và cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng bền chặt hơn.
"Chúng tôi rất mong các thầy cô giáo không chỉ dạy các em về kiến thức mà còn quan tâm tới đời sống của các em nhiều hơn, nhất là các em thuộc diện học tự túc", Đại tá Trần Đình Dần nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn đại biểu Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt đã gặp gỡ các lưu học sinh Lào đang học tập tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và thăm cơ sở vật chất của trường.
PGS.TS Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho biết, thành lập năm 1966, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có sứ mạng đào tạo giáo viên các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và các nước, trong đó có lưu học sinh Lào.
Cho đến nay, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đào tạo gần 2.000 lưu học sinh, nghiên cứu sinh cũng như thạc sĩ đã bảo vệ thành công luận văn tại trường. Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là trường đại học đầu tiên đào tạo giáo viên mầm non có trình độ đại học cho Lào (từ năm 2011) và trường cũng vừa bế giảng khóa đào tạo tiếng Việt cho 22 lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam. Ngoài đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho các lưu học sinh Lào, trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các lưu học sinh. Lưu học sinh sau khi học 10 tháng học tiếng Việt tại trường và đạt chứng chỉ tiếng Việt theo quy định được Bộ GD-ĐT cho phép học đại học và sau đại học tại tất cả các trường trong cả nước. Với những đóng góp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Lào, tháng 2/2022, chính phủ Lào đã tặng Huân chương hữu nghị cho trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Đây là lần thứ hai trường vinh dự được trao tặng huân chương này (lần đầu vào năm 2016 - PV). Ngoài học bổng chính phủ dành cho lưu học sinh, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên còn dành các suất học bổng cho các trường đại học, cao đẳng có lưu học sinh đến học tập tại trường, học tiếng Việt trong những năm đại học và sau đại học tại trường. Qua buổi làm việc với Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam, nhà trường mong muốn có sự chia sẻ, kết nối để ngày càng có nhiều lưu học sinh Lào đến trường học tập tiếng Việt và đào tạo trở thành giáo viên. |