Phó Thủ tướng: Tổng hội Y học Việt Nam cần tiến tới chủ trì đánh giá chất lượng, dịch vụ bệnh viện
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa của Thủ tướng Chính phủ cho Tổng hội Y học Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, người lao động ngành y tế, y bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Phó Thủ tướng cho rằng thời gian qua, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phản biện, xây dựng chính sách; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
“Vai trò của Tổng hội và các hội thành viên ngày càng quan trọng và sự phối kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng rõ nét. Đây là xu hướng chung của thế giới. Vừa rồi Tổng hội tham gia vào đánh giá chất lượng, xếp hạng bệnh viện nhưng tiến tới Tổng hội phải chủ trì việc này”, Phó Thủ tướng nói.
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Tổng hội Y học Việt Nam là hội nghề nghiệp với 48 hội chuyên ngành và 54 hội các tỉnh, thành phố. Từ khi thành lập đến nay, Tổng hội đã quy tụ được gần 200.000 hội viên; trong đó có nhiều chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, bác sĩ chuyên khoa. Năm 2017, Tổng hội đã phối hợp với các hội chuyên ngành và cơ quan thông tin, truyền thông tổ chức tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của cán bộ y tế, hiểu biết của người dân về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.
Tổng hội Y học Việt Nam đã tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thành lập các đoàn giám sát về việc chấp hành luật tại các cơ sở y tế; thành lập hội đồng đánh giá việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Tổng hội đã thành lập 7 đoàn đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí của Bộ Y tế; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các lớp tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng ở các tỉnh, thành phố về y đức, y nghiệp, xử trí các sự cố y khoa...
(Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các hội viên của Tổng hội, với kinh nghiệm tham gia quản lý nhiều bệnh viện, tham gia góp ý, kiến nghị về cơ chế chính sách để thực hiện cơ chế tự chủ, trước hết tại những bệnh viện lớn, có điều kiện, tổ chức bộ máy tốt, chuyên môn tốt; phát triển các chuỗi bệnh viện để giải quyết bài toán thiếu điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh dẫn đến tỉ lệ lây nhiễm chéo cao, gia đình bệnh nhân tốn kém chi phí, gây mất trật tự bệnh viện…
“Đây là thách đố và cũng là cơ hội mà Tổng hội cần tham gia tích cực để Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan vượt qua chính mình”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Thời gian tới, Tổng hội cần tiếp tục phát triển hội viên, thực sự đại diện cho những người đang công tác trong ngành y tế; nâng cao chất lượng các tạp chí nghiên cứu y khoa, tham gia nhiều hơn vào hoạt động đào tạo nhân lực y tế theo hướng đổi mới như các nước phát triển; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục phổ biến kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trên cơ sở tận dụng uy tín học thuật, chuyên môn của các hội viên.
“Tổng hội, các hội viên cần góp sức để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người thầy thuốc Việt Nam, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của các y bác sĩ, thực sự là "lương y như từ mẫu", là những người trí thức”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Phó Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Ảnh: VGP)
Cùng ngày, thăm, làm việc với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, “nhiều y bác sĩ là hội viên của Hội Chữ thập đỏ, các chương trình hỗ trợ hàng triệu gia đình chính sách, đối tượng khó khăn đã góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân”.
“Trong xã hội, hơn lúc nào hết chúng ta cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hy sinh vì người khác, đúng với tôn chỉ mục đích, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Thủ tướng nói.
Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện các hoạt động thiết thực đang triển khai, đặc biệt là phong trào hiến máu tình nguyện để góp phần xây dựng xã hội an lành, ấm no cho người dân... Chính quyền các cấp cần nhận thức đúng hơn, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ.
Trước nhiều vụ việc đuối nước thương tâm vừa qua, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ sớm phối hợp tập huấn, cấp chứng chỉ sơ cứu đuối nước cho các hội viên của hội để họ có thể phát huy hiệu quả hơn trong công tác này.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu nêu rõ: Năm 2017, Trung ương Hội đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động mang tính thương hiệu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; dự án “Ngân hàng bò”; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... Công tác xã hội nhân đạo năm 2017 của các cấp hội đạt trên 3.000 tỷ đồng (tăng 400 tỷ so với năm 2016), trợ giúp trên 8 triệu lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người khuyết tật.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng đã được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai thông qua tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, huấn luyện và hỗ trợ sơ cấp cứu, phối hợp khám chữa bệnh nhân đạo, nước sạch và vệ sinh... Đồng thời, Hội còn tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyê%3ḅn trên toàn quốc; đã tiếp nhận trên 1 triệu đơn vị máu (tăng gần 8,5% so với năm 2016); trong đó 98% là hiến máu tình nguyện, tương đương 1,6% dân số hiến máu. Trung ương Hội đã triển khai 20 chương trình, dự án về phòng ngừa và ứng phó thảm họa thiên tai...
Theo VGP