Phim có đường lưỡi bò ra rạp, bà Hồng Ngát thừa nhận có sai sót
Hội đồng duyệt phim có "đường lưỡi bò" thừa nhận sai sót
Liên quan đến bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" có xuất hiện một số hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc nhưng vẫn được phát hành ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia và là người duyệt bộ phim nêu trên, thừa nhận sai sót. Bà cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm và sẵn sàng chịu phạt.
Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong bộ phim Everest: Người tuyết bé nhỏ gây tranh cãi. |
Phim Everest: Người tuyết bé nhỏ (tựa gốc: Abominable), là phim hoạt hình của hãng DreamWorks Animation hợp tác với Trung Quốc, bối cảnh phim tại Trung Quốc. Phim có lịch phát hành thức tại rạp Việt Nam trên hệ thống cụm rạp CJ-CGV từ ngày 4/10 với kinh phí đầu tư khoảng 75 triệu USD.
Sau khoảng 10 ngày phim ra rạp, một số khán giả tinh ý phát hiện ra tác phẩm hoạt hình chứa đựng tấm bản đồ có in hình “đường lưỡi bò” trong vài phân cảnh phim.
Theo đó, hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim, 2 cảnh có trong trailer. Còn 2 cảnh trọn vẹn và hiện lên rõ ràng ở đoạn hình ảnh những chiếc trực thăng của ông trùm Burnish tìm thấy người tuyết trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung “căn cứ” bí mật của cô bé, khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra. Trên bản đồ hiện rõ “đường lưỡi bò”.
Ngay sau phát hiện này, bộ phim ngưng chiếu tại tất cả các rạp Việt Nam từ ngày 13/10.
"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. |
Chia sẻ thêm trên báo VOV, bà Ngát nói: “Trong quá trình kiểm duyệt bộ phim “Everest: Người tuyết bé nhỏ”, chúng tôi đã theo dõi rất kỹ, từ nhân vật, lời thoại… Hội đồng nghĩ rằng đó là phim hoạt hình thần thoại dành cho thiếu nhi nên có những lúc xao nhãng, không chú ý, dẫn đến việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trên bức tường nhân vật đi qua”.
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia thừa nhận sai sót trong việc duyệt phim có "đường lưỡi bò". |
Bà Ngát cũng giải thích, một năm, Hội đồng phải kiểm duyệt hàng trăm bộ phim. Đã làm thì khó tránh khỏi sai sót. Đặc biệt, với các bộ phim có dính đến yếu tố Trung Quốc, các thành viên Hội đồng đều bảo nhau phải xem cẩn thận, nhưng lần này không hiểu sao lại để bộ phim hoạt hình này qua mắt.
Trước đó, trả lời báo chí, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà cũng nhận trách nhiệm về sự việc, đồng thời phối hợp với nhà phát hành để ngưng chiếu phim. “Chúng tôi sẽ cảnh giác và thận trọng hơn trong những lần duyệt sau” bà nói.
Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh giải thích rằng, bản thân nhà sản xuất cũng như người làm phim có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng phiên bản trình duyệt chỉ có 1. Hiện tại Cục sẽ kiểm tra lại bản chương trình duyệt sau đó mới có các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết hiện nay Cục Điện ảnh đang kiểm tra thông tin và mọi thứ đều phải làm theo quy trình, chưa thể phát ngôn gì thêm. Hôm nay 14/10 Bộ VHTTDL sẽ làm việc với Cục Điện ảnh và sẽ có thông tin chính thức trong thời gian sớm nhất.
Không phải lần đầu để lọt hình ảnh liên quan đến chủ quyền biển đảo
Đây không phải lần đầu nhà phát hành và Cục Điện ảnh để lọt ra rạp hình ảnh liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Hồi tháng 3/2018, phim Điệp vụ Biển Đỏ đã phát đi thông tin sai lệch rằng biển Đông là của Trung Quốc. Theo đó, vào khoảng 2 phút cuối của bộ phim hiện lên hình ảnh một vùng biển với chú thích “Nam Hải” (cách mà Trung Quốc gọi Biển Đông). Tại đó xuất hiện một con tàu không rõ quốc tịch, bị bao vây bởi các tàu chiến và hải giám Trung Quốc.
2 phút cuối của phim Điệp vụ Biển Đỏ gây tranh cãi vì lạc điệu, không liên quan đến nội dung phim mà chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền chủ quyền biển Đông. Phim sau đó cũng bị ngừng chiếu tại Việt Nam dù Bộ kết luận phim không liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo |
Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc, và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển. Vấn đề là đoạn này lạc điệu, không thực sự liên quan đến nội dung phim trước đó và chỉ nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền lệch lạc, hiếu chiến về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Sau luồng thông tin trái chiều liên quan tới bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Cục Điện ảnh kiểm tra quy trình phát hành và kiểm duyệt bộ phim.
Theo kết luận, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hài Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
Bộ cho rằng toàn bộ phần hình ảnh, âm thanh và lời thoại kể trên không có căn cứ để kết luận rằng Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, bộ phim vẫn ngừng chiếu trên toàn quốc từ tối 24/3/2018 vì lý do vắng khách và muốn tập trung cho các tác phẩm khác.