Ông Tam Asanzo kể thời hàn vi, mong vượt qua "tâm bão"
Công an, Hải quan, Ban chỉ đạo 389...làm rõ đúng sai của Asanzo Asanzo chính thức kiện báo Tuổi trẻ, đòi bồi thường Kiểm tra gần 30 doanh nghiệp liên quan đến vụ Asanzo |
CEO Asanzo trải lòng về sản phẩm cho những người tiêu dùng bị bỏ quên
Giữa tâm bão về dư luận, ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo, đã có những lời gan ruột, trải lòng về quá trình khởi nghiệp, những sản phẩm rất đặc thù cho những miền đất đặc biệt. Theo ông Tam, sau những chuyến đi buôn ở chợ nổi miền Tây, bán hàng tận miền núi phía Bắc hay vùng đất Tây Nguyên thì vào năm 2013, những chiếc tivi 18-20 inch đầu tiên sử dụng dòng điện 12V từ Ac-quy được bán ra cho người tiêu dùng và nhận lại từ họ những cái gật đầu đó là khởi nguồn cho hoạt động của Asanzo về sau.
CEO Asanzo cho rằng doanh nghiệp của họ và những đơn vị khác cần được khuyến khích bởi đang kiếm tìm một "ngõ hẹp" để đi, kiếm một đối tượng khách hàng bị bỏ quên để phục vụ. Những chiếc tivi của Asanzo cũng rất đặc biệt và không giống bất kỳ một thương hiệu nào khác bởi được "may đo" cho từng vùng miền, thị hiếu khác nhau. Những con người ở vùng đất thiếu thốn điện lưới phải dùng ắc-quy, pin năng lượng mặt trời cũng có nhu cầu được giải trí, nhu cầu được nắm bắt thông tin và Asanzo tạo ra những sản phẩm phục vụ những nhu cầu thiết yếu ấy.
Khởi nghiệp với 500m2 nhà xưởng để lắp ráp những chiếc ti vi 18-20 inch đầu tiên đưa đến những con người quanh năm buôn bán trên sông nước miền Tây đến nay doanh nghiệp này đã có 2.000 nhân viên trong đó có 600 nhân sự gắn với việc lắp ráp, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Asanzo. CEO Asanzo cũng chia sẻ về nhà máy Asanzo với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng sắp đi vào hoạt động tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh cùng việc lắp đặt dây chuyền láp ráp có công suất 1 tivi/phút, tự sản xuất bo mạch điện tử, nâng cấp phòng thiết kế thành bộ phận R&D tiến tới hợp tác sản xuất màn hình OLED... để khẳng định được rằng "một người đi buôn có thể sản xuất ra được đồ điện tử".
Chia sẻ thêm về những vấn đề lùm xùm với truyền thông trong thời gian qua, ông Tam liên tục khẳng định "Doanh nghiệp tôi sai tôi chịu, chúng tôi luôn thượng tôn pháp luật. Sau thời điểm "tâm bão" này Asanzo vẫn tiếp tục phát triển, tôi vẫn tâm huyết với Asanzo".
CEO Asanzo Phạm Văn Tam trải lòng về sản phẩm cho những người tiêu dùng bị bỏ quên. |
"Hãy để doanh nghiệp sống để chờ kết luận!"
Đó là chia sẻ của ông Phạm Ngọc Hưng - Người giới thiệu là tư vấn truyền thông và marketing Asanzo trong buổi sinh hoạt chuyên đề. Ông Hưng cũng viện dẫn những nghị định của chính phủ ban hành để nhấn mạnh việc Asanzo được quyền ghi xuất xứ Việt Nam lên dòng sản phẩm tivi. Theo vị này thì thiết kế và thương hiệu mới là thể hiện được xuất xứ của hàng hóa đồng thời nêu ra 4 bước đi rõ ràng mà Asanzo đang theo đuổi đó là việc xâm nhập phân khúc thấp tiến tới tối đa hóa thị phần rồi mới chuyển sang giai đoạn tối đa hóa lợi nhuận. Cuối cùng khi đã đủ tiềm lực Asanzo mới lấn sân sang phân khúc cao bằng việc đầu tư cho công nghệ, nghiên cứu, phát triển...
Theo ông Hưng, kể từ nghi Asanzo dính đến nghi vấn hàng Việt "đội lốt" hàng Trung Quốc, doanh nghiệp này đã gặp phải vô vàn khó khăn khi hệ thống bán hàng tê liệt, dây chuyền vẫn phải hoạt động để duy trì hoạt động của nhân viên trong khi mỗi tháng phải chịu chi phí lên tới 30 tỷ đồng mà không có nguồn thu. Trước khi kết thúc phần chia sẻ của mình, ông Hưng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp Asanzo mong mỏi cơ quan chức năng thống nhất giữ cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trong lúc chờ kết luận. Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn như quản lý thị trường, hải quan không có động thái làm các nhà bán lẻ lo lắng cũng như việc xuất nhập khẩu hàng hóa được diễn ra bình thường.
Theo Asanzo, doanh nghiệp này gần như tê liệt sau nghi vấn hàng Việt "đội lốt" hàng Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Góc nhìn chuyên gia về xuất xứ hàng hóa
Dưới góc độ kỹ thuật, một chuyên gia kinh tế chia sẻ rằng với các hiệp định thương mại tư do cũ, xuất xứ hàng hóa liên quan đến công đoạn gia công chế biến đơn giản và chuyển đổi cơ bản.
Cụ thể, nếu vi phạm một trong các công đoạn gia công chế biến đơn giản thì dù nhà sản xuất đó có vượt qua ngưỡng hàm lượng giá trị khu vực RVC 40% (Regional Value Content) hoặc đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa vẫn không thể có giấy chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên công đoạn gia công chế biến đơn giản tùy thuộc đặc thù của từng khu vực mậu dịch tự do. Có những khu vực mậu dịch tự do liệt kệ các tiêu chí rất ngắn (thuận lợi cho doanh nghiệp) nhưng cũng có những khu vực lại đưa ra danh sách rất dài buộc doanh nghiệp phải vượt qua tất cả các tiêu chí này.
Hiện nay hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bãi bỏ các công đoạn gia công chế biến đơn giản tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp hơn rất nhiều khi chỉ cần đạt tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa cũng như đạt giá trị RVC trên 40% là đủ điều kiện nhận giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Chỉ cần chứng minh chuyển đổi mã HS là đã có công đoạn chuyển đổi cơ bản và đạt được giấy chứng nhận xuất xứ.
Về dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Có một ví dụ khác đó là với RVC 40% trong ASEAN thì sản phẩm có 20% giá trị Thái Lan, 10% Philippines, 5% Lào, Việt Nam sẽ được coi là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định tỷ lệ giá trị gia tăng 30% là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam, chưa tính những giá trị khác. Như vậy, theo dự thảo thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Vị này cũng chia sẻ thêm hãy quen với việc "Made in the region" (sản xuất trong khu vực), "Made in the world" (chuỗi sản xuất toàn cầu) mà đừng nghĩ là "Made in one single country" (Sản xuất tại một quốc gia), không nước nào làm ra được từ đầu tới cuối để ra thành phẩm hoàn chỉnh.
Kiểm tra gần 30 doanh nghiệp liên quan đến vụ Asanzo |
Ông chủ Asanzo gửi thư ngỏ giãi bày khó khăn |
Video: Khách hàng được đổi sản phẩm Asanzo sang hãng nào nếu không vừa ý? |