Nữ điều dưỡng cứu du khách Ấn Độ bị ngưng tim ở Đà Nẵng
Sự việc xảy ra tối 24/3 một du khách đột ngột ngã gục trong nhà hàng B.T (đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Thời điểm đó, vị khách xuất hiện choáng, đi loạng choạng, mất phương hướng, ngã quỵ xuống đất, ngừng tim, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ.
Trao đổi với báo chí, chị Hạ cho biết tối hôm đó chị có chuyến bay từ Đà Nẵng về lại Hà Nội sau chuyến du lịch, nhưng lại bị hoãn đến 0h. Trong thời gian chờ đến giờ ra sân bay, chị Hạ cùng bạn bè tranh thủ ăn tối tại nhà hàng B.T. Khi đang dùng bữa, nữ điều dưỡng thấy một người nước ngoài bước đi loạng choạng, khó thở nên tới xem. "Vợ người đàn ông ôm chặt lấy đầu ông và đỡ ngồi vào ghế, tôi nhận thấy ông mất ý thức rất nhanh", điều dưỡng Hạ kể.
Hình ảnh nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu du khách tại nhà hàng. (Ảnh cắt từ video) |
Phản xạ của người làm cấp cứu nhiều năm, chị Hà lập tức bắt mạch, thấy da lạnh, đồng tử giãn, không thấy mạch, tiểu tiện không tự chủ, ngừng tuần hoàn.
“Ép tim”, chị Hạ hô lên, một bạn trong nhóm là nhân viên y tế ra hỗ trợ đặt người đàn ông nằm xuống. Vợ nam du khách không biết tiếng Việt nên vẫn ôm chặt chồng. Chị giằng người đàn ông ra khỏi tay người vợ, nhẹ nhàng đặt ông nằm trên nền cứng và bắt ép tim liên tục. Sau 2 phút, bệnh nhân có mạch tim trở lại. Một điều dưỡng trong đoàn nhanh chóng gọi cấp cứu 115.
Bệnh nhân là ông Narinder (người Ấn Độ) đi du lịch cùng vợ tại Đà Nẵng. Ông có tiền sử mạch vành, phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Hiện sức khoẻ người đàn ông đã ổn định và trở về nước điều trị.
7 năm làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9, chứng kiến nhiều ca ngừng tim, ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ngay trong phòng bệnh, nhưng đây là lần đầu tiên chị gặp tình huống cấp cứu ngoài cộng đồng. "Tình huống như trong phim”, chị Hạ nói.
Theo lời kể của anh Trần Lê Nguyên Vũ - quản lý nhà hàng B.T, giữa lúc ai cũng mất bình tĩnh và hoang mang thì nữ điều dưỡng Hạ rất bình tĩnh, hỗ trợ giúp khách trở lại bình thường.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, bệnh nhân đã tỉnh táo, không để lại bất cứ di chứng nào về thần kinh, vận động do được cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời.
Ông đánh giá trường hợp người đàn ông ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng sẽ khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng A9 có mặt tại đó cấp cứu.
"Thật tự hào khi nhân viên y tế dù có mặt ở bất cứ đâu, bệnh viện hay cộng đồng đều có thể cứu người", ông Cơ nói và cho biết đã đề nghị Trung tâm cấp cứu A9, cùng Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, Bộ môn hồi sức phối hợp đào tạo cấp cứu ngoại viện trong cộng đồng, thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cứu sống.