Nới trần làm thêm giờ song phải đảm bảo an toàn lao động
Giải pháp cần thiết, kịp thời
Ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Theo nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ; số giờ làm thêm trong 1 tháng trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/4/2022.
Trừ các trường hợp: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...
Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 được coi là một giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi mà toàn bộ nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn, công ty cần được hỗ trợ khi mà có những nơi số lao động mắc COVID-19 là 20%, thậm chí lên tới 70% dẫn tới thiếu hụt lao động cục bộ.
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động cục bộ vì dịch COVID-19 (Ảnh minh họa) |
Ví dụ như các doanh nghiệp dệt may, da giày. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lao động bị giảm 30 - 50% trong khi vẫn cần bảo đảm đơn hàng. Nếu không có chính sách để doanh nghiệp phục hồi thì dễ dẫn đến nguy cơ làm chậm đà phát triển kinh tế, kém hấp dẫn trong thu hút đầu tư và có thể doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư sang nước khác có cơ chế tốt hơn.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp lẫn người lao động cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian ngừng việc. Nhu cầu làm thêm hơn 40 giờ/tháng và từ hơn 200 - 300 giờ/năm, không bị giới hạn ở một số ngành nghề, công việc.
Về phía người lao động, theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ, TB-XH), qua khảo sát, đa số đồng tình và muốn tăng giờ làm thêm. Boanh nghiệp ngừng làm việc thì người lao động cũng ngừng việc, thậm chí nhiều người phải về quê vì không có việc.
Đảm bảo an toàn lao động trong bối cảnh hậu COVID-19
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp nới trần làm thêm giờ được cả doanh nghiệp lẫn người lao động hồ hởi đón mừng bởi sự cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần tính đến yếu tố rất quan trọng khác là sức khỏe của người lao động bị giảm sút hậu COVID-19. Nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ, mất tập trung, hô hấp kém…
Mục tiêu lâu dài vẫn là ứng dụng khoa học – công nghệ để tăng năng suất, tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động. Vì thế, nới trần làm thêm giờ chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Việc áp dụng cũng không bắt buộc và cần phải có sự chấp thuận của người lao động.
An toàn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình lao động, sản xuất (Ảnh minh họa) |
Quy định làm thêm giờ phải phù hợp với thể chất của người lao động. Chế độ tiền lương giờ làm thêm cho người lao động phải được đảm bảo. Đồng thời, doanh nghiệp lưu ý cần tổ chức sản xuất, giám sát thanh tra kiểm tra, khám sức khỏe hậu COVID-19 cho người lao động…
Theo ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bối cảnh phục hồi kinh tế, câu chuyện đảm bảo việc làm cho người lao động rất cấp bách. Tạm thời, có thể nới trần làm thêm giờ song đến hết năm nay, sẽ quay trở lại theo quy định của Bộ luật Lao động. Kèm với đó là giải pháp đảm bảo quyền lợi, chế độ của người lao động trong làm thêm giờ.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, ép người lao động làm thêm quá nhiều, một số chuyên gia góp ý rằng cơ quan chức năng và tổ chức đại diện cho người lao động cần thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.
Chia sẻ về ý kiến này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xác định có vai trò rất lớn, có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở trong việc giám sát thực hiện quy định mới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Catalan, sức khỏe người lao động là yếu tố quan trọng để duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh thiếu hụt lao động cục bộ vì COVID-19. “Đặc thù dây truyền sản xuất gạch với lò nung nhiệt độ cao là không thể khởi động xong lại dừng, nên luôn cần có công nhân lao động để duy trì sản xuất. Do đó, chăm sóc sức khỏe cho người lao động luôn được doanh nghiệp quan tâm đặc biệt” – ông Nguyên nói.
Sang Australia làm nông nghiệp, người lao động phải đáp ứng yêu cầu gì? So với các thị trường tiếp nhận lao động khác, mức thu nhập ở Australia khá cao, tuy nhiên, điều kiện để xuất khẩu lao động sang Australia khá khắt khe. |
Lao động làm thêm ngày Giỗ Tổ, 30/4-1/5 được hưởng ít nhất 300% lương Người lao động làm thêm vào những ngày lễ, tết được hưởng lương ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường. |