Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng cao 9 tháng đầu năm
Hình minh họa.
Sau kỳ công bố BCTC quý III/2024, bức tranh hoạt động của các ngân hàng thương mại trong 9 tháng đầu năm đã dần hiện rõ. Mặc dù vẫn là một ngành có kết quả tích cực, tăng trưởng lợi nhuận tại nhiều ngân hàng bắt đầu chậm lại do các yếu tố vĩ mô chưa có cải thiện rõ rệt và doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.
Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 9%. So với chỉ tiêu tăng trưởng 15% cho cả năm 2024, cả hệ thống mới chỉ thực hiện được 60% kế hoạch dù đã đi qua 3/4 quãng đường. Điều này cũng cho thấy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi.
Tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong khi chất lượng tài sản cũng là một điều đáng lưu ý khi nợ xấu tại nhiều thành viên đang tăng nhanh.
Thống kê của chúng tôi từ số liệu BCTC quý III/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng ở mức gần 259,2 nghìn tỷ đồng, tăng tới 27,9% so với đầu năm.
Nam A Bank là một trong những ngân hàng có quy mô nợ xấu tăng nhanh nhất, tới hơn 56% trong 9 tháng đầu năm, lên 4.671 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (51,3%) và nợ có khả năng mất vốn (136%). Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng theo đó đã tăng lên 2,85% từ mức 2,11% hồi đầu năm.
Bac A Bank cũng chứng kiến tổng nợ xấu nội bảng tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt 1.375 tỷ đồng do nợ có khả năng mất vốn tăng gần 57% và nợ nghi ngờ tăng hơn 73%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đến cuối quý III đạt 1,33%, so với mức 0,92% đầu năm.
BIDV cũng chứng kiến nợ xấu tăng khá mạnh trong kỳ qua, với mức tăng hơn 49%, lên 33.386 tỷ đồng và hiện đang là ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống, xét theo con số tuyệt đối. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó bị kéo lên mức 1,71%.
Một loạt các ngân hàng khác cũng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay như VietBank (46,4%), Saigonbank (43,5%), ACB (40,6%),…
Nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ mở rộng của tổng dư nợ khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm tăng khá mạnh, từ 3,31% hồi đầu năm lên 3,61% kết thúc tháng 9/2024. Trong đó, có tới 25/29 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.
Đáng chú ý, có tới 11 ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức trên 3% như PGBank, ABBank, PVCombank, VIB …
Nhìn rộng ra toàn bộ hệ thống (bao gồm cả các các ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu), tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/7 Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng đã nhận định, nợ xấu đang có xu hướng tăng là một vấn đề cần lưu ý, mức độ tăng cũng khá cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành đã gần 5%.
Chưa dừng lại ở đó, vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng khó khăn theo thông tư 06/2024 và thông tư 02/2023.
Tại báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế đến 31/08/2024, đã có 72 tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 290.370 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 249.705 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/08/2024, có 226.764 khách hàng đang còn dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ được cơ cấu lại là 126.403 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, siêu bão Yagi đổ bộ vào đầu tháng 9 cũng gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền Bắc, mà theo thống kê sơ bộ của NHNN, đã ảnh hưởng đến 124 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trong khu vực. Điều này tiếp tục tạo sức ép lên chất lượng tài sản toàn hệ thống.