Những vụ "đạo văn" gây xôn xao dư luận tại Việt Nam
Mới đây, truyện ngắn “Biến mất” của Kai Hoàng đang tham dự cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động lại tiếp tục gây xôn xao khi bị phát hiện giống hệt với truyện ngắn “Những biển”, in trong tập "Cố định một đám mây" được xuất bản vào năm 2018 của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cả nội dung lẫn ý tưởng.
Điều đáng nói hơn nữa là, một trong những vị giám khảo của cuộc thi này không ai khác chính là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sự việc xảy ra khiến bi kịch "đạo văn" càng trở nên bi hài, khi thí sinh tham gia một cuộc thi viết lại "đạo văn" của giám khảo chấm thi.
Kai Hoàng từng giành được nhiều giải thưởng danh giá về truyện ngắn. |
Kai Hoàng, tên thật là Hoàng Tuấn Thanh, sinh ngày 14/8/1988. Anh từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và là hội viên hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu. |
Ở tuổi 31, có thể nói, Kai Hoàng chính là một trong những gương mặt tiêu biểu và danh giá của làng văn chương Việt Nam. Những dấu ấn đặc biệt mà anh để lại trong nền văn học nước nhà là một điều ít người có thể phủ nhận. Nhưng cũng chính điều đó lại càng khiến cho giới văn nghệ và bạn đọc thêm ngỡ ngàng khi anh vướng phải "bê bối" này.
Đạo văn từ lâu đã không còn là câu chuyện mới trong đời sống văn chương và cũng từng có không ít người phải trả giá đắt cho hành vi này. Thế nhưng, dường như đây vẫn luôn là một vấn nạn khó lòng kiểm soát. Ngoài Kai Hoàng còn có rất nhiều những vụ "đạo văn" gây xôn xao dư luận khác. Dưới đây là một số trường hợp tiêu biểu:
Bài thơ "Bạch lộ" của Phan Huyền Thư giống với tác phẩm "Buổi sáng" của Phan Ngọc Thường Đoan về cả tứ thơ, câu từ, cấu trúc
Theo thông tin được đăng tải trên báo VnExpress, vào năm 2015, bài thơ "Bạch lộ" của nhà thơ Phan Huyền Thư (in trong tập "Sẹo độc lập", phát hành năm 2014 và đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội) bất ngờ bị phát hiện giống cả về tứ thơ, câu từ hay ngay cả cấu trúc tác phẩm của bài thơ "Buổi sáng" do Phan Ngọc Thường Đoan sáng tác. Bài thơ được in trong tập "Đếm cát" phát hành vào năm 2003.
Sự việc này đã từng khiến giới yêu thơ xôn xao nhiều ngày dài bởi phần nội dung "bị" trùng lặp giữa hai bài thơ khá nhiều. Thế nhưng, hành động nhất quyết khẳng định sáng tác của mình ra đời vào năm 1996 nhà thơ Phan Huyền Thư càng khiến dư luận thêm phẫn nộ. Mọi chuyện chỉ chính thức khép lại khi nữ tác giả công khai gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và thừa nhận rằng bài thơ "Bạch lộ" ra đời sau bài "Buổi sáng" vào ngày 22/10/2015.
Sau vụ "đạo văn" đáng buồn xảy ra đối với Phan Huyền Thư, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng từng chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên các tác phẩm của chị bị "sao chép" mà trước đó, bài thơ "Nghĩ về hoàng hôn mẹ" cũng từng được đăng trên một nhật báo lớn bởi một tác giả khác.
Vụ "đạo văn" liên quan đến nhà thơ Phan Huyền Thư chính thức khép lại khi nữ tác giả công khai gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, đồng thời thừa nhận rằng bài thơ "Bạch lộ" ra đời sau bài "Buổi sáng" vào ngày 22/10/2015. |
Tác giả Hữu Thịnh "sao chép" truyện ngắn "Buổi sáng biến mất" của Ngô Phan Lưu
Trước đó, vào năm 2012, tác giả Ngô Phan Lưu cũng từng bị kéo vào vấn nạn "đạo văn" khi tác phẩm mang tên "Buổi sáng biến mất" từng đoạt giải nhất cuộc thi do báo Văn Nghệ và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2007 bị tác giả Hữu Thịnh ở Hòa Bình đăng lại trên báo Văn Nghệ.
Vị tác giả mới xuất hiện ở tỉnh Hòa Bình này thực sự gây phẫn nộ đối với người đọc khi chỉ đổi tên người và địa điểm trong tác phẩm, thản nhiên biến công sức và chất xám của người khác thành của mình một cách thiếu tự trọng.
Nhà văn Ngô Phan Lưu được nhiều người yêu mến gọi bằng cái tên "Nhà văn nông dân". Ông nổi tiếng với một số tác phẩm như: "Cơm chiều", "Con lươn chép miệng", "Xoa tay và cười",... |
Tác giả Phạm Minh Phong sử dụng gần như trọn vẹn truyện ngắn "Máu của lá", in trong tập "Người sót lại của rừng cười" của nhà văn Võ Thị Hảo
Vào năm 2005, cộng đồng yêu văn thơ Việt Nam cũng từng một lần xôn xao khi truyện ngắn "Máu của lá" - tác phẩm được viết từ năm 1992 bởi nhà văn Võ Thị Hảo, in trong tập "Người sót lại của rừng cười" (NXB Phụ Nữ 2005) bị tác giả Phạm Minh Phong sử dụng để đăng tải trên báo Văn Nghệ. Điều đáng nói ở đây là Phạm Minh Phong đã sử dụng gần như trọn vẹn tác phẩm và chỉ thay đổi tên nhân vật.
Sự việc này "chấn động" dư luận trong một thời gian khá dài, gây bức xúc không chỉ đối với nhà văn Võ Thị Hảo, khiến nhà văn từng phải lên tiếng gay gắt: "Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm... Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên", VnExpress đưa tin.
Nhà văn Võ Thị Hảo nhấn mạnh tác hại của việc "đạo văn": "Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc." |
Nhiều năm qua, tình trạng "đạo văn" có dấu hiệu lặp đi lặp lại trong làng viết Việt Nam. Thế nhưng, vấn nạn này thực sự trở nên đáng báo động khi người có hành vi này không còn chỉ là những tác giả vô danh nữa mà thay vào đó là hàng loạt những nhà văn, nhà thơ từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá.
Dẫu rằng ở nước ta chưa có một chế tài nào cụ thể để xử lý nghiêm minh đối với hành vi này, nhưng cái danh hào nhoáng trong phút chốc chắc chắn sẽ bị trả giá bằng chính danh dự, nhân phẩm của người vi phạm vào điều tối kị trong nền văn học này.
Xem thêm
Đạo văn – hành vi hủy hoại sự nghiệp và danh tiếng Chẳng có lời biện hộ nào thỏa đáng khi truyện ngắn của Kai Hoàng như bản copy về nội dung và ý tưởng truyện ngắn ... |
Tìm hiểu khoa học qua 6 tác phẩm văn học kinh điển TĐO - NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt 6 cuốn sách đầu tiên trong tủ sách “Tìm hiểu khoa học qua tác phẩm văn ... |
NXB Kim Đồng ra mắt ấn bản mới 4 tác phẩm văn học kinh điển thế giới TĐO - NXĐ Kim Đồng vừa ra mắt độc giả ấn bản mới 4 tác phẩm văn học kinh điển thế giới, được đầu tư ... |