Chuyển ngữ văn học Ý: Hoa hồng và chông gai
Thần khúc, Cuộc phiêu lưu của chú Hành, Chú bé người gỗ Pinoccio, Những chuyến du hành của Marco Polo, Những tấm lòng cao cả... là những tác phẩm văn học Ý đã làm say mê nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Những năm trở lại đây, văn học Ý tiếp tục tạo được nhiều ấn tượng sâu đậm với độc giả Việt Nam, thông qua những tác phẩm chuyển ngữ của các dịch giả trẻ.
Quang cảnh buổi tọa đàm về vấn đề chuyển ngữ văn học Ý sang tiếng Việt ngày 8/5. Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Ý tại Việt Nam, bà Cecilia Piccioni (thứ hai, từ phải qua). Ảnh Phi Yến
Năm 2017, cuốn tiểu thuyết Vùng cách ly gần 400 trang của nhà văn Lorenzo Angeloni, nguyên Đại sứ Ý tại Việt Nam được ra mắt trong khuôn khổ Những ngày Văn học Châu Âu. Đây là cuốn sách được nhận định là “một cuốn tiểu thuyết mang giá trị nghệ thuật cao với phong cách viết tuyệt vời” theo Marco Brunacci, Tổng biên tập tờ Messaggero (Ý).
Lấy bối cảnh là dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) tại Việt Nam vào năm 2003, cuốn sách khắc họa những gương mặt, những số phận sống trong lo âu thấp thỏm giữa lòng Hà Nội. Vùng cách ly thu hút người đọc qua kết cấu được trau chuốt kỳ công, kết hợp giữa yếu tố trinh thám và tình cảm, hàm chứa ý nghĩa nhân văn qua những câu chuyện về quá trình chống lại bệnh dịch, lồng ghép thêm nhiều vấn đề khác như văn hóa, xã hội, kinh tế, kết hợp với sự quan sát tinh tế của người viết về đời sống, thiên nhiên Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2012, văn học Ý cũng gây tiếng vang tại Việt Nam khi nhiều tác phẩm đặc sắc của quốc gia này được dịch sang tiếng Việt như tiểu thuyết trinh thám đạt giải thưởng văn học uy tín Premio Bancarella Quá khứ là miền đất lạ (Gianrico Carofiglio); nhật ký hành trình được coi là “cây cầu nối liền hai nền văn hóa, hai thành phố ở hai đất nước cách xa nhau 24.000 km Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn (Giorgio Beetinell); và tiểu thuyết Tên của đóa hồng của bậc thầy văn học, triết học hiện đại Umberto Eco đưa người đọc về khoảnh khắc lịch sử ngàn năm của thời Trung Cổ cô đọng lại chỉ còn 7 ngày.
Tuy nhiên, trong dòng văn học dịch, số lượng tác phẩm văn học Ý vẫn chỉ chiếm một vị trí khá khiêm tốn, giữa “rừng” các tác phẩm đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc.
Làm sao để lan tỏa được nét đẹp của văn học Ý tại Việt Nam, thông qua việc nâng cao chất lượng dịch thuật, là vấn đề được thảo luận trong một buổi tọa đàm giữa các dịch giả, đại diện các nhà xuất bản và Đại sứ quán Ý được tổ chức vào ngày 8/5 tại Trung tâm văn hóa Ý (Casa Italia), trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ văn học Châu Âu 2018.
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, các dịch giả, đồng thời là giảng viên khoa tiếng Ý, trường Đại học (ĐH) Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về công việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học của mình, tập trung vào những thách thức trong công tác biên dịch và những giải pháp khắc phục.
Theo các dịch giả, trong quá trình truyền tải văn học nước bạn đến với người đọc trong nước, họ phải vượt qua không ít thử thách về mặt chuyên môn.
Một trở ngại nói chung khi dịch các tác phẩm tiếng Ý sang tiếng Việt là do sự cách biệt về hệ thống ngôn ngữ Việt - Ý, khi tiếng Việt là "ngôn ngữ đơn lập", còn tiếng Ý là "ngôn ngữ chắp dính", có sự khác biệt rõ rệt về cấu tạo từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, nhiều khi dẫn đến tình trạng khó tìm được từ đồng nghĩa trong quá trình dịch. Ví dụ, một từ trong tiếng Ý khi thay đổi yếu tố tiền tố/hậu tố thì sắc thái ý nghĩa thể hiện đã khác, dịch giả Phạm Bích Ngọc cho biết.
Dịch văn xuôi đã khó, chuyển ngữ thơ, ca dao hay những tác phẩm có nhiều thuật ngữ, thổ ngữ địa phương còn khó khăn gấp bội. Trong khi đó, dịch văn học lại yêu cầu bản dịch bám sát nội dung tác phẩm, giữ trọn vẹn hồn cốt song vẫn cần có sự uyển chuyển, linh hoạt để điều chỉnh nội dung cho phù hợp với độc giả Việt Nam, dịch giả Trần Hồng Hạnh, người từng có kinh nghiệm với các tác phẩm yêu cầu khối lượng kiến thức đồ sộ như Vùng cách ly, Có được là người, cho biết.
Dịch giả Trần Hồng Hạnh chia sẻ kinh nghiệm dịch văn học Ý. Ảnh Phi Yến.
Để hạn chế những sai khác đến mức tối đa, cũng như đem đến cho độc giả một tác phẩm dịch có chất lượng, theo dịch giả Trần Hồng Hạnh, người dịch có thể cân nhắc tham khảo những bản dịch bằng những ngôn ngữ khác mà mình biết, "nghiền ngẫm" thật nhiều những tác phẩm cùng thể loại để có thể "ngấm" nhuần nhuyễn văn phong của dòng văn học mình dịch, và bên cạnh đó là tận dụng các công cụ tra cứu trên mạng Internet khi gặp các khái niệm khó, các thuật ngữ.
Còn theo dịch giả Phạm Bích Ngọc, người từng chuyển ngữ Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn, để khắc phục khó khăn trong quá trình dịch thuật do khác biệt về hệ thống ngôn ngữ, người dịch cần đọc kỹ tác phẩm để tìm hiểu bối cảnh, mối quan hệ giữa các nhân vật, để chọn từ ngữ phù hợp trong quá trình chuyển ngữ.
Việc hòa mình vào môi trường ngôn ngữ bản xứ cũng là một lợi thế, dịch giả Bích Ngọc cho biết. Cô chia sẻ, trong tác phẩm Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn, tác giả sử dụng khá nhiều ngôn ngữ địa phương của đảo Xi-xin. Chính nhờ vào khoảng thời gian 2 năm sống và làm việc trên hòn đảo này mà cô đã tích lũy được một vốn từ nhất định để không bỡ ngỡ khi gặp các thổ ngữ này.
Ngoài ra, Vespa du ký: Từ Roma đến Sài Gòn cũng là tác phẩm thách thức với rất nhiều những thuật ngữ âm nhạc xa lạ với dịch giả. Bích Ngọc cho biết, để vượt qua trở ngại này, cô đã tham khảo ý kiến của những người trong ngành là các sinh viên âm nhạc, để đảm bảo tính chuẩn xác khi chuyển ngữ.
Bên cạnh những thử thách về mặt chuyên môn, theo các dịch giả, việc chuyển ngữ văn học Ý cũng phải đối diện với những thách thức mang tính khách quan.
Thứ nhất, nhìn chung, thu nhập từ việc dịch sách rất khiêm tốn, không đủ để trang trải cho cuộc sống của dịch giả, trong khi cần đầu tư nhiều công sức, thời gian. Do vậy, đa số các dịch giả coi nghề dịch như một nghề tay trái, nên khó có thể toàn tâm toàn ý cho việc dịch do phải cân bằng thời gian với công việc chính.
Theo dịch giả Trần Thanh Quyết, Trưởng khoa Tiếng Ý ĐH Hà Nội, đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến các dịch giả chưa tập trung được vào một mảng văn học nhất định, chưa định hình được phong cách, sở trường dịch thuật của bản thân, mà vẫn lệ thuộc vào hợp đồng đặt hàng, chỉ định của các đơn vị xuất bản.
Bên cạnh đó, lực lượng dịch giả của sách văn học nói chung vốn dĩ đã hạn chế, với văn học Ý, đội ngũ này còn “mỏng” hơn rất nhiều, do cơ sở đào tạo ngôn ngữ tại Việt Nam còn khiêm tốn. Hiện tại, ĐH Hà Nội và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM vẫn là hai cơ sở duy nhất đào tạo hệ Cử nhân ngôn ngữ Ý. Trong khi đó, các tài liệu tham khảo, từ điển tiếng Ý vẫn còn nhiều hạn chế.
Thiếu nhân lực cũng trở thành rào cản đối với các nhà xuất bản (NXB) trong việc tiếp cận với văn học Ý và đưa những tác phẩm hay đến với độc giả Việt Nam. Đại diện NXB Kim Đồng chia sẻ, tuy đơn vị rất quan tâm tới dòng sách thiếu nhi Ý, nhưng do không có chuyên viên sử dụng được ngôn ngữ này, NXB phải dựa vào đội ngũ cộng tác viên hoặc thẩm định hợp đồng, tác phẩm qua ngôn ngữ trung gian, gây ra nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện.
Chính những thách thức đặt ra đã khiến cho văn học Ý tại Việt Nam chưa phát huy được trọn vẹn thế mạnh của mình, mặc dù đây là một nền văn học hết sức đa dạng về thể loại cũng như có chiều sâu về nghệ thuật, giá trị nhân văn.
Từ những thách thức kể trên, các dịch giả và đại diện các NXB đều có chung quan điểm mong muốn nhận được thêm những sự hỗ trợ từ phía ĐSQ Ý tại Việt Nam trong quá trình mua bản quyền cũng như dịch thuật, tiếp cận với các đơn vị xuất bản nước bạn, cũng như việc biên soạn một bộ từ điển hoàn chỉnh, cẩm nang thuật ngữ dành cho sinh viên sử dụng tiếng Ý.
Đánh giá cao vai trò của văn học trong việc truyền tải văn hóa và gắn kết con người giữa các quốc gia, đại diện ĐSQ Ý đã hoan nghênh những chia sẻ có tính thực tế, chân thành trong buổi tọa đàm, và bày tỏ thiện chí trong việc hỗ trợ các NXB và các dịch giả Việt Nam.
Sự hỗ trợ đầu tiên của ĐSQ sẽ là làm đầu mối kết nối các NXB Việt Nam với các NXB Ý, để các NXB Việt Nam có thể tiếp xúc, tìm hiểu về văn học Ý nhiều hơn, và đưa ra các định hướng phù hợp, bà Maria Benimeo, tùy viên văn hóa ĐSQ Ý cho biết.
Hiện tại, văn học Ý đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển tại Việt Nam và được mong đợi sẽ là nhịp cầu nối quan trọng thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
(Từ trái qua) Dịch giả Trần Thanh Quyết, tùy viên văn hóa Ý Maria Benimeo, dịch giả Phạm Bích Ngọc tại buổi tọa đàm (ảnh: Phi Yến)
Gần đây nhất, ngày 7/5, trong tuần văn học Châu Âu tại Việt Nam đã diễn ra buổi giới thiệu tiểu thuyết La Pira và hành trình trung gian hoà bình tại Việt Nam của tác giả Mario Primicerio do NXB Thế Giới thực hiện. Cuốn sách là hồi ký của Mario Primicerio, kể về những ngày ông ở Hà Nội với tư cách là điều phối viên của Ngài Giorgio La Pira, thị trưởng thành phố Florence tại thời điểm đó, để thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Dự kiến bản tiếng Việt của cuốn sách thực hiện bởi dịch giả Trần Thanh Quyết sẽ ra mắt độc giả vào tháng 10 năm nay, nhân dịp Tuần lễ Ngôn ngữ Ý.
Dịch giả Trần Thanh Quyết cũng chia sẻ về dự định trong những năm tới, sẽ tìm kiếm các nguồn lực để triển khai dự án truyện cổ tích song ngữ Việt – Ý, nhằm đáp ứng mong mỏi của các gia đình người Ý có con nuôi người Việt.
Phi Yến