Dịch giả Trung Quốc chuyển ngữ tiểu thuyết "Số Đỏ": Đàn ông có nhiều cái ghen giống nhau!
"Phụ nữ ngày nay được hưởng những hạnh phúc mà trước kia chưa từng có. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn một số nam giới ở hai nước còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm trinh tiết truyền thống phong kiến nên dẫn đến một số bi kịch hôn nhân...", PGS.TS - dịch giả Hạ Lộ (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc), người dịch tác phẩm "Số Đỏ", "Nỗi buồn chiến tranh", "cái ghen của đàn ông" và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Trung Quốc chia sẻ.
CHUYỂN NGỮ "SỐ ĐỎ" - TƯỞNG DỄ HOÁ KHÓ
Điều gì khiến bà gắn bó với văn học Việt Nam, đặc biệt là dự án chuyển ngữ tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng sang tiếng Trung Quốc?
- Năm 1992, tôi bắt đầu học tiếng Việt và tiếp cận văn học Việt Nam khi vào học chuyên ngành tiếng Việt của Khoa Đông phương học (Đại học Bắc Kinh). Ngay từ khi bắt đầu học ngữ âm tiếng Việt, tôi đã tiếp xúc với các bài hát, bài thơ Việt Nam. Ba mươi năm nay, tôi luôn quan tâm đến văn học Việt Nam.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với “Số đỏ” là vào năm 1996. Lúc đó tôi còn đang học đại học, trên lớp tôi có nghe cô giáo giới thiệu cuốn sách này, nhưng lúc đó do điều kiện có hạn nên tôi chưa có cơ hội đọc cuốn tiểu thuyết này. Sau này, tôi đã chọn dịch vì suy nghĩ ban đầu là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng và không quá dài.
PGS. TS - dịch giả Hạ Lộ đang là giảng viên tại Đại học Bắc Kinh. (Ảnh: NVCC) |
“Số đỏ” có sử dụng nhiều chất liệu đời sống rất đặc thù của dân "anh chị" thời kỳ đó thể hiện rõ nhất là những tiếng lóng. Vậy bà đã làm thế nào để chuyển ngữ tác phẩm mà vẫn giữ được bản sắc của tác phẩm?
- Ngôn ngữ trong “Số đỏ” thực sự khó dịch. Ban đầu, tôi nghĩ rằng có thể hoàn thành trong một tháng. Kết quả là khi bắt đầu vào cuộc, tôi nhận ra rằng công việc vô cùng khó khăn, có khi phải mất vài ngày để dịch một trang. Đối với một số từ vựng không hiểu, tôi tra cứu thông tin và hỏi ý kiến của bạn bè. Đồng thời, tôi cũng tham khảo bản dịch tiếng Anh. Tháng 8/2021, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản ở Trung Quốc.
Nhìn chung, tiểu thuyết “Số đỏ” tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc của phương Tây, nhưng cũng lưu giữ được truyền thống mạnh mẽ của tiểu thuyết phương Đông, ngôn ngữ trong đó có phần liên quan đến phong tục tập quán chung của cả Trung Quốc và Việt Nam, nhất là về cưới hỏi, ma chay. Phong tục có đôi chút giống với phong tục ở miền nam Trung Quốc, đặc biệt là ở Quảng Đông, vì vậy tôi thực sự có một số lợi thế về văn hóa khi dịch cuốn tiểu thuyết này. Trong quá trình tham khảo bản dịch tiếng Anh, tôi nhận thấy nhiều vấn đề trong bản dịch tiếng Anh là do họ không hiểu thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Không chỉ với tác phẩm "Số Đỏ", bà còn dịch thành công một tác phẩm có sức nặng không kém, đó là "Nỗi buồn chiến tranh". Vậy, bà đã phải vượt qua những khó khăn ra sao để những tác phẩm trên ra mắt bạn đọc Trung Quốc?
- Trong việc dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam, ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, chữ viết, công tác xuất bản và phát hành. Do ngôn ngữ của các tác phẩm văn học tương đối khó nên lúc đầu tôi chủ yếu dịch truyện ngắn và thơ ngắn, sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên, tôi sẽ in ra và nhờ thầy cô, bạn bè biết tiếng Việt xem giúp, sau đó sửa lại dựa trên góp ý của mọi người.
Tôi cũng làm như vậy khi dịch các tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” và “Số đỏ”. Trong quá trình dịch “Nỗi buồn chiến tranh”, tôi đã gặp một số từ vựng quân sự và kiến thức về bối cảnh chiến tranh. Tôi đã nhiều lần gửi thư hỏi ý kiến của tác giả Bảo Ninh, đồng thời cũng tự tham khảo nhiều tài liệu, cũng tham khảo cả bản dịch tiếng Anh để đối chiếu.
Tôi cũng đã nhiều lần hỏi những người bạn Việt Nam đang học ở Trung Quốc và những người bạn Trung Quốc đang làm việc tại đại sứ quán Việt Nam về kiến thức ngôn ngữ liên quan, thông qua WeChat hoặc các phương pháp khác. Khi dịch 2 cuốn tiểu thuyết này, tôi đã tích lũy được nhiều kiến thức dịch thuật và tìm hiểu sâu nhiều vấn đề. Vì vậy, tôi cũng đã viết nhiều bài báo học thuật và tham gia các hội nghị học thuật để thảo luận, một số đã được đăng trên các tạp chí học thuật.
Việc xuất bản và phát hành các tác phẩm văn học Việt Nam dịch thuật lúc đầu rất khó khăn, tôi còn một số bản dịch chưa được xuất bản. Tuy nhiên, kể từ khi xuất bản bản dịch truyện ngắn tiếng Việt đầu tiên vào năm 2014 và tập “Nỗi buồn chiến tranh” vào năm 2019, nhiều tạp chí và nhà xuất bản đã tìm đến tôi để xin bản thảo.
NÉT CHUNG VỀ "CÁI GHEN" CỦA ĐÀN ÔNG
Từng dịch “Cái ghen đàn ông” và sau đó là ‘Số đỏ” cùng của tác giả Vũ Trọng Phụng, bà có thấy điều gì là nét chung giữa những người phụ nữ được tác giả mô tả trong các tác phẩm này?
- Qua 2 tác phẩm trên có thể thấy rõ, phong cách tạo hình nhân vật của Vũ Trọng Phụng chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây. Đặc biệt, các nhân vật nữ trong “Số đỏ” hầu như đều chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, quan điểm về hôn nhân và tình yêu của họ vượt xa văn hóa Nho giáo truyền thống, "thoáng" hơn với những vấn đề ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân... Dù có thể nhà văn đã châm biếm những tệ nạn xã hội lúc bấy giờ, nhưng ở một khía cạnh khác cũng cho thấy những quan điểm cởi mở về hôn nhân là suy nghĩ tương đối phổ biến của phụ nữ thành thị của Việt Nam khi đó.
PGS. TS - dịch giả Hạ Lộ trong một chuyến thăm Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Phát hiện gì trong "Số Đỏ" làm bà thấy thú vị, đặc biệt là khi dịch những đoạn có liên quan tới người phụ nữ?
- Khi dịch tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tôi thường so sánh hình tượng phụ nữ trong tác phẩm cổ điển Việt Nam với hình tượng phụ nữ Việt Nam đương đại, đồng thời so sánh với hình tượng phụ nữ trong văn học Trung Quốc và văn học thế giới. Qua đó thấy được nhiều điều thú vị.
Phụ nữ Việt Nam đương đại tuy vẫn giữ được sự cần cù, chịu thương chịu khó, hiếu thảo với cha mẹ của người phụ nữ truyền thống, nhưng họ rất độc lập về tinh thần và vật chất. Quan điểm của phụ nữ về hôn nhân và tình yêu trong “Số đỏ” còn khá táo bạo so với xã hội ngày nay và có thể còn cấp tiến hơn nhiều quan điểm của các nhà nữ quyền.
Đơn cử như chuyện cô con gái Hoàng Hôn của cụ cố Hồng: khi nghe người tình đòi cô ấy ly hôn để cưới mình, cô thẳng thừng nói với người tình rằng cắm sừng chồng là “mốt”, sau này có lấy anh ta thì cũng phải tìm một người tình, nếu như thế thì thà để chồng cô "đeo sừng" còn hơn. Một khái niệm "phá cách" với cả quan niệm của phụ nữ ngày nay!. Trước khi đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi khó có thể tưởng tượng rằng tác giả có thể xây dựng được những "mẫu người" phụ nữ có những suy nghĩ như vậy, dù cách đây ngót trăm năm.
Trong không khí của Ngày quốc tế phụ nữ 8.3, từ một góc nhìn hài hước, bà có nhận thấy điểm gì giống nhau giữa “cái ghen” của đàn ông Việt Nam và Trung Quốc trong tình yêu hay không?
- Cái ghen của đàn ông Trung Quốc và Việt Nam theo tôi rất giống nhau. Trong thời đại mở cửa, nhìn chung địa vị của phụ nữ đã được cải thiện so với trước. Phụ nữ ngày nay được hưởng những hạnh phúc mà trước kia chưa từng có. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn một số nam giới ở hai nước còn bị ảnh hưởng bởi quan niệm trinh tiết truyền thống phong kiến nên dẫn đến một số bi kịch hôn nhân.
Bạn có lẽ khó tưởng tượng rằng trong 2 năm trước ở Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) có một cô gái học rất giỏi đã bị bạn trai sỉ nhục vì không còn trinh dẫn đến tự tử. Tình huống này rất giống với câu chuyện trong “Cái ghen đàn ông” khi một người đàn ông tra tấn tinh thần một người phụ nữ vì ghen tuông và dẫn đến cái chết của cô ấy.
PGS. TS - dịch giả Hạ Lộ giảng dạy tác phẩm "Số đỏ" tại một trường đại học Trung Quốc. (Ảnh: NVCC) |
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐAM MÊ VỚI "CÁNH ĐỒNG" VĂN HỌC VIỆT
Không chỉ dừng ở chuyển ngữ “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng bằng tiếng Trung, nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam cũng được bà quan tâm?
- Tôi đã dịch nhiều truyện ngắn của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Lê Minh Khuê và nhiều nhà văn Việt Nam đương đại khác, cũng như các tác phẩn thi ca của các nhà thơ như Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Tản Đà, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều,… đã được đăng trên báo Trung Quốc.
Cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” và “Số đỏ” đều đã nhận được sự khẳng định từ các nhà văn Trung Quốc, độc giả bình dân và học giả. Ngoài ra, những truyện ngắn Việt Nam đương đại mà tôi dịch đã khiến các nhà văn Trung Quốc ngạc nhiên. Họ không ngờ có thể đọc được những tác phẩm hay như vậy của các nhà văn Việt Nam, chẳng hạn như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và “Một buổi chiều thật muộn” của Lê Minh Khuê được nhiều độc giả yêu thích. Tới đây, bản dịch “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp sẽ được đăng trên tạp chí “Văn học thế giới” .
Tôi vừa xuất bản “Tuyển tập Thơ Việt Nam” vào tháng 12/2022, gồm thơ cổ điển, thơ hiện đại và đương đại. Phần cổ điển bao gồm các bản dịch chọn lọc của Truyện thơ Hoa Tiên, Truyện thơ Phan Trần… trước đây chưa được dịch sang tiếng Trung Quốc. Những tác phẩm trên rất đáng dịch và giới thiệu tới bạn đọc Trung Quốc.
Sắp tới đây, bà có kế hoạch gì để tăng cường việc lan toả văn học và ngôn ngữ Việt Nam tại Trung Quốc?
- Tôi đang dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam tại Đại học Bắc Kinh, ngoài việc giới thiệu các tác phẩm kinh điển của Việt Nam, tôi còn đặc biệt chú trọng giới thiệu những bước phát triển mới nhất của văn học đương đại Việt Nam và thảo luận với sinh viên.
Khi tôi bắt đầu học tiếng Việt, ở Trung Quốc chỉ có 9 trường đại học dạy tiếng Việt. Hiện nay, việc dạy tiếng Việt đã xuất hiện ở hơn 100 trường đại học. Tôi đang có quan hệ học thuật với nhiều trường trong số trên, các tác phẩm dịch thuật của tôi cũng được phổ biến rộng rãi ở các trường đại học này. Ngoài ra, tôi thường giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam và mối quan hệ của chúng với văn học thế giới trong đó có văn học Trung Quốc, đặc biệt là giới văn học so sánh.
PGS.TS Hạ Lộ sinh năm 1974, hiện là Phó Giáo sư phòng Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Việt (Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á, Học viện Ngoại ngữ, Đại học Bắc Kinh). Với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu văn học Việt Nam, mối liên hệ giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc, bà đã giới thiệu hàng chục tác phẩm Việt Nam bao gồm cả văn học dân gian và văn học đương đại đến với độc giả Trung Quốc. |
Trân trọng cảm ơn bà
Ngọc Anh thực hiện
Mối tình xuyên bên giới kéo dài 10 năm và cái kết đẹp như mơ vào Ngày tỏ tình Từ 2 người hoàn toàn xa lạ đến từ 2 vùng đất khác nhau, họ đã làm quen, chia xa rồi gặp lại và về chung một nhà. Cuộc tình của cô gái Việt và chàng trai Đài Loan (Trung Quốc) đã trải qua 10 năm “duyên nợ” và có một cái kết đẹp như trong mơ đúng vào Ngày tỏ tình của Trung Quốc. |
Hoàng Quần: Người nối nhịp cầu cho tình hữu nghị Việt -Trung Đã bước qua tuổi 90, nhưng đối với ông Hoàng Quần, Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc thì những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt quãng thời gian được làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Chu Ân Lai... vẫn sống mãi trong tâm trí ông. |