Những trạm xá hữu nghị của người dân nghèo Việt Nam – Campuchia
Địa chỉ của người dân vùng biên
Từ 6 giờ sáng, Trạm y tế quân dân y hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia đóng tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh mở cửa đón bệnh nhân khám chữa bệnh. Trong khi cán bộ quân y tại trạm xá kiểm tra lại số lượng thuốc, loại thuốc, chuẩn bị y cụ và khám… thì đã có 10 người dân đang ngồi xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt khám bệnh.
“Bệnh đau dạ dày cần điều trị lâu dài, ông phải chịu khó uống thuốc theo đơn, hết thuốc thì đến trạm xá để khám lại”, lời dặn của cán bộ quân y phụ trách trạm xá được ông Seng Boramey, người dân tỉnh Svay Rieng (Campuchia) lắng nghe chăm chú.
Ở tuổi xế chiều, ông Seng Boramey mắc nhiều bệnh và được các thầy thuốc trạm xá quân dân y kết hợp thường xuyên thăm khám. Ông Seng Boramey chia sẻ: “Từ khi có trạm xá quân dân y kết hợp, người dân ai ốm đau cũng đều tìm đến nhờ thầy thuốc biên phòng Việt Nam thăm khám và cấp thuốc...”.
Người dân Campuchia khám chữa bệnh tại Trạm y tế quân dân y hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia đóng tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Đức Trọng |
Ông Seng Boramey là một trong số hàng trăm người dân tỉnh Svay Rieng, Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh.
Gần 13 năm qua, hình ảnh những người bác sĩ mang quân hàm xanh ở Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia thuộc xã Vĩnh Gia - một trong những xã biên giới nghèo của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã in đậm trong tâm trí bà con nhân dân Việt Nam – Campuchia nơi đây. Bằng những việc làm tận tụy, thiết thực; các anh đã nhân lên niềm tin, tô thắm tình quân dân, tình đoàn kết, hữu nghị bền vững với nước láng giềng ở miền biên cương Tổ quốc.
Bà Nheb Davy, xã Tà Ô, huyện Kiri Vong, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia chia sẻ, từ nhà bà xuống trạm y tế xã khá xa nên bà thường xuyên sang Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia để khám, điều trị bệnh, vừa thuận tiện lại ít tốn kém.
“Nhà nghèo, không đủ tiền đi bác sĩ tư, nên khi có người đau ốm đều sang Việt Nam để chữa trị. Từ khi có Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia, chúng tôi rất phấn khởi, vì không phải vất vả đi xa đến tận trung tâm huyện để khám chữa bệnh như trước. Hơn nữa, các bác sĩ ở đây rất thân tình, chu đáo, khám bệnh nhiều lúc không lấy tiền mà còn cho thuốc về nhà uống nữa, tôi rất yên tâm”- bà Nheb Davy vui vẻ nói.
Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia trở thành địa chỉ tin cậy của bà con nhân dân vùng biên giới. Ảnh: Công Mạo |
Làm sâu sắc quan hệ láng giềng tốt đẹp
Xây dựng mối quan hệ quân dân, tình hữu nghị giữa 2 bên biên giới bằng hành động cụ thể trong những năm qua là cách làm được Bộ đội biên phòng Việt Nam chọn và phát huy một cách thiết thực.
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đầu tư xây dựng nhiều Trạm xá quân dân y hữu nghị tại khu vực biên giới góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp người dân yên tâm sinh sống và bám trụ nơi biên cương của Tổ quốc.
Ngoài An Giang, Tây Ninh, các Trạm xá kết hợp quân - dân y của các Đồn Biên phòng (thuộc Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk) tại các xã biên giới: Ia Lốp, Ia R’vê, Ea Bung (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) mỗi năm cũng khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người dân, bộ đội, gia đình chính sách của Việt Nam và nước bạn.
Bên cạnh hệ thống trạm y tế ở các xã vùng biên, Bộ đội Biên phòng An Giang còn lập thêm 3 trạm xá quân dân y tại khu vực biên giới ở các huyện Tri Tôn, An Phú và Tân Châu để nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, lực lượng quân y biên phòng còn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân Campuchia tại hai tỉnh Ta Keo và Kan Dal.
Đến nay, các trạm xá quân, dân này đã phục vụ đắc lực cho nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân hai bên biên giới, thể hiện tình cảm hữu nghị, đoàn kết và làm sâu sắc hơn quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Chia sẻ với báo chí, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trạm xá trên tại những địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, để hỗ trợ tốt nhất đồng bào hai nước đang gặp nhiều khó khăn.