Những câu chuyện về tình hữu nghị "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa"
Lễ trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" do tạp chí Thời Đại (cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức vào ngày 13/12 đã đón một số vị khách mời đặc biệt. Đó là hai tác giả đạt giải Nhất cuộc thi - ông Khamkeo Vôngphila, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn (Lào); ông Tráng Lao Lử (người Mông, ở bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) và ông Trần Văn Thắng, con trai tác giả Trần Văn Túc, người đạt giải Nhì trong cuộc thi này.
Tác giả Khamkeo Vôngphila (thứ hai, từ trái qua) và tác giả Tráng Lao Lử (thứ ba, từ trái qua) nhận Giấy chứng nhận và kỷ niệm chương giải Nhất cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" (Ảnh: Thu Hà). |
Cuộc sum họp diệu kỳ
Cách đây 53 năm trong thời kỳ chiến tranh, nhiều em học sinh Lào đã được đưa sang Việt Nam sơ tán. Các em được các gia đình Việt Nam, chủ yếu cũng là những nông dân cần lao trong thời chiến tranh, nhận làm con nuôi và đưa về gia đình mình chung sống. Họ đã sống bên nhau như ruột thịt. Trong đó có cậu bé Khamkeo Vôngphila, 13 tuổi, sống tại Xiêng Khoảng (Lào) tới nhà ông Trần Văn Túc (khu 3, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).
Sau khi hòa bình và giải phóng ở cả hai nước, ông Khamkeo Voongphila đã về Lào. Họ đã mất liên lạc với nhau hơn chục năm trời. Thông qua cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”, người con nuôi Lào Khamkeo Voongphila năm xưa đã tìm được cha mẹ, anh em nuôi của mình trên quê hương Việt Nam. Cả cha mẹ và người con nuôi đều đã đạt giải cao trong cuộc thi này khi họ viết về chính cuộc đời và kỷ niệm của mình trong những năm tháng chung sống bên nhau.
Tấm ảnh ba con nuôi người Lào chụp với gia đình ông Trần Văn Túc. Trong ảnh, Khamkeo đứng cạnh bố Túc. |
Chia sẻ tại lễ trao giải, ông Khamkeo Vôngphila cho biết, hơn nửa thế kỷ qua ông vẫn giữ gìn những kỷ vật mang nặng ân tình của các gia đình Việt Nam. Đó là thiệp chúc mừng năm mới của chị Xuân Kim, tranh vẽ tay của em trai chị và tấm ảnh chụp chung với gia đình bố Trần Văn Túc.
Gia đình chị Xuân Kim là nơi đầu tiên ông Khamkeo Vôngphila đến ở khi di tản sang Việt Nam. Thiệp chị Kim tặng có hình ảnh ngôi chùa Một Cột và đường tròn nối tiếp bao quanh, bên cạnh đính một nhành hoa tím được gấp bằng vải nhung. Giữa thiệp chị kẹp một tờ 5 hào và một tờ 10 xu tiền giấy để mừng tuổi Khamkeo dịp năm mới. Còn tranh vẽ tay của em trai chị Xuân Kim vẽ một cành hoa đang đua lá, hé nụ, có 3 bông xòe cánh đón mưa xuân…
"Khi nhận thiệp của chị Xuân Kim và tranh vẽ tay của em trai chị vào mùa Xuân năm 1968, tôi chưa biết tiếng Việt nên cũng không biết trên thiệp viết gì, chỉ biết giữ gìn cẩn thận. Sau này, tôi biết tiếng Việt giở kỷ vật ra đọc lại thì mới hiểu thiệp chị tặng tôi là thiệp chúc mừng năm mới của Việt Nam. Trên thiệp chị ghi: “Tặng em! Chúc em ngoan, vui khỏe, hồn nhiên, yêu đời. Gắng học tập và công tác để đạt ước mơ mà em hằng mong muốn. Chúc em như đóa hoa xuân đầy mộng đẹp…”. Còn tranh vẽ tay em trai tặng tôi ghi: "Tặng bạn Kẹo, bạn thân", ông Khamkeo kể lại.
Một kỷ vật đặc biệt khác là tấm ảnh ông Khamkeo chụp chung với gia đình bố Túc, mẹ Mai ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ) vào năm 1969. Đây là gia đình năm xưa cậu bé Khamkeo cùng hai người bạn Lào khác là Bun Lặp và Bun Phênh được đưa về ở cùng.
"Chúng tôi khi ấy mới 12-13 tuổi đến ở nhà bố Túc, mẹ Mai. Tuy khác dân tộc, khác đất nước nhưng bố mẹ thương yêu, quý mến chúng tôi chẳng khác nào con đẻ. Bố mẹ tận tình dạy bảo từng chữ, từng câu nói, nếp sống trong gia đình. Đó là kỷ niệm tuyệt vời nhất đối với tôi", ông Khamkeo xúc động nói.
Năm 1970 cậu bé Khamkeo chuyển vào nội trú trường Phổ thông Miền núi I - Vĩnh Phú để thuận tiện cho việc học. Ngày chia tay bịn rịn, bố Túc đưa cho Khamkeo địa chỉ và tấm ảnh chụp chung với gia đình vào năm 1969. Tấm ảnh ấy cùng tấm thiệp của chị Xuân Kim và bức tranh vẽ tay của em trai chị trở thành kỷ vật thiêng liêng, được ông Khamkeo trân trọng gìn giữ trong suốt hơn 50 năm qua.
Ông Trần Văn Thắng, con trai cụ Trần Văn Túc, chia sẻ tại lễ trao giải (Ảnh: Trường Hùng). |
Gặp lại "anh Kẹo" trong lễ trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện", ông Trần Văn Thắng cho biết, nhờ có cuộc thi mà gia đình ông nối lại liên lạc được với người anh sau hơn 10 năm xa cách. Đây là niềm vui lớn đối với gia đình ông.
Nhà có 4 chị em, thêm ba anh trai người Lào nữa là 7. Rất nhiều kỷ niệm vui với các anh trai người Lào vẫn được ông Thắng ghi nhớ trong lòng. Đó là những lần bắn bi, đánh đáo, bắn dơi, đặc biệt ông nhớ các anh ăn ớt rất giỏi.
"Bố mẹ tôi chiều các anh, bữa cơm nào cũng có ớt. Cay đến nỗi tôi không thể ăn được mà các anh đã ăn xong rồi, lại hỏi tôi sao không ăn được?", ông Thắng kể và cho biết, điều đáng mừng là bây giờ internet phát triển, gia đình ông muốn nói chuyện với "anh Kẹo", với chị dâu và các cháu lúc nào cũng được. Ngay sau chương trình này, "anh Kẹo" sẽ về Phú Thọ thăm bố Túc, mẹ Mai, còn gia đình ông cũng sẽ cố gắng sang Lào thăm gia đình anh trai trong thời gian gần nhất.
Những kỷ vật gợi nhớ tới lãnh tụ cách mạng Lào
Ở tuổi 84, ông Tráng Lao Lử vẫn nhớ những ngày mới lên 10 theo chân cha vào rừng đưa cơm cho Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Năm 1948, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và đội tuyên truyền Lào Bắc về bản Phiêng Sa (sau đổi tên là bản Lao Khô) làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, để rồi từ đó phát triển thành nhiều căn cứ cách mạng trên đất nước Lào, chống lại thực dân Pháp.
Theo lời bố ông Tráng Lao Lử - cụ Tráng Lao Khô, kể lại, thời gian đầu ông Kaysone Phomvihane trú tại hang Thẩm Mễ (cách bản Lao Khô khoảng 7km).
"Ngày ấy rừng núi rập rạp, đi lại khó khăn. Tôi thường theo bố mang cơm cho bác Kaysone và đội tuyên truyền Lào Bắc. Để tránh quân giặc phát hiện, khi đi chúng tôi thường mang theo cuốc để có bị hỏi thì nói mang cơm cho người nhà ở trong nương", ông Tráng Lao Lử cho biết.
Một thời gian sau, Chủ tịch Kaysone Phomvihane chuyển về sinh sống tại gia đình ông Tráng Lao Lử. Trong sinh hoạt hàng ngày, các thành viên đã dần trở nên thân thiết với Chủ tịch như người trong gia đình. Đặc biệt trong thời gian này, bố ông Tráng Lao Lử và ông Kaysone Phomvihane còn làm lễ cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em, nguyện thề sống chết có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như ruột thịt.
Chiếc ấm đun nước, chiếc nồi đồng, chiếc chảo và cối xay mèn mén là những vật dụng được gia đình ông Tráng Lao Lử sử dụng để phục vụ lãnh tụ cách mạng Lào và các đồng chí của mình trong giai đoạn 1948-1951. Sau này, khi khu di tích cách mạng Việt - Lào được khánh thành tại bản Lao Khô vào năm 2017, gia đình ông Tráng Lao Lử đã gửi tặng các kỷ vật này cho nhà tưởng niệm bởi đó là chứng tích về một thời kỳ hào hùng và đầy thuỷ chung.
"Mỗi lần xuống thăm nhà tưởng niệm, ngắm nhìn các kỷ vật tôi lại nhớ những kỷ niệm xưa với bác Kaysone và đội tuyên truyền Lào Bắc", ông Tráng Lao Lử nói.