Nhờ chính sách của ông Abe, tôi được hỗ trợ 21 triệu đồng trong lúc khó khăn vì COVID-19
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (Ảnh: Reuters). |
Sáng ngày 8/7, thông tin về việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời đã khiến người dân Nhật Bản và các nước bàng hoàng.
Mọi ngày tôi chỉ dành vài phút rảnh rỗi trong giờ làm để cầm điện thoại lên Facebook xem các thông tin. Nhưng từ lúc biết tin vụ ám sát, tôi chỉ còn dành thời gian để dõi theo thông tin về ông Abe. Ngay sau đó, tôi liên tục theo dõi các cập nhật của báo chí và của những người quen ở Nhật Bản để nắm được thông tin càng sớm càng tốt.
Dù biết ông lâm vào tình hình nguy kịch, tôi vẫn luôn nghĩ điều xấu nhất sẽ không xảy ra với ông Abe. Tôi đã tin vào phép màu và tình cảm của những người thiện lương sẽ tiếp thêm sức mạnh để ông vượt qua cơn nguy kịch. Nhưng phép màu đã không xảy ra.
Người báo tin cho tôi về việc ông Abe qua đời là một đồng nghiệp. Lúc đó tôi còn đang ngồi thẫn thờ ở trong căn phòng làm việc tại Hà Nội. Tôi đã bàng hoàng tiếc thương và xót xa. Trong tâm trạng đó, tôi tìm đến những người bạn người Nhật và cả những người bạn Việt Nam trong cộng đồng cựu du học sinh để chia buồn cho sự ra đi của một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.
Sự kiện này đã gợi nhớ về một thời gian sinh sống và học tập của tôi tại Nhật Bản. Tình cảm tôi dành cho xứ sở hoa anh đào bắt đầu từ một người bạn Nhật Bản, từ khi còn học phổ thông. Chúng tôi quen nhau thông qua chương trình giao lưu giữa hai trường học. Vượt qua rào cản văn hoá và ngôn ngữ, tình bạn của chúng tôi trở nên thân thiết. Và hơn thế nữa, tình bạn tốt đẹp này đã chắp cánh cho ước mơ đến với Nhật Bản của tôi.
Tận dụng vốn tiếng Anh, tôi lựa chọn ngôi trường quốc tế Ritsumeikan Châu Á - Thái Bình Dương (APU), một trong những trường tư có tiếng ở Nhật Bản. Sau nhiều nỗ lực và may mắn, tôi nhận được học bổng 100% của trường cùng với học bổng nghiên cứu 2 năm của tổ chức Sylff (tập đoàn Nippon). Chính thức lên đường du học vào tháng 9/2018, tôi đã có hơn 2 năm vừa học tập vừa trải nghiệm ở đất nước mặt trời mọc, một hành trình nhiều cảm xúc mà cho đến bây giờ sau hơn 1 năm trở lại Việt Nam đầy những kỷ niệm đáng nhớ.
Thành phố nơi tôi ở là thành phố Beppu, nằm phía nam của tỉnh Oita. Nơi đây được gọi là "thủ đô" của suối nước nóng tự nhiên và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của Nhật Bản. Ngoài việc học, tôi dành thời gian khám phá các địa điểm du lịch, học tiếng Nhật và tìm kiếm cơ hội việc làm. Kế hoạch làm việc tại Nhật sau khi tốt nghiệp của tôi không thể thực hiện được do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giống như nhiều du học sinh, khó khăn về đại dịch về kinh tế và cả về tâm lý đã khiến tôi gác lại ước mơ làm việc tại Nhật Bản và trở về nước.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (Ảnh: Người đưa tin). |
Tuy vẫn nuôi ước mơ có cơ hội làm việc ở Nhật Bản, nhưng trước những biến động trong xã hội Nhật Bản như vụ tấn công trên tàu điện ngầm và vụ sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe, tôi đắn đo vì nước Nhật có thể sẽ không còn bình yên như trong ký ức.
Sự ra đi của ông, vị cựu Thủ tướng Nhật có gương mặt phúc hậu, đã khiến Thủ tướng đương nhiệm Kishida không kiềm được nước mắt và đến mức “nói không nên lời”.
Còn nhớ năm 2018, lần đầu tôi sang Nhật du học, cũng là thời điểm ông còn tại vị chức Thủ tướng. Tới thời điểm bùng phát dịch COVID-19, Thủ tướng Abe đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động Việt Nam tại nước này như trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt như với các công dân Nhật Bản. Nhờ chính sách này, tôi đã được nhận 10 man (khi đó tương đương 21 triệu đồng). Ngoài số tiền nói trên, gói hỗ trợ còn bao gồm 2 chiếc khẩu trang vải. Tuy là vật dụng khan hiếm tại thời điểm đó, nhưng nhiều du học sinh không dùng đến mà đặt cho 2 chiếc khẩu trang này cái tên "khẩu trang Shinzo Abe" để làm kỷ niệm.
Dấu ấn mang tên Abe mang lại cơ hội việc làm cho người Việt Nam tại Nhật Bản còn phải kể đến hỗ trợ điều trị cho các thực tập sinh Việt Nam không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2; cho phép các thực tập sinh hết hạn hợp đồng tiếp tục làm việc cho đến khi có chuyến bay về nước. Từ đáy lòng, tôi thầm cảm ơn ông vì Abeconomics, những cống hiến, tâm huyết và nhiều chính sách cho người nước ngoài tại Nhật. Mong rằng ở nơi vĩnh hằng, ông sẽ luôn mỉm cười với những điều tốt đẹp đã làm được cho cuộc đời này.
Ấn tượng với cái xua tay ra hiệu "không có gì đâu" Theo Huyền Nhung, ấn tượng sâu sắc nhất về xứ sở hoa anh đào là sự thân thiện và chào đón của người dân địa phương nhớ những ngày đầu ở Nhật. "Khi đó, tôi còn loay hoay với những việc nhỏ nhất như tra cứu lịch trình xe buýt hay gửi thư từ ở bưu điện. Những lúc như vậy, không chỉ những nhân viên làm việc ở bến xe hay bưu điện phiên dịch, mà cả những người xung quanh cũng sẵn lòng chỉ cho tôi cách làm. Họ không biết nói tiếng Anh nhưng làm nhiều cách khác để tôi hiểu. Khi tôi cảm ơn, họ chỉ cười và xua tay ra hiệu “không có gì đâu.” Tính tự giác của người Nhật cũng thật đáng khâm phục. Dù đã nghe và đọc nhiều câu chuyện nhưng khi được chứng kiến tận mắt, tôi đặc biệt ấn tượng với các bạn nhỏ với ý thức tập thể cao, nhất là trong hoạt động giản đơn. Thói quen tự giác đã được hình thành từ rất sớm, các bạn nhỏ chỉ cần nhìn và học theo bố mẹ hoặc quan sát người lớn mà làm theo. Khi tham gia các hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh bờ biển, chăm sóc rừng tự nhiên, phát đồ từ thiện, ngay cả các bạn từ độ tuổi tiểu học cũng tham gia rất hăng hái. Dưới trời nắng nóng khi dọn vệ sinh bờ biển, nếu chưa thấy mọi người dừng nhặt rác, các em cũng tiếp tục làm mà không cần ai nhắc nhở...", chia sẻ của Huyền Nhung, cựu du học sinh tại Nhật Bản. |