Abe Shinzo - vị Thủ tướng yêu Việt Nam từ đáy lòng
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã từ trần sau khi bị bắn vào trưa nay tại tỉnh Nara trong lúc vận động bầu cử Thượng viện. Thông tin này đã làm cho thế giới rúng động. Người dân Nhật Bản bàng hoàng. Còn riêng đối với Việt Nam, việc một người bạn thân thiết, một nhà lãnh đạo thế giới đáng kính đã nỗ lực đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp chưa từng có, cho sự phát triển của Việt Nam không còn là một sự mất mát to lớn.
Abe Shinzo - cái tên đầy danh giá
Ông Abe Shinzo năm nay 67 tuổi, sinh ra tại Tokyo. Ông Ngoại là Kishi Nobusuke cũng là Thủ tướng Nhật Bản đã có công cải cách Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Bố của ông Abe trước đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Tổng thư ký đảng LDP, Bộ trưởng Ngoại giao. Như vậy, gia đình ông Abe Shizo là một gia đình dòng dõi chính trị gia.
Thủ tướng Abe Shinzo trong lễ đón Tổng Bí thư thăm Nhật Bản vào tháng 9/2015 |
Ông Abe Shinzo tốt nghiệp Đại học Keisei và có thời gian du học tại Mỹ. Ông cũng đã từng làm thư ký cho Cha ông khi là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản.
Ông có tư duy chính trị gia từ sớm khi kinh qua các chức vụ quan trọng trong Đảng LDP ngay từ khi còn trẻ như Cục trưởng cục thanh niên, Chu tịch hội xã hội phụ trách an ninh xã hội, rồi Chánh văn phòng Nội các của chính quyền Thủ tướng Koizumi.
Ông cũng là người đã từng thăm Triều Tiên và chứng kiến cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Koizumi và Nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Vì vậy, sau này ông là người nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề con tin Nhật Bản bị bắt cóc.
Với việc kế thừa tư duy của chính quyền Koizumi, ông Abe đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất sau chiến tranh của Nhật Bản vào năm 2006 khi lần đầu tham gia tranh cử Thủ tướng.
Trong thời gian tại nhiệm, ông đã có đóng góp vào việc thiết lập Luật cải cách giáo dục, Luật bầu cử nhân dân với việc xây dựng thủ tục cải cách Hiến pháp.
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2020, với tư cách là Thủ tướng có lịch sử tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản, ông Abe Shinzo ưu tiên tập trung vào khôi phục nền kinh tế Nhật Bản nhằm giảm lạm phát, thực hiện chính sách Abenomics với 3 trụ cột là thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng cường đầu tư tư nhân, minh bạch và thúc đẩy bền vững chính sách tiền tệ, tài chính.
Trong lĩnh vực ngoại giao, ông luôn chủ động và tích cựu tăng cường giao lưu. Ông đã thăm 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức thành công tại Nhật Bản Hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm 2016, G20 tại Osaka vào năm 2019. Sau đó chính ông Abe Shinzo đã thuyết phục được Tổng thống Obama trực tiếp tới thăm Hiroshima và khu tưởng niệm nạn nhân đã chết vì bom nguyên tử của Mỹ, bản thân ông là vị Thủ tướng đương chức đầu tiên của Nhật Bản thăm Trân châu cảng và viếng những liệt sĩ hy sinh tại trận chiến đấu này. Chính điều này đã mở ra một tư duy rộng mở hơn khi nhận thức về quá khứ.
Ở lĩnh vực ngoại giao kinh tế, ông Abe Shinzo đã có dấu ấn cá nhân đậm nét khi thúc đẩy việc tham gia của 11 quốc gia vào Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mặc dù Mỹ rút lui không tham gia.
Ông cũng là người tích cực trong việc theo đuổi cải cách Hiến pháp Nhật Bản cho phù hợp với tình hình mới trong đó có sư cho phép tham gia của quân đội Nhật Bản ở nước ngoài. Quyết tâm này vẫn được những Thủ tướng kế tiếp thực hiện.
Ông cũng là vị Thủ tướng đã 6 lần thắng liên tiếp tại cuộc bầu cử lưỡng viện, được coi là chính quyền mạnh nhất trong những năm 2017-2019.
Phu nhân Thủ tướng Abe Shinzo (giữa) mặc áo dài Việt Nam khi tham gia Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản |
Vị Thủ tướng yêu Việt Nam tận đáy lòng
Có thể nói trong quãng thời gian từ 2015 đến nay, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp chưa từng có, phát triển trên mọi phương diện với những kết quả thực chất. Đó là nhờ nỗ lực chung của nhân dân, các thế hệ lãnh đạo hai nước, đặc biệt là Thủ tướng Abe Shinzo.
Thủ tướng Abe Shinzo là người có nhiều tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Do đó, ông sẵn sàng tiếp các nhà lãnh đạo Việt Nam, người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh nếu có thể. Ngoài nghi thức ngoại giao cao nhất đối với những nhà lãnh đạo cao cấp, ông Abe có thể sẵn lòng tiếp những lãnh đạo cấp thấp chia sẻ về những phương án hợp tác có lợi nhất cho hai bên.
Tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, Lễ đón với nghi thức cao nhất đã được diễn ra tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản. Trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyến Phú Trọng, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói: “Tôi vô cùng vui mừng đón tiếp chuyến thăm Nhật bản của ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, người bạn thân thiết sang thăm Nhật Bản. Tôi rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Tôi đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên tới thăm sau khi tái cử Thủ tướng. Tôi vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trên tinh thần đối tác Chiến lược”.
Không những thế, Thủ tướng Abe và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi và chia sẻ nỗi lo ngại sâu sắc chung về những hành động liên tục thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trên Biển Đông như việc bồi đắp đất và xây dựng căn cứ quy mô lớn. Đồng thời nhất trí thông qua tuyên bố chung định hướng hợp tác trong thời gian tới bằng việc thực hiện các dự án cụ thể, chứng tỏ cho mối quan hệ hợp tác hai nước đang phát triển sâu rộng.
Trong các diễn đàn quốc tế, các Hội nghị liên quan bất cứ tổ chức tại đâu, Thủ tướng Abe đều gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam nếu có thể. Việc Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản 5/2016, và G20 tổ chức tại Osaka vào cuối tháng 6/2019 là một khẳng định cho việc Thủ tướng luôn coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cả hai Hội nghị lớn này.
Tại các buổi hội đàm giữa hai bên nhân hai sự kiện lớn này, Thủ tướng Abe Shinzo khẳng định Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng, đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị thượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Nhật Bản Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam, đồng thời cũng đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước.
Không chỉ các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên thăm Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Abe Shinzo, mà trong thời gian tại nhiệm với tư cách Thủ tướng, Ông Abe đã có 4 lần thăm Việt Nam vào thời gian tháng 11/2006 khi tham gia Hội nghị APEC, thăm chính thức Việt Nam vào tháng 1/2013 khi ông vừa nhậm chức Thủ tướng lần 2. Chuyến thăm này là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Ông sau khi nhậm chức Thủ tướng. Hai chuyến thăm nữa là tháng 1/2017, và tháng 11/2017. Tất cả những chuyến thăm này đều để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân Việt Nam, thể hiện quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước là thực chất mà trong đó vai trò của Thủ tướng Abe đặc biệt nổi bật.
Tạo dấu ấn lịch sử cho quan hệ Việt - Nhật
Với tư cách là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản cho đến nay, Thủ tướng Abe Shinzo đã có những hành động cụ thể, ngoài thúc đẩy viện trợ ODA cho Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư giữa hai nước, còn quan tâm tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục. Trong giai đoạn ông Abe Shinzo là Thủ tướng Nhật Bản, ông đã tích cực gia tăng ODA (viện trợ, vay ưu đãi...) cho phía Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2020, có năm nguồn vốn từ Nhật Bản lên tới 7 tỷ USD/1 năm cho Việt Nam. Nguồn vốn này đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Năm 2019, bên lề hội nghị G20 tại Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã sắp xếp khéo léo, tạo điều kiện cho cuộc gặp mặt nhanh chóng giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp đó đã giải quyết phần nào đó những cáo buộc gian lận thương mại áp lên Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Năm 2019, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc), là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc) của Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu song phương trong 10 năm trở lại đây có sự tăng trưởng khá ổn định. Nhìn chung cán cân thương mại Việt – Nhật trong 10 năm qua tương đối cân bằng, với sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng năm ở mức không quá lớn. Về đầu tư, năm 2019 Nhật Bản xếp thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục…sự hợp tác có những phát triển vượt bậc khi số lượng du học sinh, thực tập sinh tăng gấp nhiều lần trong những năm qua. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều nước trong đó có cả Việt Nam và Nhật Bản, Nhật Bản vẫn có những chính sách hỗ trợ đối với du học sinh, thực tập sinh người Việt Nam như gia hạn visa, hỗ trợ sinh hoạt, hỗ trợ khám chữa bệnh trong dịch…tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những người Việt Nam sống tại nước ngoài.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã qua đời, nhưng những tình cảm ông giành cho Việt Nam, những việc ông làm cho Việt Nam, những hoạt động ông đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản mãi là những dấu ấn mang tính lịch sử, của một con người giành cho một dân tộc./.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn ngã gục khi đang phát biểu Theo hãng tin NHK, trong lúc phát biểu tại thành phố Nara, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị thương do bị tấn công. Nghi vấn có tiếng súng nổ tại hiện trường. |
Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe nguy kịch sau vụ nổ súng Thủ tướng Kishida cho biết ông Abe đang nguy kịch vì vết thương sau vụ nổ súng và các bác sĩ "đang chiến đấu" để cứu mạng ông. |