Nhịp cầu tri thức và văn hóa Việt Nam-Australia
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Giáo dục Australia Jason Clare (Ảnh: quochoi.vn). |
Vừa đáp xuống sân bay quốc tế Melbourne thuộc loại nhộn nhịp nhất Australia, Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong Đoàn tới thẳng tòa nhà Trung tâm Đầu tư bang Victoria dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia, với sự tham gia của lãnh đạo bang và đông đảo các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, hiệu trưởng nhiều trường đại học lớn của hai nước.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam dự và có thông điệp quan trọng tại Diễn đàn chính sách, được tổ chức tại Hội trường Storey Hall, Đại học RMIT, với sự tham dự của nhiều vị chính khách Australia, bang Victoria và hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia giáo dục hàng đầu từ các trường đại học nổi tiếng. Diễn đàn quy mô thứ ba về hợp tác kinh tế song phương cũng được tổ chức cùng ngày, thu hút đông đảo các doanh nghiệp nước bạn.
Điểm sáng hợp tác về giáo dục
Tại các cuộc gặp, làm việc và diễn đàn quan trọng, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo các cơ quan hành pháp, nghị viện, các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục hàng đầu của Australia và Việt Nam đều chung nhận định: Trong gần nửa thế kỷ qua, hợp tác giáo dục-đào tạo luôn là trụ cột và là điểm sáng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Australia.
Trong thông điệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước ngày càng bền chặt. Sau khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009, Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015 và Đối tác chiến lược vào năm 2018, hai nước đang hướng mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí quyết tâm làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, ngoại giao nhân dân, giáo dục-đào tạo.
“Quan hệ chính trị rất tin cậy và tốt đẹp giữa hai nước là nền tảng cho sự phát triển hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia với tầm mức, quy mô có thể nói lớn nhất từ trước đến nay “sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên một cách bền vững, lâu dài, góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thượng nghị sĩ, Bộ trưởng Thương mại Australia Tim Ayres đánh giá cao kết quả quá trình đổi mới và mục tiêu của Việt Nam trở thành một quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, nhấn mạnh hợp tác hai nước về giáo dục-đào tạo có thể đóng góp cho mục tiêu này. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước không chỉ giúp phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững của mỗi nước mà còn là sợi dây gắn kết văn hóa, là nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.
Nêu rõ đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao và Việt Nam đang triển khai các chương trình hành động thực hiện các mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Với việc phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố con người là động lực, nguồn nội sinh hết sức quan trọng, là tài sản lớn nhất của chúng tôi để thực hiện khát vọng và các mục tiêu dài hạn”.
Chủ đề giáo dục cũng được các nhà lãnh đạo hai bên đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Việt Nam-Australia. Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, các lãnh đạo của 20 trường đại học của Việt Nam đã tham dự và có rất nhiều biên bản nghi nhớ với các đối tác Australia. Lãnh đạo Đại học RMIT thông báo quyết định tăng gấp đôi mức đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023.
Việt Nam hấp dẫn sinh viên Australia
Chuyến thăm Australia lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo nhà khoa học và nghiên cứu sinh, giảng viên, sinh viên Việt Nam tại các trường đại học của nước bạn. Giáo sư Trần Thị Lý và Tiến sĩ Bùi Thị Như Huyền đang giảng dạy tại Đại học Deakin, bang Victoria và có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục hai nước.
Năm 2019, Giáo sư Trần Thị Lý từng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, là một trong hai nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Noam Chomsky-Ngôi sao Tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu năm 2020, cùng hơn 30 giải thưởng và học bổng nghiên cứu từ các hiệp hội quốc tế, quốc gia...
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Trần Thị Lý và đồng nghiệp rất đồng tình với những nhận định, phân tích trong thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó đề cập rõ những cơ hội hợp tác mới của hai bên. Đáng chú ý, số lượng học sinh Việt Nam du học Australia ngày càng tăng sau dịch Covid-19, đạt hơn 23.500 sinh viên vào tháng 8/2022 và vẫn có xu hướng tăng thêm. Nhiều đại diện các trường và các bang Australia thăm và làm việc với đối tác Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du học, nghiên cứu và các chương trình liên kết.
Giáo sư Trần Thị Lý cũng cho biết, các chương trình du học ngắn hạn và thực tập của sinh viên Australia tại Việt Nam được đánh giá cao, thời gian chương trình linh hoạt từ vài tuần cho đến một năm, tiếp cận nhiều lĩnh vực, như bảo vệ môi trường, y tế, sức khỏe và kỹ thuật. “Theo nghiên cứu của chúng tôi về trải nghiệm của sinh viên Australia qua chương trình New Colombo Plan, sinh viên và thực tập sinh Australia đánh giá rất cao tiềm năng xuất khẩu giáo dục ngắn hạn và chất lượng chương trình thực tập trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam”- Giáo sư Trần Thị Lý khẳng định.
Nhiều thực tập sinh Australia tại Việt Nam chia sẻ đã học được các tính năng kỹ thuật và công nghệ mới trong chuyên ngành của mình. Theo nhiều sinh viên Australia, Việt Nam là một trong những thị trường công nghệ thông tin năng động nhất thế giới, đã trở thành trung tâm sản xuất phần mềm và phần cứng.
Giáo sư Trần Thị Lý cho biết thêm: Ngày càng nhiều bạn trẻ Australia có ước mơ, hoài bão và tâm huyết trong học tập, có tình yêu tiếng Việt, văn hóa và đất nước Việt Nam và đó là kết quả của nỗ lực hợp tác giáo dục giữa Australia và Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác tầm mức cao hơn trong những năm tới.
Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam tìm hiểu văn hóa Đồng Tháp Ngày 25/11, đoàn Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV) do bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch Viện dẫn đầu đã đến tham quan tại một số địa điểm của Đồng Tháp. Đây là chuyến đi nhằm tìm hiểu lịch sử, văn hóa Đồng Tháp nhân dịp bà Poldi Sosa Schmidt sang thăm Việt Nam. |
Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển Tiếp tục chuyến thăm chính thức Australia, chiều 2/12 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Đại học RMIT, thành phố Melbourne, bang Victoria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu quan trọng tại Viện chính sách Australia - Việt Nam. |